Vụ “BOT” lạ tại Sóc Sơn (Hà Nội): Người dân “đỏ mắt” chờ một cây cầu
Suốt thời gian dài, người dân hai bên bờ sông Cà Lồ trên địa bàn xã Việt Long và khu vực lân cận (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) phải trả phí để đi qua chiếc cầu tạm được xây dựng trái phép, mất an toàn….
Ký hợp đồng “vượt quyền”…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, năm 2013, UBND xã Việt Long (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã “vượt quyền” ký hợp đồng kinh tế với một hộ gia đình trên địa bàn về việc giao thầu thu lệ phí qua cầu phao thôn Lương Phúc.
Điều đặc biệt, hợp đồng này có thời hạn “khủng” lên đến 40 năm, (đến ngày 13/5/2053) và thậm chí còn được quyền thừa kế, chuyển nhượng và coi cầu Lương Phúc là cầu duy nhất trên địa bàn.
Theo đó, hộ gia đình này đã tự thiết kế và thuê đơn vị thi công, xây dựng một chiếc cầu phao tại bến đò thôn Lương Phúc, xã Việt Long. Chiếc cầu này được bắc qua sông Cà Lồ kết nối giao thông giữa huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội) và huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh).
Điều đáng nói, chiếc cầu tạm được xây dựng trong khi các Sở, ngành và phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn đã có ý kiến khẳng định chưa đủ các điều kiện cần thiết để triển khai phương án xây dựng. Tuy nhiên, đến năm 2017 chiếc cầu phao vẫn được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong khi không hề có hồ sơ thiết kế, thẩm định và phê duyệt (?!).
Trong khi đó, hàng nghìn lao động là người dân huyện Sóc Sơn đang làm việc tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) phải qua cây cầu này mỗi ngày với nguy cơ mất an toàn. Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn có khoảng 40ha đất trồng lúa ở bên kia sông Cà Lồ nên hàng ngày, người dân địa phương phải đi đò qua sông để canh tác và buộc phải trả phí tại “trạm BOT” này.
Đáng chú ý, hàng nghìn người dân địa phương, với nhiều ý kiến của cử tri cũng đã kiến nghị lên Hội đồng Nhân dân các cấp nhiều lần về việc Nhân dân mong mỏi được đầu tư xây dựng một cây cầu vững chắc, để giao thông thuận tiện, an toàn… nhưng đến nay vẫn chưa được chính quyền Thành phố quan tâm…
Gần đây, “bỗng” một số ý kiến trong dư luận cho rằng, có tình trạng các sở, ngành “thổi tuổi” cầu phao Lương Phúc, báo cáo tình trạng xuống cấp để xin đầu tư xây dựng cầu bê tông cốt thép mới qua địa phận xã Việt Long.
Tuy nhiên, người dân huyện Sóc Sơn không đồng tình với những ý kiến này. Họ cho rằng, những ý kiến này được đưa ra dư luận chỉ nhằm bảo vệ lợi ích riêng cho một nhóm người, đồng thời không muốn địa phương phát triển…
Đâu là sự thật?
Khẳng định với các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Xuân Thắng – Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn cho rằng: Không bao giờ có chuyện “thổi tuổi”, đề xuất này phải căn cứ vào quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo mục c Điều 7 Thông tư số 84/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức giao thông và đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu đường bộ có nêu rõ: đối với cầu có tải trọng khác (chỉ cho phép xe có tổng trọng lượng nhỏ hơn 13 tấn qua cầu) trên hệ thống đường bộ khác phải có kế hoạch xây dựng cầu mới phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đối chiếu với kết luận cầu phao Lương Phúc khai thác an toàn với tải trọng người, xe thô sơ, xe ô tô 7 chỗ và xe tải có tổng trọng lượng 2 tấn do Công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng Giao thông vận tải lập tháng 10/2017 thì việc đề xuất xây dựng cầu mới phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là hoàn toàn có cơ sở và đúng quy định.
Thêm nữa, theo quy hoạch chung UBND huyện Sóc Sơn đã xác định tại vị trí này phải xây dựng cầu kiên cố. Bởi, đây là vị trí quan trọng trong liên kết vùng, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của nhân dân. Nếu được đầu tư cầu bê tông, cốt thép kiên cố thì nhân dân sẽ hưởng lợi, kinh tế vùng sẽ phát triển.
Đồng quan điểm, ông Phan Trường Thành – Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc đề xuất xây dựng cầu bê tông cốt thép mới là mong muốn của cử tri và nhân dân địa phương, kiến nghị rất nhiều lần lên UBND huyện. Từ đó, huyện mới báo cáo, đề xuất với thành phố.
Theo đó, giải pháp cầu phao là tính chất tạm thời. Đặc biệt, trong mùa mưa bão, không đảm bảo an toàn cho người lưu thông trên cầu và cản trở dòng chảy. Trong khi, chủ trương chung của thành phố cũng như của ngành giao thông vận tải Thủ đô sẽ thay thế tất cả các công trình cầu yếu, cầu tạm bằng toàn bộ các công trình cầu vĩnh cửu để phục vụ an toàn giao thông cũng như phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
“Rõ ràng từ quy hoạch đến sự cần thiết đầu tư một cầu bê tông cốt thép để phục vụ nhu cầu của nhân dân đều phù hợp với chủ trương, đường lối của chính quyền thành phố Hà Nội”, ông Thành nói.
Tuy nhiên, ông Phan Trường Thành cũng cho rằng, từ chủ trương đến hiện thực còn cần một quá trình, một thời gian không thể thay thế ngay lập tức cây cầu phao hiện tại bởi nhu cầu đi lại của người dân là rất lớn. Thêm nữa, việc người dân đầu tư theo dạng xã hội hóa mà bị thu hồi sẽ bị thiệt hại về kinh tế.
Do vậy, ngoài việc UBND huyện Sóc Sơn xem xét trách nhiệm của từng bên liên quan, ai đúng, ai sai thì cần có giải pháp hài hòa, đảm bảo lợi ích giữa nhà đầu tư và Nhà nước, tránh thiệt thòi cho người dân.
Bên cạnh đó, trong khi chờ đầu tư cây cầu bê tông côt thép mới nếu chính quyền vào cuộc quyết liệt thì nên có giải pháp cho phép tồn tại tạm thời bằng biện pháp siết chặt công tác quản lý, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân khi đi qua cây cầu này và phải kiểm soát việc nộp phí đúng theo quy định của Nhà nước.
“Có như vậy, không những nhà đầu tư đỡ thiệt thòi mà nhân dân cũng cảm thấy mãn nguyện vào chủ trương đúng đắn của Nhà nước”, ông Thành nói.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm