Nghệ An: Thiếu căn cứ trong việc phân bổ đối tượng tiêm vaccine phòng COVID -19
“Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch...” – là những nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng chống COVID -19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Vậy nhưng, qua theo dõi ở Nghệ An thì chủ trương này đang được dư luận đánh là có dấu hiệu bị “biến thể” bởi nhiều nhóm đối tượng theo quy định phải được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID -19 trước nhưng lại bị rơi rớt, bố trí nhỏ giọt ở phía sau.
Để triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID -19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NĐ-CP ngày 26/2/2021 về việc mua và sử dụng vaccine, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Theo đó, Nghị quyết số 21 quy định rõ về đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí, Nghị quyết của Chính phủ quy định có 9 nhóm gồm: lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế, nguời tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra), Quân đội và Công an (nhóm 1);
Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh (nhóm 2); Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước (nhóm 3)…
Về địa bàn tiêm, Nghị quyết 21 nêu rõ ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng trên đây ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch; Trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.
Đặc biệt, Nghị quyết 21 cũng nhấn mạnh việc căn cứ khả năng cung ứng vaccine, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, đối tượng ở vùng có dịch.
Quy định là vậy nhưng tại tỉnh Nghệ An, qua các đợt lập danh sách để triển khai tiêm vaccine thì nhiều nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm trước vaccine phòng COVID -19 lại phải chờ đợi, thậm chí bố trí theo kiểu nhỏ giọt.
Đặc biệt, nhóm người cung cấp dịch vụ thiết yếu liên quan đến hoạt động vận tải hàng hoá (nhóm 3) lại được bố trí tiêm sau các nhóm đối tượng chưa cần thiết phải tiêm vaccine trong trường hợp cấp bách.
Ngay như tại văn bản ngày 23/7/2021 mới đây do ông Đặng Thanh Tùng – Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An ký, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc phân bổ vaccine phòng COVID -19 (đợt 4) thì danh sách các doanh nghiệp được tiêm đợt này đã nảy sinh nhiều bất cập.
Trong danh sách phân bổ ngoài các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Sở, ngành, huyện, thành, thị… được tiêm vaccine phòng COVID -19 đợt 4 mà UBND tỉnh công khai, ban hành thì có 323 doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An cũng được tiêm vaccine với 6.086 liều.
Đáng quan tâm là việc phân bổ vaccine phòng COVID -19 cho 323 doanh nghiệp nói trên lại không đồng đều, thậm chí có những đơn vị không nằm trong nhóm đối tượng ưu tiên tiêm lại được bố trí số lượng lớn liều tiêm.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV cà phê – cao su Nghệ An (90 liều), Thuỷ điện Bản Vẽ (85 liều) Công ty CP Trung Đô (70 liều), Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An (60 liều) Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam Nghệ An (60 liều), Công ty TNHH Nông nghiệp Hùng Cường (60 liều), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Nghệ An (60 liều), Công ty CP cấp nước Nghệ An (60 liều), Công ty TNHH LUXSHARE ICT (60 liều), Công ty CP Bao bì Nghệ An (60 liều) Công ty TNHH Hoà Hiệp (50 liều) Công ty Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh (50 liều), Công ty Bia Sài Gòn – Sông Lam (50 liều), Công ty CP tập đoàn Massan (50 liều), Công ty CP chuỗi thực phẩm TH (50 liều), Công ty CP tập đoàn An Hưng (40 liều), Công ty CP tập đoàn Semec (40 liều), Công ty CP Tây An (30 liều) …
Đứng đầu danh sách số lượng được phân bổ tiêm vaccine đợt 4 mà UBDN tỉnh Nghệ An phê duyệt là Công ty TNHH Thanh Thành Đạt (160 liều), Tập đoàn Thiên Minh Đức (160 liều), Công ty Xăng dầu Nghệ An (160 liều)…
Riêng số đơn vị doanh nghiệp vận tải hàng hoá, đặc biệt là hàng trăm lái xe liên tỉnh, liên vận Việt – Lào đóng chân trên địa bàn Nghệ An lại không được bố trí ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID -19 đợt này. Có chăng chỉ vài đơn vị với số lượng khoảng 10 liều cho mũi 1 trong khi họ có hàng trăm con người đang là lái xe, cán bộ xuất nhập khẩu, logsitics...
