[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Người viết tiếp giấc mơ cho những "vầng trăng khuyết"
Không chỉ làm tốt công tác giảng dạy, cô Hòa còn mở ra lớp học tình thương để truyền đạt kiến thức và kỹ năng sống cho những học sinh khuyết tật hay mắc hội chứng đặc biệt.
Từ nhiều năm nay, lớp học tình thương tại chùa Hương Lan (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) của cô giáo Lê Thị Hòa - giáo viên trường tiểu học Đông Sơn (huyện Chương Mỹ) - là tổ ấm của hơn 60 trẻ em mắc các hội chứng bệnh đặc biệt như khuyết tật bẩm sinh, nhiễm chất độc màu da cam, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ...đến từ nhiều vùng quê ngoại thành Hà Nội. Đến lớp học, ngoài các kiến thức văn hóa, các em còn được học về kĩ năng sống, về cách ứng xử, về đạo lí làm người...
Với tấm lòng thiện nguyện, từ năm 1993, cô Hòa đã nhận 23 em học sinh bị nhiễm chất độc màu da cam và nghỉ học giữa chừng về dạy trong gian bếp nhỏ của nhà. Lớp học chỉ rộng chưa đến 10m2 khi ấy luôn rộn ràng tiếng cười với những niềm hi vọng về một tương lai không xa, các em sẽ được đối xử bình đẳng, sống có ích với xã hội như bao người khác.
Khi nhận thấy nhu cầu học tập của các em ngày một lớn hơn, trong khi lớp học tại nhà đã quá tải, cô giáo Hòa đã tìm đến sự giúp đỡ nơi cửa chùa. Nhờ những tâm nguyện thiện lành, sư thầy trụ trì chùa Hương Lan đã hỗ trợ cô trò học ở phòng khách, rồi sau đó chuyển sang phòng học mới rộng đến hơn 100m2, kèm theo đó là rất nhiều sự hỗ trợ khác.
Từ 23 học sinh tại nhà ban đầu, lớp học tình thương của cô giáo Hòa tại chùa Hương Lan được khai giảng vào ngày 14/9/2007 đã thu hút được sự tham gia của nhiều học sinh khó khăn đến từ nhiều vùng quê lân cân như Chương Mỹ, Mỹ Đức, Hoài Đức, Thanh Oai...
Để dạy được những đứa trẻ mang trong mình những chứng bệnh đặc biệt, cô Hòa phải tìm hiểu về đặc điểm bệnh của các em, hiểu cá tính của của mỗi người để có phương pháp dạy phù hợp nhất với từng học sinh. Các em đến đây không chỉ được học chữ mà còn được trang bị kỹ năng sống, cách ứng xử và đạo lý làm người.
Bằng tình thương của mình, góp sức cùng cô là một vài cô giáo trên đại bàn huyện, tất cả cùng nhau chung tay gieo hy vọng cho những học trò thiếu may mắn.
Em Hoàng Thị Hà (30 tuổi) là học sinh có sức khỏe yếu nhất do bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin, đến từ xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ). Từ một người gần như không có khả năng nhận thức, sau hơn 10 năm đến lớp, Hà đã viết được các chữ cái, có thể ngân nga những ca từ trong bài hát “Đi học về” quen thuộc.
Học sinh khác có sự tiến bộ vượt bậc là Nguyễn Thị Thùy Dung, 20 tuổi, đến từ xã Kim Chung (huyện Hoài Đức). Dung bị bại não từ khi lọt lòng, trí tuệ chậm phát triển, phát âm không rõ, đi lại khó khăn. Đến tuổi đi học, gia đình đã cho Dung theo học nhiều lớp dành cho người khuyết tật, nhưng tới đâu, Dung cũng từ chối.
Có thể bạn quan tâm
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Cụ ông miệt mài đi nhặt khẩu trang để ngăn ngừa dịch bệnh
11:12, 03/03/2020
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Những người lính thời "đại dịch"
16:26, 02/03/2020
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Người nối dài sự sống cho bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo
11:00, 27/02/2020
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Vị bác sỹ gần 90 tuổi và phòng khám miễn phí cho người nghèo
11:40, 26/02/2020
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Quán cơm chay miễn phí ấm lòng người nghèo ở Vĩnh Long
11:23, 26/02/2020
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Ngôi chùa 40 năm chữa xương khớp miễn phí cho người nghèo
11:23, 25/02/2020
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Penny - Tuổi 16 và ước mơ về những đôi mắt sáng
12:25, 24/02/2020
Theo cô Hòa, để hiểu và nhớ một đoạn thơ, một bài hát, cả cô và trò có thể phải mất tới vài ba tháng, thậm chí nửa năm, thế nhưng hành trình ấy chưa bao giờ là nguội tắt.
Vất vả là vậy, nhưng cô luôn tâm niệm: "Tất cả mọi thứ đều xuất phát từ trái tim của một người mẹ, một nhà giáo. Mình hi vọng xã hội, cộng đồng sẽ cùng chung tay với mình để giúp đỡ trẻ em thiệt thòi, có hoàn cảnh khó khăn”.
Để góp phần chung tay xây dựng xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp, Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |