Tràn lan quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật: Quy định có, quản vẫn... khó?
Mặc dù đã có nhiều quy định được ban hành nhằm quản lý, thế nhưng dư luận không khỏi bất an khi thực phẩm chức năng vẫn tràn lan quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng.
Việc “thổi phồng” công dụng của thực phẩm chức năng/bảo vệ sức khỏe, một cách thần thánh, không chỉ vi phạm pháp luật về quảng cáo mà còn đưa đến cho người tiêu dùng nhiều hệ lụy, đôi khi có thể phải đánh đổi bằng cả tính mạng.
Bài học nhãn tiền…
Như trường hợp của cháu H.K.N (18 tháng tuổi), ở Hoàng Mai, Hà Nội, khi thấy cháu N tiêu chảy ăn uống kém và mệt, gia đình đưa cháu đến khám tại Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai và được bác sĩ kê đơn, trong đó có thuốc Oresol.
Tuy nhiên, khi ra hiệu thuốc mua, vì thuốc Oresol đã hết và được tư vấn sử dụng thực phẩm chức năng dạng Oresol đã pha sẵn.
Kết quả, sau sử dụng, cháu H.K.N lại phải nhập viện trong tình trạng mất nước nặng: môi khô, mắt trũng, khóc không nước mắt, lên cơn co giật, mắt trợn ngược, toàn thân tím tái... Rất may, nhờ được theo dõi và điều trị đúng phác đồ, cháu đã vượt qua cơn nguy kịch.
Hay mới đây, sau đợt nghỉ dịch COVID-19, anh P.V.M. trú tại đường Phạm Hữu Lầu, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh nhận thấy cơ thể bị tăng cân nhiều, khiến anh cảm thấy hay mệt, thở dốc khi làm việc gắng sức., thấy quảng cáo về loại thực phẩm chức năng giảm cân trị giá 1,9 triệu đồng trên MXH, anh quyết định trải nghiệm và kết quả, cân nặng không giảm mà còn khiến anh nhập viện trong tình trạng rối loạn nhịp tim.
Quản vẫn… “khó”!
Trước thực trạng người tiêu dùng liên tục bị đe dọa, tấn công bằng những quảng cáo sai công dụng của thực phẩm chức năng/bảo vệ sức khỏe, các cơ quan quản lý đã có không ít văn bản ban hành nhằm thắt chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018; hay, từ ngày 01/7/2019 các sản phẩm thực phẩm chức năng/bảo vệ sức khỏe trong nước và nhập khẩu phải được sản xuất tại cơ sở được chứng nhận GMP;…
Thế nhưng, các quảng cáo thực phẩm chức năng/bảo vệ sức khỏe vẫn lợi dụng hình ảnh cá nhân, tổ chức quảng cáo không đúng công dụng, sai sự thật,… dẫn đến hiểu nhầm cho người sử dụng một cách tràn lan, mặc cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra hàng loạt thông tin cảnh báo. Nhiều trường hợp, đã bị “tuýt còi” nhưng vẫn “ngựa quen đường cũ”…
Lý giải trên báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang web hiện nay là hình thức rất phổ biến, trong đó, không ít trường hợp trang web quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng, khiến người dân tưởng nhầm thuốc chữa bệnh, đã bị xử lý theo quy định, nhưng cũng có nhiều trường hợp Công ty vi phạm quảng cáo trên web, mặc dù cơ quan chức năng có bằng chứng, nhưng họ chỉ nhận sản phẩm đúng là của công ty nhưng trang web thì không phải của họ, nên công ty không chịu trách nhiệm…
Có thể bạn quan tâm
Truy tố “tập đoàn” sản xuất tân dược, thực phẩm chức năng giả
12:15, 10/08/2020
Quản lý thực phẩm chức năng: Chế tài chưa đủ mạnh?
05:50, 29/07/2020
Vì sao hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng bị xử phạt?
16:30, 15/06/2020
Báo động hàng giả, kém chất lượng ở ngành thực phẩm chức năng
11:05, 17/01/2019