Nghệ An: Vì sao hàng loạt doanh nghiệp vận tải hành khách bãi bến?
Nhiều đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định tuyến QL 7 từ Kỳ Sơn, Tương Dương…xuống Tp Vinh và ngược lại đã ngừng hoạt động để phản đối xe dù, bến cóc tranh giành khách.
Thực trạng này diễn ra liên tục trong những ngày qua khiến tình hình vận tải hành khách 2 chiều trên tuyến đường nói trên bị gián đoạn, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân trên địa bàn.
Xe khách tuyến cố định bãi bến
Suốt những ngày qua, các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định từ Vinh đi Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông… và chiều ngược lại đồng loạt ngừng hoạt động.
Lý do họ cho rằng, tình trạng xe dù, bến cóc tồn tại ở dọc các tuyến đường nói trên đã tranh giành hết khách nên phương tiện của họ phải chịu cảnh chạy xe không, liên tục phải bù lỗ do vắng khách.
Cụ thể, từ chiều ngày 3/3, hàng loạt xe khách chạy tuyến cố định trên tuyến đường nói trên đã cho phương tiện của mình tập kết “án binh bất động” ngay tại bến xe Bắc Vinh (bến xe mới) tại xã Nghi Kim, Tp Vinh để phản đối việc rất nhiều xe dù, xe trái tuyến dù không đăng ký chạy tuyến cố định dọc đường 7 nhưng vẫn ngang nhiên chạy lên bắt khách.
Đại diện một số chủ phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định QL 7 cho rằng, suốt thời gian qua, các loại ô tô từ 7 đến 16 chỗ ngồi không nằm trong danh sách được cấp phép vận tải hành khách nhưng vẫn trốn tránh cơ quan chức năng để đón, trả khách.
Mặt khác, nhiều loại xe nói trên núp bóng xe hợp đồng cũng ngang nhiên đón, trả khách tại nhà và điểm đi-điểm đến…
Chính vì vậy, các đơn vị đăng ký chạy tuyến cố định rơi vào tình trạng phải chạy thiếu khách, bị “cướp khách” liên tục nên có những chuyến phải bù lỗ chi phí để duy trì hoạt động. Trong khi đó, các xe dù tham gia vận tải hành khách không phải đóng các khoản thuế, phí theo quy định khiến việc kinh doanh thiếu công bằng.
Đây cũng là tình trạng mà 34 chiếc xe vận tải hành khách tuyến cố định từ bến xe Bắc Vinh đi các huyện trên QL 7 gặp phải trong suốt thời gian qua và đồng loạt bãi bến để nêu kiến nghị tới cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết.
Thậm chí, nhiều đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định đã rơi vào cảnh phá sản do không thể cạnh tranh nối với xe dù, xe giả danh chạy hợp đồng để đón, trả khách.
Sở GTVT Nghệ An nói gì?
Trước tình trạng nói trên, vào sáng nay 5/3, Sở GTVT tỉnh Nghệ An đã cử đoàn công tác cùng với các đơn vị liên quan để trực tiếp đối thoại với đại diện các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định QL7.
Tại buổi đối thoại, ông Hoàng Phú Hiền – Giám đốc Sở GTVT Nghệ An thừa nhận trách nhiệm của mình khi để ra tình trạng nói trên tồn tại trong thời gian qua. Người đứng đầu ngành GTVT Nghệ An cũng khẳng định là sẽ cử 02 tổ công tác cắm chốt một thời gian để phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý các xe dù, xe vận tải hành khách vượt tuyến.
Bên cạnh đó, Sở GTVT Nghệ An cũng sẽ có văn bản gửi Công an tỉnh để đề nghị công an các huyện phối hợp, xử lý nghiêm tình trạng nói trên.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GTVT Nghệ An cũng yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hành khách đưa xe vào hoạt động, nếu các đơn vị không hoạt động và không có lý do chính đáng thì Sở sẽ thu hồi giấy phép và cho cấp phép mới để đảm bảo việc đi lại của nhân dân.
Còn đại diện các chủ xe cũng cam kết sẽ đưa phương tiện vận tải hành khách của mình trở lại hoạt động vào sáng 7/3 tới. Riêng ngày 6/3, Sở GTVT Nghệ An cũng sẽ điều các xe tăng cường vào hoạt động để không làm gián đoạn việc đi lại của người dân trên địa bàn.
Được biết, trước đó vào 9/11/2017, hàng trăm lượt xe khách chạy tuyến QL 48 Quế Phong – Vinh đã đồng loạt bãi công “cố thủ” tại bến xe khách huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Nguyên nhân khiến họ bãi công là do trong thời gian qua các loại xe dù từ 4 đến 7 chỗ xuất hiện khá nhiều trên địa bàn huyện Quế Phong để bắt khách chở xuống Vinh. Tình trạng này kéo dài khiến các hãng xe khách từ 24 chỗ ngồi trở lên không có khách để xuất bến nữa.
Còn theo tìm hiểu của chúng tôi thì tâm lý thích tiện lợi “đón tận nhà, trả tận nơi” mà các xe từ 4 đến 16 chỗ lâu nay thực hiện rất tiện lợi cho người dân. Bởi chỉ cần “alo” là nhà xe có thể đến tận nơi, phục vụ tại chỗ…
Như vậy, đây không phải là lần đầu tiên tình trạng các doanh nghiệp nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn Nghệ An đồng loạt bãi bến, bãi công. Và, nguyên nhân cũng chỉ xuất phát từ sự thiếu công bằng trong việc kinh doanh vận tải hành khách giữa các phương tiện chạy tuyến cố định – xe dù, xe vượt tuyến.
Chính vì vậy, để giải quyết tình trạng này một cách dứt điểm, cơ quan chức năng cần có giải pháp hài hòa, hiệu quả đối với công tác vận tải hành khách chứ không phải làm theo cách “bắt cóc bỏ đĩa” như trong thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm