GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 35: Câu chuyện đầu năm

Trương Khắc Trà 04/01/2020 07:00

Phải chăng vì mải mê chạy theo các mục tiêu quá lớn mà đôi khi chúng ta quên đi những gì đã hứa?

Kết thúc một năm là lúc chúng ta tổng kết, nhìn lại 365 ngày đã qua cũng như vạch ra mục tiêu mới cho 365 ngày tiếp đến. Bản báo cáo tổng kết nào cũng có phần “tồn tại hạn chế”.

Nhưng quý vị hãy để ý xem, khi bắt đầu tổng kết một công việc, nhiệm vụ bao giờ cũng mở màn bằng những thành tựu, phần khuyết điểm lắm khi chỉ chiếm một góc nhỏ tít tận dưới cùng trang giấy.

Vậy, con người đã thật sự “nhìn thẳng” hay chỉ “nhìn liếc” vào sự thật? Cái muốn nói ở đây là “lời hứa”. Một năm trôi qua có hàng tá lời hứa, cam kết được buông ra nhưng chưa thấy ai bỏ công tổng kết lại xem thử bao nhiêu phần trăm đã thực hiện.

Phần việc chưa thực hiện được có nên phải xem là “thất tín”? Một lần thất tín vạn lần thất tin, ấy vậy mà có người đôi ba lần thất tín vẫn...ngời ngời uy tín!

Hồi tháng 11/2019, Chủ tịch Hà Nội nói “...hết tháng 12 chạy tàu Cát Linh - Hà Đông”, thế nhưng cho đến bây giờ dự án vẫn mắc kẹt tại điểm 99% khối lượng!

Trước đó, vào tháng 10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hỏi tổng thầu Trung Quốc “các ông hứa bao giờ làm xong?”. Tổng thầu này...không hứa mà tiếp tục chuyền quả bóng sang “chủ đầu tư” dự án.

Tính cả lần mới nhất, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã 9 lần lỡ hẹn, đến nỗi người ta ví von là “đứa con 16 năm chưa chào đời”.

Cách đây cả thập kỷ, có vị Bộ trưởng hứa “đến năm 2010, giáo viên sống được bằng lương”. Thế mà đến nay, tình hình “vũ như cẩn”.

Nói về hứa thì không đâu nhiều bằng tại họp Quốc hội, lời hứa tại đây vốn rất có giá trị, đôi khi như liều thuốc an thần giúp xoa dịu “cơn đau” trong các ngành, lĩnh vực khi bị truy vấn. Nhưng kết quả thế nào xin để bạn đọc suy xét.

Có lẽ vì thế mà từng có một vị Bộ trưởng không dám trả lời câu hỏi kiểu “buộc hứa” nên đã tung ra một đường chuyển sắc lẹm “để nhiệm kỳ sau trả lời”!

Chuyện thất thứa không hề hiếm, nó có mặt ở khắp nơi, mọi không gian, thời gian. Thế mới có chuyện dự án “treo” vô thời hạn, ô nhiễm môi trường tràn lan, thuế má cứ phình ra...

Phải qua bao nhiêu lời hứa ta mới đủ tin yêu? Phải chăng guồng quay của cuộc sống quá nhanh, khiến đôi khi ta quên trân trọng những điều nhỏ nhặt nhất, quên trau chuốt từng lời ta nói, cẩn thận từng điều ta làm, và quên đi giá trị đích thực của từng lời ta hứa?.Có thể bạn quan tâm

  • GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 34: Giá Tết và giá khoa học

    GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 34: Giá Tết và giá khoa học

    07:05, 29/12/2019

  • GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 33: Vui thôi, đừng vui quá!

    GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 33: Vui thôi, đừng vui quá!

    06:00, 14/12/2019

Nóng hổi nhất trong những ngày đầu năm mới là “xử phạt lái xe có nồng độ cồn vượt mức quy định”. Ô tô, xe máy thì chẳng nói, cả lái...xe đạp cũng bị “tuýt còi” khi chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở, mức cao nhất phải “rút ví” 800.000đ.

Không còn băn khoăn gì nữa về hạn chế tác hại của rượu bia, bởi nó là nguồn cơn sinh ra vô số nhức nhối trong xã hội. Nhưng có điều, vơ bèo vạt tép trong xử phạt liệu có đúng?

Hỏi thế là bởi, rượu, bia ở Việt Nam đã thành một thứ văn hóa, ngấm vào máu, thấm vào xương tủy rồi. Hàng loạt nhà máy bia to đùng đoàng, kênh phân phối chi chít đến tận thôn bản, xóm làng; thậm chí được quảng cáo mời gọi trên truyền thông.

Khi mà cơ quan chức năng bất lực trong việc cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, ngăn chặn buôn bán, tàng trữ tràn lan thì người uống như rơi vào cái bẫy. Uống cũng chết mà không uống thì chỉ có...cô đơn một mình!

Nhà sản xuất rượu bia được xem là “nhà đầu tư” đóng góp thuế cho quốc gia, Nhà nước thu được nguồn lực thuế khổng lồ từ doanh nghiệp và...số lượng xử phạt khi luật nới rộng biên độ vi phạm.

Chỉ có người ở “giữa” là khách hàng phải liều thân cố mạng để uống, chấp nhận bị xử phạt, vừa góp phần nuôi sống “nhà đầu tư” vừa “đóng góp” một khoản không nhỏ vào ngân sách từ việc...vi phạm luật!

Nguyên tắc trừng phạt tội phạm bao giờ cũng xử nặng kẻ chủ mưu, đại loại người buôn ma túy hiển nhiên trọng tội hơn kẻ sử dụng ma túy. Thật khó hiểu khi người sử dụng rượu bia bây giờ rơi vào trạng thái nguy hiểm hơn cả người sản xuất và người phân phối!

Trương Khắc Trà