Hồ Chí Minh với Doanh nhân Việt Nam

PGS.TS Bùi Đình Phong - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 04/01/2023 14:12

Hồ Chí Minh có tầm nhìn xa, sớm về vai trò, sứ mệnh của doanh nhân.

>>Xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Tầm nhìn của Hồ Chí Minh với doanh nhân Việt Nam mang góc cạnh đặc biệt, một dấu son trong tư duy của Người về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế vì một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, nhịp bước cùng thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Không phải là nhà kinh tế học như C.Mác hay nhà lý luận cách mạng vô sản như Lênin, Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng chuyên nghiệp kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, dân tộc và quốc tế. Di sản của Người là một kho tàng đầy của báu, một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam và cách mạng giải phóng dân tộc các nước thuộc địa, chứa đựng biết bao giá trị về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối nội, đối ngoại.

Sứ mệnh của doanh nhân trong quan điểm của Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh có tầm nhìn xa, sớm về vai trò, sứ mệnh của doanh nhân. Người luận giải cách mạng là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt. Ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh mang trong hành trang của mình khát vọng phá cái xấu, cái cũ của chế độ thực dân - phong kiến về tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng một xã hội mới tự do, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong Yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919 - sau chuyển thành Việt Nam yêu cầu ca - khi chưa trở thành người cộng sản, là một nhà yêu nước nhiệt thành, Nguyễn Ái Quốc đã đề cập điều thứ ba là “mở mang kỹ nghệ, lập thành công thương”. Đây là hiện tượng hiếm thấy trong dòng tinh thần những nhân vật đại diện cho tinh hoa thế giới nói chung, tinh hoa những người cộng sản theo học thuyết khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới Công - Thương Hà Nội trong ngày 18/9/1945 tại Bắc Bộ Phủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới Công - Thương Hà Nội trong ngày 18/9/1945 tại Bắc Bộ Phủ.

Từ những bài giảng đầu tiên về con “Đường kách mệnh” đến “đêm trước” của Cách mạng Tháng Tám, nhiệm vụ hàng đầu là đấu tranh giành cho kỳ được tự do độc lập, nhưng Hồ Chí Minh vẫn đề cập các khía cạnh của chính sách kinh tế như “mở mang các ngành kỹ nghệ, giúp đỡ thủ công nghiệp làm cho nền quốc dân kinh tế chóng phát đạt” . Người nói tới chính sách cụ thể đối với thương nhân và các nhà kinh doanh là “Chính phủ hết sức giúp đỡ các nhà có vốn tự do kinh doanh” .

Hồ Chí Minh có cách nhìn mới mẻ về doanh nhân Việt Nam - một động lực, nguồn lực phát triển đất nước. Không dừng lại ở cách xem xét theo hệ quy chiếu lịch đại, tức là đất nước có độc lập tự do thì phải tốt đẹp hơn chế độ thực dân - phong kiến, Hồ Chí Minh dùng thước đo đồng đại so sánh với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, để xem xét mức độ “kiến thiết nước nhà phải theo kịp các nước trên hoàn cầu và sánh vai với các cường quốc năm châu”.

>>Cần thấm nhuần triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp giáo dục

 Các tầng lớp Công Thương Hà Nội ủng hộ

Các tầng lớp Công Thương Hà Nội ủng hộ "Tuần lễ vàng" tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội (tháng 9/1945)

Cách nhìn của Người về động lực phát triển đất nước là nắm vững tư tưởng, lập trường của giai cấp công nhân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, chống bệnh hẹp hòi, hợp tác với những người ngoài Đảng, trọng dụng nhân tài, chú trọng cả kinh tế quốc doanh, kinh tế cá nhân, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản quốc gia, công tư đều lợi, chủ thợ đều lợi, công nông giúp nhau, lưu thông trong ngoài. Khẳng định kinh tế quốc doanh là kinh tế lãnh đạo, Hồ Chí Minh chỉ rõ “những nhà tư bản dân tộc là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng nước nhà. Chính phủ cần giúp họ phát triển”.

