Gần 30 năm qua, phòng khám miễn phí do bà Trương Thị Hội Tố và những người bạn của bà thành lập đều đặn mở cửa, mang lại cơ hội khám, điều trị miễn phí cho hàng nghìn lượt người nghèo.
Cứ 7 giờ sáng thứ hai hằng tuần, bà Trương Thị Hội Tố (SN 1933, ngụ phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, nguyên Hiệu phó Trường Cao đẳng Y tế Nam Định) lại gọi xe ôm đưa bà từ nhà ở quận Thanh Xuân đến trụ sở Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai để cùng đồng nghiệp mở cửa đón mọi người đến khám bệnh.
8 giờ sáng, trụ sở của hội tấp nập người ra, vào. Căn phòng được chia thành những góc khác nhau, gọn gàng, khoa học như mọi phòng khám khác. Chỉ có điều khác là các bác sĩ ở đây đều đã có tuổi, mái tóc bạc phơ, nhưng ai cũng vui vẻ khám, cấp thuốc miễn phí cho người bệnh.
Phòng khám miễn phí do bà Tố cùng người bạn thân là bà Lê Thị Sóc và một số cán bộ y tế đã về hưu mở ra. Phòng khám được khai trương vào đúng Ngày Thầy thuốc Việt Nam - 27/2/1992.
Bà Tố là bác sĩ chuyên khoa sản với nhiều năm kinh nghiệm, đầu năm 1990 bà về hưu và nhận được nhiều lời mời với mức lương 4 triệu/tháng – số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Tuy nhiên, vì muốn giúp đỡ những người nghèo nên bà quyết định từ chối tất cả. Thay vào đó, người phụ nữ này tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện.
Bà thường đạp xe đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình chính sách để khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho mọi người. Trong quá trình này, bà nảy ra ý tưởng nếu có một phòng khám cố định thì hiệu quả khám bệnh sẽ cao hơn.
Vì vậy, bác sĩ Tố đã vận động và cùng với những người bạn mở phòng khám từ thiện để tư vấn chăm sóc sức khỏe, khám bệnh bước đầu cho những người có nhu cầu. Đến nay, qua nhiều lần thay đổi địa điểm, phòng khám này đóng tại phường Giáp Bát, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai.
“Xuất phát từ cái tâm với nghề y, cũng từ thực tế công tác, tôi thấy rằng các bệnh viện thường xuyên quá tải, trong khi những người nghèo, ở xa bệnh viện lại ít có điều kiện để đi thăm khám bệnh. Hay đôi khi, có nhiều người chỉ cần thử đường huyết, đo huyết áp mà vẫn phải tới bệnh viện. Như vậy, nếu những người có chuyên môn giúp đỡ, người bệnh sẽ vừa tốn tiền, vừa không mất thời gian, đồng thời lại giảm tải được khá nhiều cho bệnh viện", bác sĩ Tố tâm sự.
Trong những năm đầu tiên mới thành lập, bác sĩ Tố và những người bạn đã phải rất kiên trì mới có thể duy trì được hoạt động của phòng khám. Không những không có lương, phụ cấp mà những y, bác sĩ tóc đã bạc còn phải bỏ cả tiền túi để mua các loại thuốc men, dụng cụ y tế phục vụ cho việc khám bệnh.
Dần dần “tiếng lành đồn xa”, không chỉ các bệnh nhân tìm đến nhiều hơn mà phòng khám cũng đã nhận được sự giúp đỡ bằng tiền mặt, thuốc men của nhiều cá nhân, đơn vị hảo tâm. Nhờ đó phòng khám có thêm chi phí mua sắm vật tư y tế phục vụ công việc. Thậm chí, có những người ở TP HCM đều đặn gửi tiền, thuốc ra hỗ trợ phòng khám.
Có thời điểm, phòng khám thiếu người trầm trọng, bà Tố chợt nhớ ra bác sĩ Nguyễn Văn Ðức, đồng nghiệp cũ của bà từng công tác tại Nam Ðịnh. Sau nhiều ngày hỏi han, tìm kiếm, biết ông Ðức đã lên Hà Nội sinh sống ở phường Giáp Bát, bà liền mời ông Ðức cùng tham gia.
Người bệnh đến phòng khám được bà Ðỗ Thị Sáu (77 tuổi) đo huyết áp. Sau đó, chuyển sang dãy ghế dài phía sau, để bác sĩ Nguyễn Văn Ðức (83 tuổi) khám, cấp thuốc. Bà Hội Tố và bà Nguyễn Thị Sóc (90 tuổi) cặm cụi kiểm tra từng vỉ thuốc vừa được ủng hộ xem có tác dụng gì, hạn sử dụng thế nào để sắp xếp vào tủ thuốc bên cạnh chỗ ngồi. Chốc chốc, bà Tố dừng tay trả lời các câu hỏi của những người bệnh. Người phụ nữ tuổi 87 bảo, trước đây, bà và bà Sóc là người trực tiếp thăm khám, tuy nhiên, tuổi đã cao, tai nghe không được rõ, cho nên các bà lùi về sau, để những người nhanh nhẹn hơn hỗ trợ người bệnh. “Chúng tôi phụ trách khâu kiểm thuốc, ai cần giải thích gì thêm thì trả lời cho họ”, bà cười, những nếp nhăn xô vào nhau.
Ông Vũ Hồng Hưởng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát cho biết, hiện tại, phòng khám miễn phí của phường Giáp Bát do bà Tố thành lập có năm y sĩ, bác sĩ và hai dược sĩ cao cấp, mở cửa vào sáng thứ hai hằng tuần. Các thành viên đều có độ tuổi từ 60 đến 90. Mỗi năm, phòng khám đón khoảng 1.000 lượt người đến khám. Tấm lòng của bà Tố và các thành viên đã lan tỏa khắp các phường, quận. Nhờ vậy, đến nay, phần lớn kinh phí hoạt động của phòng khám đều do người dân tự nguyện đóng góp và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm.
Không phải là người ở phường Giáp Bát, nhưng ông Ðỗ Thế Phong đã nhiều lần đến khám bệnh tại phòng khám miễn phí, ông cho biết, mỗi lần đau đầu, sổ mũi ông lại tìm đến phòng khám nhờ hỗ trợ. Ông Phong cũng thường giới thiệu cho những người bạn cao tuổi đến phòng khám này điều trị mỗi khi ốm mệt. “Các bác sĩ tuy tuổi cao, nhưng khám cẩn thận, chu đáo. Ðặc biệt, bác sĩ Tố là người rất thân thiện, cởi mở" ông kể.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 27/02/2020
11:23, 25/02/2020
12:25, 24/02/2020
02:41, 22/02/2020
02:20, 19/02/2020
12:28, 18/02/2020
Là một bác sĩ, vợ một liệt sĩ, bà Tố luôn tâm huyết với các hoạt động xã hội. Bên cạnh việc duy trì hoạt động của phòng khám miễn phí tại phường Giáp Bát, hơn 25 năm qua, bà Tố vẫn đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng Chi hội tán trợ quận Thanh Xuân. Bà luôn nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ tại địa phương. Hằng năm, bà đều trích lương hưu ủng hộ người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn... và vận động nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia phong trào. Với những đóng góp của mình, bà Trương Thị Hội Tố đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2018.
Để góp phần chung tay xây dựng xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp, Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |