[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Những "cánh chim không mỏi" mang hơi ấm tới người vô gia cư
Khi màn đêm buông xuống, mọi người đang chìm vào giấc ngủ, đâu đó trên những góc phố, những thành viên của nhóm Lửa đêm thứ 7 vẫn miệt mài công việc mang “hơi ấm” đến với những người vô gia cư.
Những “cánh chim” không mỏi
Sài Gòn 23 giờ đêm một ngày đầu tháng 8, tiết Thu đang ngấp nghé, kèm theo ảnh hưởng của cơn bão số 3, trời Sài Gòn như lạnh hơn mọi ngày. Nhưng cái lạnh của thời tiết cũng không ngăn nổi bước chân của những người trẻ đầy nhiệt huyết. Họ như những “cánh chim” không mỏi, rong ruổi trên khắp những nẻo đường, những góc phố của Sài Gòn hoa lệ, mang đến những người vô gia cư hơi ấm của tình người.
Không giống như những nhóm thiện nguyện khác, nhóm chọn đêm thứ Bảy hàng tuần để phát cơm đến người vô gia cư với mong muốn được chia sẻ một chút hơi ấm cho những người có hoàn cảnh khó khăn vào một đêm cuối tuần. Trung bình mỗi lần nhóm phát khoảng 200 suất cơm, có khi là cơm mặn, cũng có khi là cơm chay. Những hộp cơm luôn được các thành viên trong nhóm chăm chút cẩn thận và gói gém kỹ càng trước khi trao đến tận tay người nhận.
Chị Nguyễn Thị Huế, quê huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình - Trưởng nhóm Lửa đêm thứ 7 cho biết, Nhóm được thành lập cách đây khoảng 4 năm, mới đầu chỉ có vài thành viên, đến nay số lượng thành viên của nhóm đã lên đến vài chục người. Họ làm đủ mọi ngành nghề và đủ mọi lứa tuổi, có bạn vẫn đang là sinh viên, cũng có những anh chị đã có gia đình, có con cái. Nhưng ở họ đều có một điểm chung là sự tận tâm và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Có thể bạn quan tâm
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Trả lại Trung thu đúng nghĩa cho trẻ em
06:05, 06/08/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Cảm phục phút sinh tử của những “người hùng” giúp dân vượt lũ dữ
14:10, 05/08/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Ngăn "ma men" lái xe
06:09, 05/08/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Bệnh nhân nghèo ấm lòng từ những suất ăn từ thiện
06:00, 02/08/2019
Cũng theo chị Huế, để có kinh phí duy trì hoạt động thì ngoài kinh phí của bản thân chị, còn có sự đóng góp của các anh, chị, em là thành viên trong nhóm. Cũng có lúc khó khăn, kinh phí không còn nên nhóm phải ngừng hoạt động một thời gian. Tùy theo kinh phí mà có khi nhóm làm cơm mặn, nếu ít hơn thì làm cơn chay hoặc chỉ phát bánh và sữa.
“Bản thân mình cũng không phải là giàu có, nhưng mình còn hơn người ta là có gia đình, có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập và quan trọng là mình còn có cái nhà để mà về. Những người vô gia cư họ tội lắm, họ sống nhờ vỉa hè, ngủ cũng ở vỉa hè, có người còn chẳng nhớ nổi là nhà mình ở đâu, không con cháu, không họ hàng thân thích. Họ kiếm sống bằng đủ thứ nghề; người đi nhặt ve chai, người đạp xích lô, người bán hàng rong, có người thì sống nhờ vào tình thương của mọi người…đêm về họ ngủ ngay trên chiếc xe là phương tiện mưu sinh, hay mượn bậc thềm của một nhà dân ven đường làm nơi ngả lưng, nhìn mà thương lắm. Chính điều đó đã thôi thúc tôi cũng như các thành viên trong nhóm cần phải làm được nhiều hơn nữa để chia sẻ bớt phần nào khó khăn đối với họ”, chị Huế tâm sự.
Ban đầu khi mới tham gia hoạt động cùng nhóm, chị Huế cũng đã gặp sự phản đối của gia đình, nhưng sau một thời gian thấy việc làm của chị có ý nghĩa, mọi người cũng thông cảm và không còn phản đối nữa. Đặc biệt là chồng chị, anh luôn động viên và trông con giúp chị để chị có thời gian tham gia cùng mọi người.
Đi để cảm nhận
Anh Tuấn, một trong những thành viên sáng lập nhóm và cũng là một mạnh thường quân của nhóm cho biết, khi còn là một thanh niên, buổi tối anh thường la cà ở những quán Bar. Nhiều lần về khuya sau những cuộc vui chơi, khi qua những con phố, anh chứng kiến cảnh những người vô gia cư phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, cơm không có để ăn, nhà chẳng có để về, họ ngủ ngay trên vỉa hè bất chấp cả trời mưa lạnh.
Những hình ảnh ấy cứ ám ảnh tâm trí anh mãi, anh tự hỏi mình sao mình không dùng số tiền và thời gian ăn chơi vô bổ của mình để làm một công việc gì có ích cho những người kém may mắn kia? Thế là anh rủ những người bạn của mình cùng nhau lập nhóm, cùng nhau góp tiền mua cơm và phát cho những người vô gia cư.
