Hải Phòng: Làng nghề tự phát gây ô nhiễm môi trường
Nước thải, khói bụi, tiếng ồn tại làng nghề chế tác đá mỹ nghệ ven QL10 đoạn qua địa bàn huyện An Lão đang trở thành bài toán khó của địa phương.
Việc chế tác đá mỹ nghệ ven QL10 trên địa bàn xã Trường Thành và An Tiến, huyện An Lão (Hải Phòng) đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân xung quanh. Bởi các biện pháp xử lý bụi, tiếng ồn phát sinh trong quá trình điêu khắc đá không được quan tâm, thực hiện theo đúng quy định gây mất vệ sinh môi trường. Không những thế, việc tập kết vật liệu ven quốc lộ còn gây mất mỹ quan và mất an toàn giao thông.
Sản xuất không nhà xưởng
Dễ dàng nhận thấy dọc QL10 đoạn qua địa bàn huyện An Lão, cứ đi được một đoạn chừng vài ba trăm mét, là sự xuất hiện của hàng loạt các cơ sở xẻ đá, chế tác đá. Ông Nguyễn Văn Minh, một người dân sống cạnh xưởng chế tác đá ven QL10 chia sẻ, đâu chỉ bụi bặm ô nhiễm mà đến cái lỗ tai cũng không yên vì tiếng ồn từ máy móc hoạt động. Trời mưa nước thải từ khu vực sản xuất đá chảy lênh lãng ra đường, trời nắng thì khói bụi triền miên cả ngày, ai nấy đi qua đều phải “mắt nhắm mắt mở”, lấy tay che mặt vì bụi.
Theo ghi nhận của phóng viên, tận dụng lợi thế nằm sát QL10 nhiều cơ sở sản xuất đá tại xã Trường Thành và An Tiến thuộc huyện An Lão còn chiếm dụng cả hành lang an toàn đường bộ để làm nơi trưng bày sản phẩm như, lăng mộ, bia mộ, tượng đá… và tập kết nguyên vật liệu. Tại đây, tiếng đục, chạm, máy mài, xẻ đá, đánh bóng sản phẩm phát ra inh ỏi, liên tục thải ra một lượng bụi đá lớn khiến cho đường sá, cây cối, nhà cửa các cơ sở này đều có màu bạc trắng vì bụi đá. Phần mặt đường QL10 trước các khu nhà xưởng lênh láng nước thải trắng xoá từ việc mài đá không được thu gom, xử lý. Người dân đi qua đây đều phải đi rất nhanh để tránh bụi.
Điểm chung của các cơ sở chế tác đá mới đi vào hoạt động đều có quy mô nhỏ, lẻ hoạt động tự phát, chế tác ngay ngoài trời. Do không được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để giảm thiểu bụi và tiếng ồn trong quá trình sản xuất nên không tránh được việc ảnh hưởng đến môi trường.
Nhà gần đường quốc lộ đã ồn, lại thêm tiếng đục đẽo, cưa xẻ suốt ngày của “làng nghề tự phát”… thực sự khó chịu mà không biết kêu ai vì quanh đi quẩn lại toàn hàng xóm. Những ngày nắng hanh thì bụi vô cùng, do đó dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Đây là phản ánh chung của người dân sống gần những cơ sở sản xuất này.
Bà Lê Thị Hương cho biết: "bụi bặm lắm! Cảnh bụi này chúng tôi phải gánh chịu hàng chục năm nay rồi. Nhà tôi bơm nước xịt ra mặt đường thường xuyên, nhưng chỉ được thời gian ngắn bụi lại quẩn lên, không khí ngột ngạt vô cùng…".
Chỉ có cam kết của các cơ sở là chưa đủ
Gần 10 năm trở lại đây, tại 2 xã Trường Thành và An Tiến thuộc huyện An Lão ven theo quốc lộ 10 có trên 50 cơ sở chế tác đá mỹ nghệ ra đời. Nước thải, khói bụi, tiếng ồn tại làng nghề tự phát này đang trở thành “bài toán khó” của chính quyền địa phương.
Theo ông Bùi Văn Bút – Chủ tịch UBND xã An Tiến, trên địa bàn xã có khoảng 40 xưởng chế tác đá mỹ nghệ đang hoạt động, trong đó có một số cơ sở sản xuất quy mô nhỏ đi vào hoạt động từ năm 2019 đến nay. Mới đây xã đã chỉ đạo cán bộ địa chính, môi trường phối hợp với công an xã kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở yêu cầu chủ các cơ sở nhanh chóng khắc phục. Trước mắt, yêu cầu 100% số cơ sở không được lấn chiếm hàng lang giao thông QL10, di chuyển sản phẩm, nguyên vật liệu lùi sâu bên trong 5m trở lên so với mặt đường. Đồng thời yêu cầu các cơ sở có biện pháp phân loại, xử lý chất thải rắn, che chắn, ngăn bụi đảm bảo vệ sinh.
"Đây là vấn đề lịch sử để lại, chúng tôi cũng muốn di dời các cơ sở này đi nhưng việc này không giống như “mớ rau mớ cỏ” chỉ bốc đi là xong. Đằng sau đó còn cả 600 lao động nữa" – ông Bút chia sẻ.
Được biết, năm 2018 UBND TP Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo, giao UBND huyện An Lão khẩn trương kiểm tra cụ thể, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các điểm gia công đồ đá gây bụi, ô nhiễm môi trường. Sau đó, huyện An Lão đã họp thống nhất và yêu cầu 53 cơ sở sản xuất, kinh doanh điêu khắc chấp hành cam kết BVMT, hành lang an toàn giao thông đường bộ. 100% các hộ tham gia ký cam kết về việc BVMT, đảm bảo an toàn hành lang giao thông quốc lộ 10. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều hộ vẫn chưa làm như cam kết đã ký với cơ quan chức năng.
Rõ ràng, nếu chỉ yêu cầu các cơ sở ký cam kết bảo vệ môi trường là không đủ. Một thức tế cho thấy việc ô nhiễm nhiễm môi trường ảnh hưởng tới người dân xung quanh là do làng nghề quy hoạch thiếu tập trung, nhiều hộ làm nghề nhỏ lẻ hoạt động đan xen trong các khu dân cư của xã. Để giải quyết triệt để vấn đề này, huyện An Lão cần một giải pháp lâu dài hơn, đó là quy hoạch cụm sản xuất tập trung. Sau đó đưa các cơ sở chế tác đá vào hoạt động tập trung và có các biện pháp bảo vệ môi trường. Để làng nghề phát triển bền vững và bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm, vấn đề đặt ra sớm có làng nghề truyền thống để người dân yên tâm sản xuất, chế tác đá và bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Khởi tố giám đốc người Trung Quốc vì gây ô nhiễm môi trường
00:06, 20/09/2021
Hà Tĩnh: Yêu cầu chủ trang trại lợn phải di dời vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
07:43, 10/08/2021
Hải Phòng: Công ty Cổ phần thực phẩm công nghệ Hải Phòng xả thải gây ô nhiễm môi trường
21:08, 12/06/2021
Thanh Hóa: Xử phạt 391 triệu đồng doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường
22:02, 26/03/2021