Trong khi những doanh nghiệp này thuộc nhóm ưu tiên tiêm vaccine (nhóm 3) theo Nghị quyết 21/NĐ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ và cũng thuộc nhóm có nguy cơ cao, dễ mắc COVID -19 bởi đặc thù di chuyển, tiếp xúc với nhiều nơi, nhiều vùng miền khác nhau…
Đây cũng là những doanh nghiệp đã nhiều lần có đơn kiến nghị, trình bày, gửi danh sách lên cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Nghệ An ngay từ khi Nghị quyết số 21 của Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Đơn cử như Công ty CP VILACONIC (10 liều), Công ty ô tô vận tải số 05 (10 liều), Công ty CP vận tải CN và DV Mai Linh (10 liều), Công ty TNHH vận tải TM và DV Võ Minh (10 liều)…
Nhiều lái xe đã từ chối làm việc, duy trì sự vận hành liên thông hàng hoá vì biết mình thuộc nhóm đối tượng được tiêm vaccine theo chủ trương của Chính phủ nhưng đến nay họ vẫn chưa có trong danh sách. Thiệt hại kinh tế vô cùng lớn đối với doanh nghiệp vận tải liên vận, logistics... khiến nguy cơ tắc nghẽn dòng chảy hàng hoá do COVID -19 và sự chậm trễ trong việc phân bổ tiêm vaccine.
“Tại sao Nghị quyết 21 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thì nhóm vận tải hàng hoá thiết yếu là nhóm ưu tiên số vào nhóm số 03 để triển khai tiêm vaccine phòng COVID -19 lại phải chờ đợi quá lâu như vậy? Trong khi các đơn vị khác không thực sự cần thiết, bởi họ chưa phải nằm trong nhóm ưu tiên lại được bố trí số lượng lớn liều vaccine đợt này khiến chúng tôi cảm thấy bức xúc.
Đồng ý là doanh nghiệp nào cũng phải có nghĩa vụ đóng góp thuế cho Nhà nước để xây dựng địa phương nhưng việc bố trí số lượng vaccine như vậy chúng tôi thấy thiếu công bằng, bất cập nảy sinh. Bởi với hàng trăm con người là lái xe thường xuyên phải di chuyển, đi lại giữa các vùng có nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuộc nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm, tỉnh lại bố trí theo kiểu nhỏ giọt để dành lượng lớn vaccine cho nhóm đối tượng chưa thực sự cần thiết khác…” – đại diện chủ một doanh nghiệp vận tải liên vận Việt – Lào có trụ sở ở Nghệ An phản ánh.
Cũng theo một số doanh nghiệp vận tải ở Nghệ An cho biết, trước chủ trương của Chính phủ về mục tiêu vừa chống dịch – vừa duy trì phát triển kinh tế, họ đã không ngừng cố gắng tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID -19 bằng các giải pháp an toàn nhất.
Và, ngành vận tải trong bối cảnh dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay là vô cùng khó khăn, nguy hiểm nhưng các doanh nghiệp cũng phải bắt buộc duy trì để lưu thông hàng hoá, tránh đứt đoạn trong chuỗi dòng chảy kinh tế thị trường cũng rất cần thiết.
Đành rằng hiện nay Việt Nam đang khan hiếm vaccine phòng COVID -19 nên việc phân bổ số lượng sẽ phải căn cứ vào tình hình thực tế của các tỉnh, thành trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, với cách phân bổ danh sách, số lượng liều vaccine phòng COVID -19 ở Nghệ An như trong thời gian qua đã nảy sinh nhiều bất cập, thiếu căn cứ theo quy định khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Có thể bạn quan tâm
Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 lớn nhất lịch sử có khả thi?
06:00, 23/07/2021
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, làm rõ vụ "tiêm vaccine không cần đăng ký"
14:44, 21/07/2021
1,58 triệu người dân Hải Phòng sắp được tiêm vaccine
11:19, 21/07/2021
Mở rộng thêm 16 nhóm đối tượng tiêm vaccine COVID-19
11:00, 09/07/2021
TP Móng Cái: Hơn 3000 công nhân KCN Hải Yên được tiêm vaccine
18:17, 11/07/2021