Hải Phòng: Nuôi cá trái phép, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt
Chân gà ken đặc, nổi lềnh phềnh cả một vùng của con sông cấp nước sinh hoạt cho người dân Hải Phòng nhưng đơn vị quản lý không biết, chính quyền bất lực.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh, video tại khu vực Trại Cá (xã Tân Viên, An Lão) do người dân quay lại phản ánh cảnh chân gà đặc kín, nổi lềnh phềnh tại khúc sông Ba La (một nhánh của sông Đa Độ) mong cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Sông Đa Độ thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, là con sông cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân TP Hải Phòng lớn thứ 2 chỉ sau sông Rế.
Theo nhiều người dân địa phương, số chân gà này được những người có đầm ao ở đoạn sông Ba La đổ xuống làm thức ăn cho cá. Họ còn thông tin thêm, việc này diễn ra khá thường xuyên, khi thì nội tạng thối, khi thì chân gà thối… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân TP Hải Phòng.
"Cả một đoạn sông dài hơn 1km được người dân thầu, quây lưới nuôi cá từ năm 2005, nói là nuôi cá tự nhiên nhưng vẫn phải cho cá ăn hàng ngày. Mọi khi chân gà, nội tạng thối… được nghiền trộn với cám rồi mới cho cá ăn nhưng mới đây thì để nguyên, nổi lềnh phềnh dạt vào rìa sông bên xã Tân Viên, bốc mùi hôi tanh, chúng tôi không thể chịu được. Trong khi đó, đoạn sông này chỉ cách nhà máy nước cầu Nguyện chưa đầy 1km. Họ đã nuôi cá trên đoạn sông này đến nay là hơn 15 năm nay, nhưng không bị xử lý, không hiểu đơn vị quản lý và chính quyền địa phương ở đâu?" – bà Nguyễn Thị Hiền bức xúc.
Ông Lương Đăng Trình - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Viên cho biết, khúc sông Ba La là một nhánh của sông Đa Độ, đoạn này dài hơn 1km được ông Nguyễn Đình Thuận và một số hộ dân quây lưới B40 để nuôi cá từ năm 2005. Ông Trình cũng khẳng định, UBND xã không cho thầu nuôi cá tại đây. Việc tự ý nuôi cá trái phép của các hộ dân, xã đã kiến nghị cấp trên nhiều lần nhưng không được giải quyết.
Còn về phía đơn vị quản lý sông Đa Độ, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ cho biết, Công ty Đa Độ chỉ là đơn vị quản lý công trình thuỷ lợi và an toàn nguồn nước, không có chức năng và không hề cho thầu nuôi cá.
Vị này cho biết thêm, khúc sông này đang được hộ gia đình Thuận – Lợi nuôi cá quảng canh (nuôi tự nhiên) theo chương trình khuyến khích của Chính phủ từ năm 2005. Tuy nhiên, sau này chương trình này đã bị dừng. Nuôi cá quảng canh là nuôi tự nhiên, các hộ dân cho cá ăn là sai quy định.
Được biết, ngay sau khi nhận được thông tin Công ty Đa Độ đã cử cán bộ xuống hiện trường kiểm tra và thu thập hồ sơ xử lý.
Cả đơn vị quản lý và chính quyền địa phương đều lên tiếng khẳng định việc quây lưới nuôi cá cả một đoạn sông gây ô nhiễm môi trường như trên là không được phép và không đơn vị nào cấp phép cho người dân làm việc đó. Thế nhưng, tại sao 15 năm nay sự việc không được xử lý. Phải chăng đơn vị quản lý không biết và chính quyền thì bất lực. Nếu người dân không kịp thời phát hiện có khi nào việc làm trái phép trên sẽ được duy trì thêm 15 năm nữa hoặc hơn?
Thời gian qua, Sông Đa Độ được đánh giá là đang ô nhiễm nặng nhất vì trên hệ thống sông Đa Độ có tới 120 cơ sở công nghiệp, trang trại và 50 làng nghề, 11 bệnh viện lớn nhỏ và gần 60 trạm y tế xã đang xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Ngoài ra, còn có hàng loạt khu dân cư tập trung đang xả nước thải sinh hoạt ra khu vực lòng sông.
Theo kết quả quan trắc mới nhất của Sở TNMT Hải Phòng, trong tổng số 30 mẫu lấy quan trắc tại sông Đa Độ chỉ có 47% mẫu đạt chỉ tiêu đầu vào cung cấp nguồn nước thô để sản xuất nước sinh hoạt và có tới 10% mẫu bị ô nhiễm nặng.
Có thể bạn quan tâm
Ô nhiễm nguồn nước Hải Dương thờ ơ, Hải Phòng lãnh đủ: Khắc phục ô nhiễm bằng dự án... gây ô nhiễm
11:05, 04/06/2020
Ô nhiễm nguồn nước - Hải Dương thờ ơ, Hải Phòng lãnh đủ: Tổng cục Thủy lợi yêu cầu báo cáo
04:50, 07/05/2020
Ô nhiễm nguồn nước - Hải Dương thờ ơ, Hải Phòng lãnh đủ
23:37, 31/03/2020
Báo động ô nhiễm nguồn nước phục vụ sinh hoạt
11:05, 14/11/2019