Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Công ty Vận Tải Biển Gemadept, Công ty Dịch Vụ Tiếp vận toàn cầu, Công ty Cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng, Công ty Cổ phần Tân Cảng Cypress đồng loạt tố cán bộ Cục Hải quan TP.HCM gây khó dễ.
>>Vụ “ngâm” thủ tục Hải quan: Doanh nghiệp nguy cơ thiệt hại hàng chục tỷ đồng
“Cực chẳng đã…”
“Việc này đã kéo dài, cực chẳng đã chúng tôi mới phải làm đơn phản ánh cán bộ Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh KV1, Cục Hải quan TP HCM để phản ánh những bất cập của việc kiểm tra thực tế hàng quá cảnh vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa”, ông Dương Quang Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải biển Gemadept cho biết.
Các doanh nghiệp gửi đơn kiến nghị đều là các doanh nghiệp vận tải hàng hoá container đường thủy qua biên giới giữa Việt Nam và Campuchia từ các cảng khu vực TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi Phnôm Pênh và ngược lại.
Trong đơn tố cáo, một số cán bộ hải quan bị “tố” đích danh gây khó dễ cho doanh nghiệp bao gồm ông Nguyễn Thanh Long – Chi Cục phó, ông Đặng Bùi Việt – Đội Trưởng Đội Giám sát và các công chức thực hiện thủ tục hàng quá cảnh tại đội Hải quan Giám sát (đặc biệt là công chức Hồ Đại Lăng, công chức Trần Kim Ngà) đã cố ý gây khó khăn, phiền hà doanh nghiệp khi thực hiện kiểm tra thực tế thủ công kéo dài số lượng lớn container hàng hóa quá cảnh đi Campuchia bằng đường thủy nội địa.
Cụ thể, theo phản ánh của các doanh nghiệp, trước đây, trong thời gian từ tháng 9/2020 đến tháng 11/2020 sau khi Tổng cục Hải quan có nhiều văn bản chỉ đạo, ông Nguyễn Thanh Long đã ban hành các công văn số 4396 ngày 24/09/2020, 4412 ngày 25/09/2020 và công văn 1862 ngày 10/10/2020, không cho doanh nghiệp gom trả hàng tại nhiều cảng, khai thác tuyến vận tải theo thực tế. Các văn bản vi phạm nghiêm trọng Điều ước quốc tế (Hiệp định vận tải thủy) và gây thiệt hại to lớn cho các doanh nghiệp vận tải trong thời gian trên, nhưng ông Nguyễn Thanh Long vẫn tiếp tục phụ trách công việc giám sát kiểm soát tại Chi cục Hải quan Khu vực I, Cục Hải quan TP.HCM đến nay.
Dù kiểm tra thực tế một container trong một tờ khai lại giữ toàn bộ các container trong tờ khai đó dẫn đến mỗi container bị kiểm hóa kéo theo từ 30-50 container khác cùng vận đơn và tờ khai bị giữ lại đến khi hoàn thành việc kiểm hóa. Thời gian từ lúc container bị tạm ngừng thông quan đến lúc hoàn thành kiểm hóa kéo dài trung bình từ 15 đến 45 ngày. Việc ra quyết định giữ hàng kiểm hóa phải sau 3 ngày đến 10 ngày mới gửi cho người khai Hải quan (Ngày phát hành Quyết định giữ hàng đúng theo quy định nhưng thực tế nhưng không chuyển đến doanh nghiệp).
Công chức Hải quan khi kiểm tra thường xuyên gây khó khăn như yêu cầu dỡ hàng ra khỏi container mặc dù hàng hóa đồng nhất, không ra ngay biên bản sau khi kiểm hóa xong, kéo dài thời gian hoàn thành giấy tờ hành chính để thông quan cho lô hàng, phát sinh chi phí kiểm hóa, lưu container, lưu bãi, chưa kể kiểm hóa thành nhiều lần, khách hàng, đối tác rất bất bình. Quyết định kiểm tra xác xuất 10% hàng hóa nhưng thực chất là kiểm tra 100% hàng hóa vì công chức Hải quan luôn yêu cầu dỡ hết hàng ra khỏi container để kiểm tra hàng đóng ở cuối container.
Cán bộ hải quan yêu cầu doanh nghiệp kê khai bản kê chi tiết danh mục hàng hóa quá cảnh đóng trong container tương tự như hàng xuất nhập khẩu, từ đó liên tục phạt doanh nghiệp vận chuyển lỗi vi phạm hành chính.
>>Vụ "xếp lốt", "làm luật" tại cửa khẩu: Ngành Hải quan Lạng Sơn nói gì?
Thông tư 39 chưa phù hợp
Theo Khoản 3, Điều 3, Hiệp định song phương giữa Việt Nam và Campuchia về quá cảnh hàng hóa: “Hàng hóa quá cảnh được hai Bên ký kết miễn kiểm tra hải quan tại cửa khẩu, miễn áp tải trên lãnh thổ của nước cho quá cảnh. Việc kiểm tra hàng hóa quá cảnh chỉ áp dụng trong trường hợp cơ quan hải quan nghi ngờ rằng hàng hóa quá cảnh có nguy cơ cao trong việc vi phạm các điều khoản của Hiệp định này hoặc các quy định pháp luật về hải quan”.
Như vậy, người vận chuyển chỉ nhận hàng hóa, thông tin từ hãng tàu biển sau khi hàng đã dỡ xuống cảng biển Việt Nam để thực hiện dịch vụ vận chuyển. Họ không phải là chủ hàng để có thể khai báo chi tiết về lô hàng quá cảnh (hàng hóa không phát sinh thuế nhập khẩu tại Việt Nam).
Tại Điều 12 Hiệp định Vận tải thủy có nêu “các luật, quy tắc và các quy định theo đó mà quyền tự do giao thông thủy được thực hiện bao gồm các thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, y tế và kiểm dịch động thực vật sẽ được áp dụng, và với mục đích tăng cường các điều kiện đi lại , các luật, quy định này sẽ được hài hòa thông qua các quyết định chung của hai bên ký kết được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự, thương mại, giao thông thủy nội địa và pháp luật hàng hải hiện hành, và phù hợp với các công ước và tiêu chuẩn quốc tế đã được bên ký kết công nhận”.
Tại Điều 16 Hiệp định vận tải thủy có nêu: “Việc kiểm tra theo các luật và quy định sẽ được thực hiện nhưng không được gây cản trở một cách không cần thiết việc thực hiện tự do giao thông thủy …việc đi lại của tàu vận tải quá cảnh sẽ được coi là tàu thực hiện hành trình hàng hải. Ngoại trừ những loại hàng như vũ khí, đạn dược, chất nổ, chất phóng xạ, chất gây nghiện, chất kích thích, động vật quý hiếm và động vật có nguy cơ tuyệt chủng, thì không cần giấy phép quá cảnh, xuất nhập khẩu của các cơ quan có thẩm quyền của nước quá cảnh cho việc vận tải quá cảnh các loại hàng.
Tuy nhiên, tại Mẫu số 9 Phụ lục II Thông tư số 39/2018/TT-BTC lại yêu cầu “Nhập đầy đủ mã số hàng hóa quy định tại danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam…theo từng mặt hàng trong lô vận chuyển”.
Vì vậy, các doanh nghiệp này cho rằng quy định tại Thông tư 39 khi áp dụng với hàng container quá cảnh trên tuyến vận tải thủy giữa hai quốc gia Việt Nam và Campuchia là chưa phù hợp với các tiêu chuẩn vận tải quốc tế.
Chi cục Hải quan Khu vực I – Cục Hải quan TP. HCM dựa vào điều này để liên tục kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh và xử phạt doanh nghiệp vận tải với các lỗi rất vô lý; ví dụ như: hàng đóng sai quy cách, sai số lượng... trong khi hàng hóa không thuộc các mặt hàng cấm, còn nguyên niêm phong.
Doanh nghiệp kiến nghị
Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị không áp dụng khai báo chi tiết hàng hóa quá cảnh theo Thông tư 39. Đảm bảo hàng hóa được lưu thông thuận lợi phù hợp với các Hiệp định giữa hai đất nước. Bên cạnh đó, áp dụng việc khai báo hàng container quá cảnh của người vận chuyển bằng đường thủy nội địa tương tự như các hãng vận chuyển hàng hóa đang thực hiện;
Cơ quan Hải quan cần xây dựng hướng dẫn riêng rõ ràng, thống nhất về việc kiểm tra, giám sát hàng quá cảnh Việt Nam – Campuchia nhằm phù hợp với các qui ước, hiệp định quốc tế và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Hải quan cần tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục với hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường thủy để thu hút thêm hàng hóa thông qua các cảng TP Hồ Chí Minh.
“Đặc biệt, khi cơ quan Hải quan quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa trong một container, giải phóng ngay các container còn lại thuộc tờ khai bị kiểm hóa để tiếp tục vận chuyển. Chỉ kiểm tra thực tế khi thực sự cần thiết, đảm bảo tuân thủ điều khoản của Hiệp định. Không gây cản trở một cách không cần thiết việc tự do giao thông thủy”, ông Hòa nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm