Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Xây dựng, ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn

NGUYỄN GIANG 20/10/2021 11:06

Việc xây dựng và trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua Luật tại kỳ họp thứ 2 là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu Hiệp định CPTPP, giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn…

hhii

Việc xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn

Theo Tờ trình số 16/TTr-VKSTC ngày 10/9/2021 của VKSNDTC (Tờ trình số 16), BLTTHS năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.

Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) cùng các văn kiện liên quan (gọi tắt là Nghị quyết số 72/2018/QH14) và Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP đã giao trách nhiệm cho VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát BLTTHS để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP. Theo Nghị quyết này, thời điểm cam kết liên quan đến BLTTHS trong Hiệp định là 03 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, tức là ngày 14/01/2022.

Theo Tờ trình số 16, quy định tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 BLTTHS chưa tương tích với điểm g khoản 6 Điều 18.77 Hiệp định CPTPP đối với nội dung liên quan đến việc cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần yêu cầu của người bị hại; từ đó, đặt ra yêu cầu phải bỏ quy định dẫn chiếu đến hành vi này tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 BLTTHS.

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS (gọi tắt là Luật) và trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP và bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP tại Nghị quyết số 72/2018/QH14.

Mặt khác, thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về bố trí Công an xã chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thực hiện quy định của pháp luật, với phương châm “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, hiện nay, lực lượng Công an xã - đã được tổ chức chính quy (về chức danh, cơ cấu lực lượng, năng lực, trách nhiệm…) là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã; đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay thì Công an xã càng đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cần thiết phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở.

Do vậy, việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an) trong BLTTHS là cần thiết để tăng cường vai trò của Công an xã, đồng thời kịp thời giảm tải khối lượng công việc hiện đang rất lớn cho Cơ quan điều tra Công an cấp huyện, giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách trong hoạt động điều tra hình sự do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ địa bàn cấp cơ sở. Điều này đặt ra việc phải sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 BLTTHS để đáp ứng thực tiễn nêu trên.

hihihi

Việc xây dựng và trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua Luật tại kỳ họp thứ 2 là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP, giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn…

Do tình hình thiên tai, những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, việc kiểm tra, xác minh các vụ việc trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố,việc tiến hành các hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra và việc tiến hành các hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bị trì hoãn, kéo dài do không thể thực hiện được các hoạt động cần thiết để xác định hành vi phạm tội, người phạm tội để quyết định việc khởi tố; để chứng minh tội phạm kết thúc điều tra hoặc để quyết định việc truy tố.

Việc tống đạt các quyết định tố tụng cho người bị buộc tội hoặc chuyển hồ sơ vụ án sang các giai đoạn tố tụng tiếp theo, việc chuyển các chứng cứ, tài liệu, đồ vật cho Viện kiểm sát, Tòa án… bị trì hoãn, không thể tiến hành được. Các cơ quan có thẩm quyền cũng không thể tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội do đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố.

Theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì phải đình chỉ điều tra; điều này dẫn đến việc xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí có nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giảm sút lòng tin trong Nhân dân, trong khi việc đình chỉ điều tra không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Việc đình chỉ điều tra trong trường hợp này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội và những hậu quả lớn khác do vụ án không được giải quyết đúng.

Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để có căn cứ ra các quyết định trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án hình sự); Cơ quan điều tra không thể kết luận điều tra đề nghị truy tố; Viện kiểm sát cũng không thể ban hành Cáo trạng để chuyển vụ án sang Tòa án vì chưa đủ căn cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội, không thể xử lý tình huống bằng cách ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án do không có căn cứ.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 BLTTHS không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Điều này dẫn đến việc vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

Do vậy, theo Tờ trình số 16, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 BLTTHS theo hướng bổ sung: (i) căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; (ii) căn cứ tạm đình chỉ điều tra; và (iii) căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” để giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng sẽ phát sinh trong thời gian tới.

Việc quy định căn cứ tạm đình chỉ trong các trường hợp nêu trên cũng dẫn đến việc phải xem xét hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn đang áp dụng. Tuy nhiên, việc này sẽ được thực hiện một cách có căn cứ theo quy định của luật và các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét, quyết định theo từng trường hợp cụ thể và chịu trách nhiệm bảo đảm để không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.

Còn nếu không bổ sung theo hướng này thì các cơ quan có thẩm quyền cũng không thể tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người bị buộc tội do không còn căn cứ nào để áp dụng vì đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố.

Nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 BLTTHS để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP, bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 và các nội dung sửa đổi, bổ sung: (i) sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 BLTTHS và (ii) sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 BLTTHS để giải quyết yêu cầu cấp thiết của thực tiễn xử lý vụ án hình sự trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đều thuộc các trường hợp có thể xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, việc xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn là có căn cứ.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

    Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

    04:20, 19/10/2021

  • Sửa đổi Luật Đầu tư:

    Sửa đổi Luật Đầu tư: "Sửa một lần nhưng đảm bảo đồng bộ với các Luật"

    10:30, 15/11/2019

  • Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp: Thời hạn góp vốn của doanh nghiệp 3 năm là quá dài

    Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp: Thời hạn góp vốn của doanh nghiệp 3 năm là quá dài

    06:06, 20/08/2019

  • Cần sửa đổi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

    Cần sửa đổi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

    03:12, 28/06/2019

NGUYỄN GIANG