Hưng Yên: Nhiều hecta đất nông nghiệp bị san lấp trái phép
Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt rất nặng với hành vi xây dựng trên đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa... có thể sẽ hạn chế được vi phạm?
Theo phản ánh, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tình trạng san lấp mặt bằng, tự ý chuyển đổi mục đích đất lúa diễn ra tương đối rầm rộ, chính quyền quyền Hưng Yên cũng rất mạnh tay trong xử lý bằng các quyết định xử phạt hành chính nặng.
Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hạn chế được vi phạm?
Ngày 8/4, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành liên tiếp 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải Đồng Lợi và Công ty TNHH Seo Kwang Vina E.V.A Yên Mỹ với số tiền 160 triệu đồng.
Nguyên nhân, do Công ty Đồng Lợi đã san lấp, chuyển đổi mục đích sử dụng 1,98 ha và Công ty E.V.A Yên Mỹ đã san lấp, chuyển đổi 1,54ha cùng là đất trồng lúa tại xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép.
UBND tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu 2 công ty này phải dừng ngay việc xây dựng công trình; hoàn thiện hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định.
Ngày 7/4, UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định số 936/QĐ-XPVPHC, xử phạt 160 triệu đồng đối với Công ty Phương Lan vì vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai. Cụ thể, công ty này đã tự ý san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trên diện tích 21.726m2 đất trồng lúa khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất. Đồng thời, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu doanh nghiệp này phải dừng ngay việc xây dựng công trình, hoàn thiện hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuê đất trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định.
Luật sư Nguyễn Văn Thuận – Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, Đoàn luật sư Hải Phòng cho biết, thời gian qua tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, xây dựng trên đất nông nghiệp có xu hướng tăng bởi chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Nhiều người, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận bị phạt để tồn tại.
Nhưng từ ngày 5/1/2020, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, có hiệu lực thi hành sẽ tăng nặng mức xử phạt.
Theo đó, tại khoản 3 và 4 Điều 9 của Nghị định 91 quy định hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (trong đó có đất ở) tại khu vực nông thôn và đô thị mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì phạt tiền theo diện tích vi phạm. Mức phạt áp dụng với cá nhân từ 3 đến 250 triệu đồng tùy diện tích vi phạm ở khu vực nông thôn; ở đô thị, mức phạt này bằng 2 lần mức phạt với khu vực nông thôn (tối đa là 500 triệu đồng). Còn mức phạt đối với tổ chức vi phạm bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (cao nhất là 1 tỷ đồng). Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
"Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt rất nặng với hành vi xây dựng trên đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa... có thể sẽ hạn chế được vi phạm" – Luật sư Thuận cho biết thêm.
UBND tỉnh Hưng Yên ra tối hậu thư
Không riêng gì 3 doanh nghiệp trên, tại Hưng Yên còn nhan nhản các đơn vị khác cũng san lấp, chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp. Mới đây, Công ty Cổ phần KCN Yên Mỹ – Hưng Yên đã bị phạt tới 800 triệu đồng vì san lấp khoảng 10ha đất lúa, chuyển đổi mục đích sử dụng mà không được cấp có thẩm quyền cho phép và chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa tại khu vực nông thôn với diện tích khoảng 2,2ha. Đồng thời, doanh nghiệp này buộc phải dừng ngay việc tự ý san lấp và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về đất theo quy định của pháp luật.
Trước việc hàng loạt doanh nghiệp tự ý san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình để thực hiện dự án đầu tư khi chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai, lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các sở ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, đất đai theo chức năng được vụ được giao.
Cụ thể, UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản yêu cầu các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, đất đai theo chức năng được vụ được giao. "Từ chối tiếp nhận các dự án đầu tư mới, mở rộng của các doanh nghiệp đã cố tình vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, đất đai trên địa bàn" – văn bản nêu rõ.
Văn bản cũng yêu cầu các đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép để dự án sớm đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Khánh Hòa: Buông lỏng quản lý để người dân xây dựng trái phép trên đất công
11:00, 26/03/2020
Khánh Hòa: Thiếu giải pháp ngăn chặn, chậm xử lý các công trình xây dựng trái phép
13:52, 11/12/2019
Nha Trang: Mạnh tay với các showroom xây dựng trái phép
05:11, 06/08/2019
Thực hư về việc dự án Marina Tower - Bình Dương xây dựng trái phép
12:15, 23/07/2019
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc thực hiện và hoàn thiện các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai theo quy định của pháp luật; không được tự ý san lấp mặt bằng, xây dựng công trình khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hay chấp thuận, thực hiện không đúng nội dung được cấp phép.
Ngoài ra, UBND tỉnh Hưng Yên cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp tự ý san lấp mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa đủ điều kiện.