Thời gian đầu khi mới lập, nhóm gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh phí và nhân lực, các anh phải vận động người thân, bạn bè hỗ trợ, dần dần nhóm cũng vượt qua được khó khăn và hoạt động ổn định. Anh quan niệm, “đi là để cảm nhận”. Anh thường nói với các thành viên trong nhóm rằng hãy đi để cảm nhận và thấy cuộc sống của mình còn may mắn hơn rất nhiều người khác ở ngoài kia.
“Có những kỷ niệm mà đến tận bây giờ em vẫn không thể quên được, đó là vào những đêm mưa gió, không có chỗ trú mưa, cả nhóm phải trú bên hông Nhà thờ Đức Bà, có những thành viên không có áo mưa, người ướt hết vậy mà vẫn hăng hái đi phát cơm đến 2 giờ sáng mới về. Nhìn những nụ cười hạnh phúc của các cô, các chú khi nhận hộp cơm từ tay mình, bao mệt nhọc đều tan biến hết, tự dưng thấy lòng mình ấm lên anh ạ”, anh Tuấn chia sẻ.
Bất ngờ nhận hộp cơm từ tay các bạn trẻ, chú Hùng làm nghề nhặt ve chai ở khu vực Công viên Lê Văn Tám chia sẻ: “May quá, có hộp cơm này đêm nay chú không phải nhịn đói rồi. Hôm nay chưa bán được hàng, nên từ tối đến giờ chú chưa giám ăn gì, định nhịn đói luôn. Chú cảm ơn các cháu nhiều lắm”.
Chú Hùng cho biết, một ngày chú đi khắp hang cùng ngõ hẻm của Q.1, Q.3 nhặt ve chai từ 4 giờ sáng đến khuya. Hôm nào may mắn thì cũng được hơn trăm nghìn, hôm nào ít thì chỉ được vài chục, vì thế một ngày chú cũng chỉ 2 bữa, nhiều hôm chú phải nhịn luôn cả bữa tối.
“Dạo này nhiều người đi nhặt ve chai lắm nên mình phải đi sớm, chứ đi muộn thì người ta nhặt hết, mình đi sau thì không còn gì để nhặt, coi như hôm đó phải nhịn đói. Hôm nào may mắn được người dân tốt bụng cho ve chai thì cũng đỡ cháu ạ”, chú Hùng chia sẻ thêm.
Còn với cụ Hà 80 tuổi, ban ngày cụ đi lang thang xin ăn, ai cho gì thì cụ ăn nấy. Đêm đến, cụ mượn bậc thềm của nhà người dân bên đường để ngủ qua đêm. Do tuổi cao nên trí nhớ của cụ không còn minh mẫn, cụ chẳng nhớ nổi nhà mình ở đâu, con cháu không có nên cụ chỉ sống nhờ vào tình thương của bà con. Với cụ, có một ngôi nhà để về có lẽ là một mơ ước quá xa vời, bởi ở cái tuổi gần đất xa trời như cụ thì nó mãi chỉ là một giấc mơ.
Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài viết phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh và hấp dẫn. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Lưu ý: Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. |
Khi anh Tuấn bảo đây là cơm chay và mời cụ ăn, cụ bảo: “Bà giờ già rồi, chẳng biết còn sống được bao nhiêu ngày nữa. Bây giờ, ai cho bà cái gì bà cũng ăn, bà chỉ cần no bụng thôi, không có chê gì đâu”. Nói rồi cụ mở hộp cơm ra ăn ngon lành. Cả nhóm tạm biệt cụ rồi tiếp tục công việc của mình, tôi hiểu mọi người ai cũng mong rằng tuần sau khi mình quay lại cụ vẫn còn ở đây.
Khi đồng hồ đã chỉ sang ngày mới, cũng là lúc các thành viên trong nhóm đã hoàn thành xong công việc của mình. Trong lúc chờ mọi người tập trung lại tạm biệt nhau để ra về. Tôi bắt chuyện với một bạn trẻ trong nhóm mặc chiếc áo đồng phục của một Công ty BĐS ở Bình Dương. Bạn kể: “Em tên Minh là nhân viên kinh doanh của công ty BĐS, hôm nay là lần đầu tiên em theo các anh chị đi phát cơm từ thiện thế này. Đây là một đêm thật ý nghĩa đối với em. Được góp một phần để mang đến niềm vui cho những người vô gia cư, em cảm thấy rất hạnh phúc và em sẽ tiếp tục đồng hành cùng các anh chị trong những lần tiếp theo. Cảm ơn các anh chị đã cho bọn em có một đêm trải nghiệm đầy ý nghĩa”.
Chỉ với 200 suất cơm, nhưng những gì mà các anh chị làm được đã góp phần chia sẻ những khó khăn cho những người kém may mắn. Hy vọng sẽ có thêm nhiều bạn trẻ ra nhập nhóm và có thêm nhiều mạnh thường quân hỗ trợ để “Lửa đêm thứ 7” mãi rực cháy, mang hơi ấm đến với những người vô gia cư. Đúng với những gì mà các thành viên trong nhóm mong đợi, đó là trao đi những giá trị nhân văn và lan tỏa những hành động đẹp, để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.