Bắt nguyên Giám đốc nhà máy ô tô VEAM
Ông Phạm Vũ Hải, nguyên Giám đốc nhà máy ô tô VEAM thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.
Ngày 15/4, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Nhà máy ô tô Veam, thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Vũ Hải, nguyên Giám đốc nhà máy ô tô VEAM, để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự 2015.
Các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam bị can Phạm Vũ Hải đã được Viện KSND tối cao phê chuẩn.
Được biết, đến nay, các đơn vị thuộc Bộ Công an đang điều tra nhiều vụ án hình sự liên quan đến VEAM và các đơn vị thành viên. Hồi cuối tháng 3, C03 đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và một số đơn vị liên quan. VEAM là Công ty mẹ của Nhà máy ô tô VEAM.
C03 đã chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 7 bị can có liên quan, trong đó có ông Trần Ngọc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT, cựu Tổng giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, cựu Tổng giám đốc VEAM; Vũ Quang Tâm và Vũ Từ Công, đều là cựu Phó tổng giám đốc VEAM…
Các bị can này được xác định trong giai đoạn 2015-2019 đã thực hiện không đúng các quyền và nghĩa vụ được giao, buông lỏng quản lý, quyết định những chủ trương, chiến lược hoạt động của VEAM không đúng các quy định pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước hàng trăm tỉ đồng.
VEAM là công ty trực thuộc Bộ Công Thương, được thành lập ngày 12/5/1990, với mục tiêu trọng tâm là phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Mặc dù nhiều sản phẩm VEAM sản xuất không có tính cạnh tranh, song VEAM vẫn hoàn thành tốt với hàng ngàn tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm. Điều này nhờ phần lớn lợi nhuận từ các liên doanh Toyota Việt Nam (VEAM góp vốn 20%), Honda Việt Nam (tỷ lệ 30%) và Ford Việt Nam (tỷ lệ 25%).
Có thể bạn quan tâm
Hàng trăm tỷ đồng tại VEAM bị “bốc hơi” như thế nào?
04:30, 30/03/2021
VEAM khó chuyển sàn
14:01, 11/04/2021
Bài toán khó của VEAM
00:00, 18/01/2020
Khó thoái vốn nhà nước tại VEAM vì liên doanh Honda, Toyota
07:28, 03/03/2019
Thoái vốn tại hàng loạt ông lớn như ACV, PVOil, Vietnam Airlines, VEAM: Cửa đầu tư rộng mở?
12:00, 27/08/2017