Bình Thuận: Dấu hiệu cài cắm tiêu chí nhằm hạn chế nhà thầu
Việc đưa ra các yêu cầu, tiêu chí ”đặc biệt” nhằm hạn chế nhà thầu, ưu ái cho doanh nghiệp “ruột” đang làm xấu môi trường đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng đến động lực phát triển của doanh nghiệp…
Theo đó, việc mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung là "chìa khóa" quan trọng trong tiết kiệm chi tiêu công, là một trong những biện pháp hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thế nhưng nhiều năm qua, việc đấu thầu mua sắm tập trung đã và đang cho thấy vẫn còn quá nhiều “sạn”, bởi những bất thường từ công tác tổ chức đấu thầu tại một số nơi.
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương đấu thầu qua mạng nên một số chủ đầu tư, bên mời thầu không thể “chặn” các nhà thầu tham gia như hình thức đấu thầu trực tiếp. Do đó, hồ sơ mời thầu hiện nay đã trở thành “chốt chặn” để hạn chế nhà thầu nhằm “ưu ái” riêng cho các doanh nghiệp thân hữu. Đó là sự xuất hiện của các tiêu chí “trên trời”, “tréo ngoe”, thậm chí các điều kiện cài cắm cũng trở nên tinh vi, lắt léo hơn.
Điển hình như tại tỉnh Bình Thuận, mặc dù chưa tổ chức đấu thầu các gói mua sắm tập trung năm 2021 cho ngành giáo dục, thế nhưng theo một số nhà thầu, họ đã biết đơn vị nào sẽ trúng thầu, bởi thông số kỹ thuật các danh mục mua sắm tại công văn hướng dẫn gửi các đơn vị, cơ quan, sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã hướng đến một nhãn hiệu “độc quyền” của một doanh nghiệp (?).
Một nhà thầu (xin giấu tên) chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, theo quy trình mua sắm tập trung tại tỉnh Bình Thuận, một đơn vị tham gia với vai trò thành viên và chịu trách nhiệm thông báo, hướng dẫn cấu hình, thông số cơ bản của sản phẩm, thiết bị, tài sản nhưng lại đưa ra sản phẩm mang tính chất chỉ định, khẳng định tính công nghệ của một hãng duy nhất.
Đó là trong công văn số 128/STTTT-BCVT&CNTT về việc “thông số kỹ thuật Tivi thuộc danh mục mua sắm tập trung của tỉnh năm 2021”, công văn số 12/STTTT-BCVT&CNTT về việc “thông số kỹ thuật máy vi tính để bàn, thiết bị lưu điện, máy photocopy thuộc danh mục mua sắm tập trung năm 2021” và công văn số 144/STTTT-BCVT&CNTT về việc “ý kiến về cấu hình máy vi tính xách tay và tivi trang bị cho các đơn vị trường học để phục vụ công tác dạy và học”.
Cụ thể, trong các văn bản hướng dẫn xây dựng Cấu hình/Thông số kỹ thuật, có phần ghi chú: chi tiết các thông số kỹ thuật trong các cấu hình nêu trên (CPU, Memory, Hard Disk drive, Monitor, công suất, tốc độ copy/print/scan, độ phân giải, …) ở mức tối thiểu, tùy theo nhu cầu sử dụng, kinh phí, các đơn vị có thể lựa chọn cấu hình, thông số kỹ thuật cao hơn, bảo đảm tương thích, phù hợp.
Tuy nhiên, một số nhà thầu cho rằng, việc đơn vị này ghi chú trong văn bản là ngược với danh mục Cấu hình/Thông số kỹ thuật tại văn bản đã ban hành trước đó (Văn bản cho phép các đơn vị mua sắm chọn Cấu hình/Thông số kỹ thuật bằng hoặc cao hơn, nhưng thực chất trong Cấu hình/Thông số kỹ thuật của sở này đã quy định thẳng: tính năng, công nghệ, giải pháp, chứng nhận, phần mềm độc quyền). Và tất nhiên, sản phẩm của các hãng khác không thể đáp ứng thông số kỹ thuật 100% theo Cấu hình/Thông số kỹ thuật này.
“Chúng tôi đã theo dõi và tham khảo các chuyên gia CNTT, các doanh nghiệp hàng đầu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và trên cả nước, họ cho rằng theo thông báo hướng dẫn này, vô hình chung đang nhằm vào 1 hãng sản xuất duy nhất cho loại sản phẩm duy nhất”, đại diện một nhà thầu chia sẻ.
Liên quan tới thông tin này, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, xét về mặt quản lý Nhà nước là sai với quy định, hướng dẫn của Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước.
“Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử” – Giám đốc Công ty Luật HPVN phân tích.
Bên cạnh đó, luật sư Hiệp cũng nhận định, nội dung này còn vi phạm tính cạnh tranh theo định hướng của Chính phủ. Nhằm tạo đa dạng sản phẩm tham gia, cạnh tranh các hãng; tạo sân chơi công bằng, lành mạnh trong việc đấu thầu mua sắm tập trung, nhằm tạo ra nhiều sự lựa chọn sản phẩm tốt cho đơn vị sử dụng và tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, thực tế xảy ra không ít hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, song hàng năm, con số tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm rất ít.
“Quá trình tiếp nhận nhiều hồ sơ, vụ việc liên quan đến đấu thầu cho thấy, ít trường hợp bị xem xét, xử lý khi để xảy ra các sai phạm trong đấu thầu. Các yêu cầu gây khó dễ, cản trở nhà thầu tham gia đấu thầu xảy ra nhưng chỉ “giơ cao đánh khẽ”, không tạo ra sức mạnh để răn đe, thậm chí nhiều chủ đầu tư biết sai mà vẫn làm” – Luật sư Hiệp chia sẻ.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
“Lỗ hổng” trong đấu thầu mua sắm hàng hoá
04:20, 01/06/2021
Tỉnh Nghệ An nói gì về vụ khuất tất trong công tác đấu thầu ở Sở TNMT?
04:00, 02/06/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu (Bài 1): “Một mình, một ngựa”… về đích tại Tuyên Quang
04:35, 31/05/2021
Vụ khuất tất trong công tác đấu thầu ở Sở TN&MT Nghệ An: Chủ đầu tư có “cố chịu đấm ăn xôi”?
04:20, 28/05/2021