Hàng trăm người bán hàng “online” bị lừa tiền tỷ thế nào?

HOÀNG NGUYÊN 23/06/2020 00:45

Giả danh mua hàng, gửi đường link chuyển tiền và đề nghị người bán hàng click vào nhập thông tin, số thẻ cùng mã chuyển tiền. Nhóm đối tượng đã chiếm đoạt của hàng trăm người gần 120 tỷ đồng…

hihihi

3 đối tượng bị bắt giữ (Lê Anh Tuấn áo đen)

Tối ngày 22/6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa phối hợp với Phòng 6, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) triệt phá một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet quy mô rất lớn, lên đến gần 120 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra đã bắt giữ 3 đối tượng, gồm Lê Anh Tuấn (SN 1989, trú tỉnh Quảng Trị) cùng 2 đối tượng Nguyễn Tuấn Dũng (SN 1994, trú huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh); Nguyễn Ngọc Thành (SN 1989, trú tỉnh Quảng Trị). 

Trước đó, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục nhận được đơn trình báo của người dân về việc bị mất trộm tiền trong tài khoản ngân hàng, mà nạn nhân đều là những người bán hàng online. 

Qua những thông tin ban đầu do các nạn nhân cung cấp, phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế xác định đây là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn hoạt động rất tinh vi.

Thủ đoạn của nhóm lừa đảo là giả danh người đang sống ở Mỹ, mua nhiều hàng bán online trên mạng. Sau khi đặt mua xong, nhóm lừa đảo gửi đường link chuyển tiền và đề nghị người bán hàng click vào, nhập thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng cùng mã OTP để chuyển tiền.  

Qua điều tra, lực lượng công an xác định cầm đầu đường dây này là Lê Anh Tuấn (31 tuổi, trú tỉnh Quảng Trị). Tuấn từng tốt nghiệp một trường đại học đào tạo về CNTT tại Đà Nẵng.

Tuấn cấu kết với Nguyễn Tuấn Dũng (26 tuổi, trú huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) và Nguyễn Ngọc Thành (31 tuổi, Quảng Trị) thuê trọ tại đường Ngự Bình, phường An Cựu, TP Huế để hoạt động. Tuấn phân công Dũng, Thành lập nhiều Facebook ảo, lên mạng vào các diễn đàn, hội nhóm tìm kiếm thông tin người bán hàng online, nhắn tin trò chuyện mua hàng và rút tiền.

Riêng Tuấn, với trình độ công nghệ thông tin sẵn có, trực tiếp thiết kế, tạo ra nhiều website giả mạo ngân hàng, website giả mạo dịch vụ chuyển tiền trung gian từ nước ngoài về Việt Nam.

Lê Anh Tuấn sử dụng những thông tin của các nạn nhân để đăng nhập vào website của các ngân hàng rồi thực hiện lệnh chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản nạn nhân đến tài khoản của đối tượng.

Cứ mỗi vụ chuyển tiền thành công, Tuấn trả công cho Dũng và Thành từ 10-50%. Số tiền này các đối tượng dùng để ăn chơi, tiêu xài và đánh bạc.

Theo điều tra, từ tháng 10/2019 đến thời điểm bị bắt, nhóm đối tượng này đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 117 tỷ đồng của nhiều nạn nhân ở các tỉnh, thành trong cả nước.

Hơn 300 nạn nhân sập bẫy đường dây này, người bị lừa từ vài triệu lên đến vài tỉ đồng.

Ngay sau khi bắt giữ các đối tượng, cơ quan công an đã khám xét nơi ở của nhóm trên và phát hiện, thu giữ 6 điện thoại di động, 2 laptop lưu trữ tài liệu phạm tội và 1 hệ thống chỉnh âm thanh để tinh chỉnh, giả giọng nói. 

Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thừa Thiên Huế đã tạm giữ Tuấn và hai đồng phạm để mở rộng vụ án.

Có thể bạn quan tâm

  • Khởi tố vụ án 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản' với Công ty Phi Long

    Khởi tố vụ án 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản' với Công ty Phi Long

    16:56, 21/06/2020

  • Từ lừa đảo tài chính Ponzi đến các app thần kỳ thời 4.0 (kỳ cuối)

    Từ lừa đảo tài chính Ponzi đến các app thần kỳ thời 4.0 (kỳ cuối)

    14:11, 17/06/2020

  • Lâm Đồng: Giám đốc Sở Tư pháp bị tố có liên quan sau khi vợ bị bắt vì lừa đảo

    Lâm Đồng: Giám đốc Sở Tư pháp bị tố có liên quan sau khi vợ bị bắt vì lừa đảo

    11:30, 17/06/2020

  • Tiền Giang: Khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của doanh nghiệp

    Tiền Giang: Khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của doanh nghiệp

    11:00, 17/06/2020

HOÀNG NGUYÊN