Cách nhìn của Hồ Chí Minh là khơi dậy lòng yêu nước, đề cao tinh thần dân tộc, thu góp năng lực trí tuệ, lực lượng, lòng tốt của người Việt Nam để thực hiện mục đích chung là độc lập, tự do, hạnh phúc. Với cách nhìn đó, chỉ một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh ra thông báo Về việc tiếp chuyện đại biểu các đoàn thể, trong đó có cả Thương giới. Chính phủ lâm thời do Người đứng đầu đã chủ trương thành lập Quỹ độc lập và tổ chức Tuần lễ Vàng.

Tầm nhìn và cách nhìn của Hồ Chí Minh về động lực phát triển đất nước qua vai trò của doanh nghiệp và giới công thương thể hiện rõ nhất trong Thư gửi các giới công thương Việt Nam. Trong thư Hồ Chí Minh ca ngợi tinh thần đoàn kết của giới công thương và gắn nhiệm vụ của giới công thương với các giới khác; gắn sự phát triển của nền kinh tế quốc dân với sự giàu có, thịnh vượng của các nhà công thương; khẳng định vai trò của công thương vào việc làm ích quốc lợi dân. Thư có đoạn: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

Thư gửi các giới công thương Việt Nam được coi như Tuyên ngôn về vai trò, sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam. Từ đó trở đi, trải qua kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh có nhiều bài viết, bài nói, ký nhiều sắc lệnh liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

 Bác Hồ đến thăm Nhà máy Dệt 8/3 trong ngày khánh thành.

Bác Hồ đến thăm Nhà máy Dệt 8/3 trong ngày khánh thành.

Chú trọng xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam

Xây dựng con người nói chung, đội ngũ doanh nhân nói riêng được Hồ Chí Minh quan tâm từ sớm. Xuất phát từ quan niệm “vô luận việc gì, đều do người làm ra” , “vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân phát triển toàn diện.

Trước hết, Hồ Chí Minh đề cao giáo dục ý thức chính trị, tư tưởng mà quan trọng nhất là đặt lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết.

Ngay trong Thư gửi các giới công thương Việt Nam, Hồ Chí Minh đã mong, hoan nghênh và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập “Công thương cứu quốc đoàn”. Và khi được tin giới Công thương đã đoàn kết lại thành “Công thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Mặt trận Việt Minh thì Người rất vui mừng.

Trong nhiều bài viết về công nghiệp, thương nghiệp, Hồ Chí Minh thường bàn về lòng yêu nước, một thứ của quý, một truyền thống quý báu của người Việt Nam. Tinh thần yêu nước đó trở thành một làn sóng mạnh mẽ, to lớn, quét sạch lũ xâm lăng cướp nước, bán nước, vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm. Người nêu quan điểm tất cả mọi người Việt Nam, con Lạc cháu Hồng cần phải biết quý trọng, nâng niu, giữ gìn, phát huy, phát triển tinh thần yêu nước ấy, thực hành vào công việc yêu nước, kháng chiến kiến quốc, xây dựng đất nước. Trước nguy cơ và đòi hỏi của dân tộc, cùng với các giới khác, doanh nhân Việt Nam “phải hy sinh hết cả ý riêng, tâm tính riêng, lợi ích riêng cho đến cả tính mạng cũng không tiếc”.

Thứ hai, doanh nhân phải nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện tác phong làm việc khoa học.

Những năm học tập, nghiên cứu ở nước ngoài đã đem lại cho Hồ Chí Minh những hiểu biết và kinh nghiệm quý về vai trò của văn hóa, khoa học kỹ thuật, tính chuyên nghiệp trong công việc. Theo Người, làm nghề gì cũng phải học; làm nghề gì phải thạo nghề đó. Không giỏi về chuyên môn nghiệp vụ thì làm việc rất khó, thậm chí không mang lại lợi ích gì cho đất nước. Đối với doanh nhân, những người kinh doanh, sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác lại càng cần hiểu biết về văn hóa dân tộc, văn hóa nhân loại, nắm vững khoa học kỹ thuật. Người đánh giá cao những doanh nghiệp có những lao động “dám nghĩ, dám làm” , thực hiện cải tiến kỹ thuật và phát minh sáng kiến.

Thứ ba, nâng cao đạo đức cách mạng, tiêu diệt những thói hư tật xấu.

Theo cách nói ngày nay, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, trong đó đặt lên hàng đầu đạo đức doanh nhân. Xây dựng con người “hoàn toàn” gồm đức, trí, thể, mỹ, vừa “hồng” vừa “chuyên” là nỗi bận tâm của Hồ Chí Minh từ khai mở “Đường cách mệnh” đến những lời dặn cuối cùng trong Di chúc.

Tuy nhiên là doanh nghiệp, doanh nhân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến vai trò, sứ mệnh, ý thức người làm chủ Nhà nước, làm chủ xí nghiệp, thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể, thực hành dân chủ, tôn trọng kỷ luật, trách nhiệm, tinh thần đồng đội, đoàn kết, hỗ trợ nhau. Là những người sản xuất, kinh doanh thì vấn đề “quản lý tốt các xí nghiệp, phải bảo đảm kinh doanh có lãi cho nước nhà” là mục đích cao cả thuộc về đạo đức doanh nhân.

Điều cần nhấn mạnh là trong di sản Hồ Chí Minh về doanh nhân, những vấn đề về đạo đức và văn hóa chiếm phần lớn và giữ một vị trí hết sức quan trọng. Quan điểm Hồ Chí Minh cho thấy nói đến văn hóa là nói đến ánh sáng soi đường; là đổi mới, sáng tạo và phát minh của con người; là lẽ sinh tồn, mục đích của cuộc sống; động lực phát triển đất nước. Khi văn hóa thấm sâu vào tâm lý con người thì sẽ sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, lãng phí, phù hoa, xa xỉ. Chiều sâu của những quan điểm đó chính là bàn tới vai trò, sứ mệnh cao cả của văn hóa mà người đứng đầu Đảng ta nhắc tới: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Đạo đức và văn hóa gắn liền với nhau. Đạo đức đòi hỏi văn hóa và văn hóa lên đỉnh cao là đạo đức. Doanh nghiệp phát triển, xét đến cùng là sự thăng hoa của văn hóa. Muốn vậy, doanh nhân phải có đạo đức với ý nghĩa là gốc, là nguồn, là sức mạnh của con người gánh nặng đường xa, là thước đo “chất người”, “trình độ người”.

Đạo đức và tài năng phải hòa quyện. Đạo đức quan trọng nhất của doanh nhân là trên cơ sở không ngừng đổi mới, sáng tạo, phải phấn đấu năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả lớn, giữ vững uy tín và phát triển thương hiệu quốc gia, chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước, không làm ăn chụp giật. Doanh nhân Việt Nam yêu nước hôm nay phải biết đau xót, tìm cách xóa nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ các nguyên tắc, luật pháp quốc tế, hợp tác, cùng có lợi.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp - từ thực tiễn - đã ban hành những cuốn Sổ tay văn hóa mang chở thông điệp, tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp và triết lý kinh doanh. Mỗi một doanh nghiệp đưa ra hệ giá trị cốt lõi như “Tiên phong”, “Đổi mới”, “Tin cậy”, “Hiệu quả”, “Chuyên nghiệp”, “Chuẩn mực”, “Bền vững”, “Nhân văn”, v.v.. Đó là cách làm thực tế, được triển khai, vận hành hằng ngày trong mỗi doanh nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực. Điều thú vị là chúng ta có thể tìm thấy những giá trị cơ bản đó ở những mức độ khác nhau trong di sản văn hóa Hồ Chí Minh.

Có thể bạn quan tâm

  • "Đòn bẩy" từ chính sách thí điểm cho TP Hồ Chí Minh

    13:09, 03/12/2022

  • Doanh nghiệp vận tải phản ánh cán bộ Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh gây khó dễ

    Doanh nghiệp vận tải phản ánh cán bộ Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh gây khó dễ

    03:30, 03/12/2022

  • Hồ Chí Minh với Doanh nhân Việt Nam

    Hồ Chí Minh với Doanh nhân Việt Nam

    13:03, 11/10/2022

PGS.TS Bùi Đình Phong - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh