Khánh Hòa: Tiếp thu ý kiến hay “né tránh” báo chí
Bao nhiêu ha rừng tại Khánh Hòa phải "ngã xuống" để đổi lấy 1 Dự án thủy điện treo? Phóng viên đã nhiều lần đặt câu hỏi và lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ có một câu trả lời là “ghi nhận” rồi để đó.
Liên tục “xin nợ” câu trả lời báo chí
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã có bài phản ánh “Khánh Hòa: Chủ đầu tư hai dự án thủy điện nhỏ và vừa xin điều chỉnh quy hoạch” thông tin về UBND tỉnh Khánh Hòa đã đưa 4 dự án ra khỏi quy hoạch với lý do hiệu quả kinh tế thấp, diện tích rừng bị ảnh hưởng nhiều, chậm triển khai và chưa có nhà đầu tư đăng ký. Tuy nhiên, cũng có 02 dự án là thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2 (huyện Khánh Vĩnh) đang xin điều chỉnh quy hoạch cũng đang nhận được sự quan tâm của dư luận...
Để rộng đường dư luận và cung cấp thông tin chính thức đến với bạn đọc, tại buổi Họp báo thường kỳ quý 4/2020 về tình hình kinh tế xã hội của UBND tỉnh Khánh Hòa, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã trực tiếp đặt câu hỏi với ông Nguyễn Văn Thiện, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa và cũng là người phát ngôn của UBND tỉnh (Chủ trì buổi họp báo). Tuy nhiên, câu trả lời của vị Chánh Văn phòng này cũng chỉ là ghi nhận và sẽ có văn bản trả lời sau.
Sau hơn 3 tháng chờ đợi với nhiều lần gọi điện thoại, nhắn tin hỏi về việc trả lời cũng như cung cấp thông tin cho báo chí bất thành thì mới đây, tại buổi Họp báo thường kỳ quý 1/2021 về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Khánh Hòa, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục đặt lại câu hỏi đó và đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp thông tin. Nhưng cũng với cách trả lời trước đó của vị Chánh văn phòng: "chúng tôi sẽ ghi nhận và trả lời sau".
Vậy không biết UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục ghi nhận đến bao giờ, hay đây chỉ là “chiêu bài” để né tránh báo chí. Bởi theo thông tin mà phóng viên có được, dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2 là hai bậc thang thủy điện trên sông Giang thuộc Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2005, đồng thời cụm Dự án cũng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo thẩm quyền, do Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang làm chủ đầu tư.
Bao nhiêu ha rừng đổ xuống?
Cụ thể, dự án thủy điện Sông Giang 1 được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 19/5/2011. Theo đó, tiến độ thực hiện từ năm 2011 đến năm 2013 và sau đó cũng đã có những thay đổi về giấy chứng nhận đầu tư cũng như giãn tiến độ dự án và mục tiêu hòa vào lưới điện quốc gia với quy mô công suất khai thác lắp máy 12 MW. Diện tích sử dụng đất của dự án này lên đến 210 ha với tổng mức đầu tư hơn 463 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay, dự án thủy điện Sông Giang 1 vẫn chỉ là hai khối bê tông "vô hồn" nằm hai bên bờ sông Giang.
Theo người dân địa phương: khu vực này trước đây đều là rừng, nhiều cây cối xanh tươi. Tuy nhiên, kể từ khi có dự án thủy điện cũng là lúc cây cối bị đốn hạ để lấy mặt bằng cho dự án.
Theo tìm hiểu của phóng viên, để thực hiện dự án thủy điện Sông Giang 1, tỉnh Khánh Hòa đã phải chuyển mục đích sử dụng 134,943 ha rừng, trong đó có đến 17,4 ha rừng phòng hộ, hơn 117 ha rừng sản xuất.
Nếu đúng như vậy thì Khánh Hòa đã dùng 17,5 ha đất rừng đổi lấy 1 MW chắc chắn là con số khiến nhiều người phải giật mình. Bởi phải mất bao nhiêu năm mới có thể trồng được 17,5 ha rừng. Đó là còn chưa kể đến việc mất rừng nói chung, rừng phòng hộ nói riêng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Đã có rất nhiều vụ sạt lở, lũ quét xảy ra vì tình trạng phá rừng làm dự án.
Đối với dự án thủy điện Sông Giang 2, đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 25/01/2010 và thay đổi lần thứ sáu ngày 28/10/2013 với quy mô công suất 37 MW. Dự án đã hoàn thành và đi vào vận hành từ tháng 12/2014.
Tuy nhiên vừa qua, Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang (chủ đầu tư dự án) đã có tờ trình gửi Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh quy hoạch Dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2.
Để có cơ sở xem xét, thẩm định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, Bộ Công Thương đã có Văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu Hồ sơ quy hoạch và có ý kiến đối với đề nghị của Chủ đầu tư dự án. Trong đó, Bộ Công Thương đã đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức rà soát kiểm tra kỹ các vấn đề liên qua đến cụm dự án này.
Có thể bạn quan tâm
Khánh Hòa: Chủ tịch UBND tỉnh bị kiện vì “từ chối cung cấp thông tin”
04:30, 27/04/2021
Khánh Hòa: Tại sao dự án Napoleon Castle bị cảnh sát điều tra?
04:51, 20/04/2021
Khánh Hòa: Hành động quyết liệt để nâng cao chỉ số PCI
13:30, 15/04/2021
Vì sao Bộ TNMT "bất ngờ" thanh tra các dự án tại Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận?
16:00, 13/04/2021