“Lỗ hổng” trong đấu thầu mua sắm hàng hoá

KHÔI NGUYÊN 01/06/2021 04:20

Do lỗ hổng từ việc lập hồ sơ mời thầu đã dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng trong công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế trong thời gian qua, để lại nhiều hệ luỵ nghiêm trọng...

hhi

Vụ án nâng khống giá thiết bị liên doanh, liên kết lên nhiều tỉ đồng để thu tiền của bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai đã gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Cụ thể, theo các chuyên gia, trong quá trình mời thầu, các dự án đưa các tiêu chí không phù hợp vào HSMT, hồ sơ yêu cầu (HSYC) nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu. Công tác thẩm định trong đấu thầu còn hình thức, chưa đi vào thực chất, nhiều trường hợp báo cáo thẩm định chỉ nêu lại nội dung của tờ trình mà không đưa ra nhận xét, kiến nghị cụ thể…

Theo đó, vấn đề nổi cộm nhất hiện nay trong công tác tổ chức đấu thầu dùng tiền đối với các dự án dùng ngân sách. Riêng trong lĩnh vực mua sắm hàng hóa, việc đưa các thông số kỹ thuật của một hãng sản xuất hay model cụ thể vào trong HSMT gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng là nguyên nhân chính dẫn đến sự hạn chế tham gia của các nhà thầu.

Về nguyên tắc, thông số kỹ thuật phải rõ ràng, không đưa ra quy định mang tính hạn chế/chỉ định về xuất xứ, tiêu chuẩn, công nghệ, hãng sản xuất, nhà cung cấp.

Kinh nghiệm của các tổ chức tài trợ lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), ADB cho thấy, công tác khảo sát xây dựng các thông số kỹ thuật đưa vào trong HSMT phải dựa trên yêu cầu xem xét khảo sát tối thiểu 03 nhà sản xuất khác nhau đáp ứng hoặc tương đương.

Các gói thầu mua sắm hàng hóa có tính chất đặc thù như trong lĩnh vực thiết bị y tế thường không tổ chức khảo sát tối thiểu 03 nhà sản xuất khác nhau trong quá trình lập HSMT dẫn đến tình trạng là nhiều gói thầu chỉ có một nhà thầu tham gia hoặc nếu có các nhà thầu khác cũng chỉ đóng vai trò “hỗ trợ”.

Chẳng hạn một số gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng như gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị liên chuyên khoa (mắt, tai mũi họng, thận nhân tạo) của Bệnh viện Đa khoa A có giá gói thầu là 106,314 tỷ đồng (giá trúng thầu là 103,192 tỷ đồng).

Hay là gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị hồi sức và thiết bị điều trị thuộc Dự án Trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa B có giá gói thầu là 46,644 tỷ đồng (giá trúng thầu là 46,446 tỷ đồng) “lạ lùng” khi chỉ có một nhà thầu tham gia.

Hoặc việc yêu cầu một công nghệ mà chỉ một hãng đáp ứng được sẽ hạn chế sự tham gia của nhà thầu khác. Chẳng hạn gói thầu về nhà bao che lò đốt rác 1, 2 (nhà xử lý rác 1, 2), thiết bị xử lý rác thải 1, 2 thuộc Dự án Bệnh viện này yêu cầu công nghệ xử lý rác thải plasma - công nghệ độc quyền của Hãng Petech Việt Nam.

Nhiều nhà thầu bức xúc cho rằng, khi nhìn vào yêu cầu kỹ thuật trong HSMT là biết rõ nhà phân phối nào là độc quyền về hàng hóa hay công nghệ đó trên thị trường, do vậy họ biết là có tham gia cũng không thể trúng thầu được.

hihi

Hệ thống robot phẫu thuật Rosa, một trong thiết bị liên doanh, liên kết được nâng khống giá nhiều tỉ đồng tại Bệnh viện Bạch Mai.

Điều đáng nói, giá gói thầu do các công ty thẩm định giá xác định thường dựa trên các chào giá của các nhà cung cấp và giá trúng thầu (giao dịch thành công) theo đúng các tiêu chuẩn thẩm định giá do Bộ Tài chính ban hành.

Và giá thẩm định là một trong những căn cứ để chủ đầu tư phê duyệt giá gói thầu, do vậy giá thẩm định là một trong những kênh tham khảo chứ không phải quyết định giá gói thầu. Đồng thời các công ty thẩm định giá sử dụng các phương pháp thẩm định giá và dựa trên những nguồn dữ liệu đầu vào được tiêu chuẩn thẩm định giá cho phép.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Trong Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, để công tác thẩm định giá công khai, minh bạch, thì hệ thống dữ liệu về giá quốc gia phải được xây dựng đồng bộ và đầy đủ, đặc biệt là dữ liệu về giá nhập khẩu, ngoài ra cần có các quy định về tỷ lệ lợi nhuận cho phép đối với các công ty thương mại để các công ty thẩm định giá có cơ sở xác định giá theo phương pháp chi phí, không phải chỉ theo phương pháp so sánh.

Bên cạnh đó, giá gói thầu là giá dự toán hay giá trần để các bên dự thầu không chào giá vượt mức này, nó không phải là giá trúng thầu vì giá trúng thầu được xác định thông qua quá trình đấu thầu theo nguyên tắc thị trường. Ở nhiều nước phát triển, giá gói thầu thường không cần thẩm định giá mà do bên mời thầu tự xác định vì quá trình đấu thầu của họ đảm bảo giá trúng thầu là giá thị trường.

Theo luật sư Hiệp, công tác tổ chức đấu thầu phải đảm bảo sự cạnh tranh theo đúng bản chất thị trường thì mới đảm bảo tiền ngân sách được sử dụng hiệu quả nhất. Để làm được điều đó thì công tác lập hồ sơ mời thầu, đặc biệt là xây dựng cấu hình, thông số kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu như để cập ở trên có vai trò quyết định.

Khi giá trúng thầu giảm thì các gói thầu sau có xu hướng tiệm cận về giá trúng thầu này, qua đó tạo mặt bằng giá gói thầu mới sát hơn với giá thị trường. Do vậy trong các quy định pháp luật về đấu thầu cần bổ sung yêu cầu khảo sát tối thiểu 03 nhà sản xuất khác nhau đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thì mới cho phép ban hành hồ sơ mời thầu.

Việc chưa có quy định trên để làm cơ sở thẩm định hồ sơ mời thầu đang là một trong những lỗ hổng lớn nhất trong công tác đấu thầu hiện nay”, luật sư Hiệp nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Những “khoảng tối” trong đấu thầu (Bài 1): “Một mình, một ngựa”… về đích tại Tuyên Quang

    Những “khoảng tối” trong đấu thầu (Bài 1): “Một mình, một ngựa”… về đích tại Tuyên Quang

    04:35, 31/05/2021

  • Vụ khuất tất trong công tác đấu thầu ở Sở TN&MT Nghệ An: Chủ đầu tư có “cố chịu đấm ăn xôi”?

    Vụ khuất tất trong công tác đấu thầu ở Sở TN&MT Nghệ An: Chủ đầu tư có “cố chịu đấm ăn xôi”?

    04:20, 28/05/2021

  • Vụ sai phạm đấu thầu tại Sở Y tế Sơn La: Khởi tố thêm 2 bị can liên quan

    Vụ sai phạm đấu thầu tại Sở Y tế Sơn La: Khởi tố thêm 2 bị can liên quan

    11:52, 06/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Lỗ hổng” trong đấu thầu mua sắm hàng hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO