Vụ cho thuê "sim rác" bị khởi tố tại Yên Bái: Luật sư nói gì?
Liên quan tới việc những người làm dịch vụ cho thuê “sim rác” bị khởi tố tại Yên Bái, luật sư Trần Hoài Văn cho rằng, vụ án này không đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ để kết luận các bị can phạm tội…
>>Cho thuê "sim rác", bất ngờ bị khởi tố
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, dư luận hết sức bất ngờ trước vụ việc những người cho thuê “sim rác” bỗng nhiên bị khởi tố tại Yên Bái bởi, Luật viễn thông hiện hành chỉ quy định xử lý hành chính hành vi này.
Cụ thể, ngày 04/4/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC02) Công an tỉnh Yên Bái ra Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 19/KLĐT-CSHS đồng thời chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đề nghị truy tố 2 bị can Nguyễn Trung Tính (SN 2001, tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) và Lý Trọng Thiên (SN 2001 tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) về tội: “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra, xác minh xác định để thực hiện hành vi phạm tội, các bị can trong vụ án đã thuê trực tuyến các số thuê bao điện thoại của nhiều nhà mạng khác nhau trên 2 trang mạng (website): https://rentcode.co và https://simthue.com.
Cơ quan điều tra xác định, hình thức hoạt động của 2 website nhằm mục đích thu tiền lợi nhuận từ khách hàng thuê sim ảo (qua điều tra xác minh xác định là các sim trả trước đã kích hoạt của các nhà mạng: Viettel, Vinaphone, Mobifone,Vietnammobile, T-Telecom) để nhận mã code (mã code là nội dung tin nhắn SMS ) mục đích tạo lập các tài khoản trên các trang mạng xã hội. Tiền thuê sẽ được tính bằng việc thực hiện nhận được mã code thành công (nhận được tin nhắn SMS) tùy theo thời điểm. Cụ thể, đối với website rentcode mỗi tin nhắn có giá tiền từ 500đ – 1.000đ, website simthue có giá từ 1.000đ - 2.000đ.
Quá trình mở rộng vụ án, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Yên Bái tiếp tục ban hành bản kết luận điều tra (bổ sung) vụ án "Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông"; chuyển hồ sơ đến Viện KSND tỉnh Yên Bái, đề nghị truy tố 14 bị can là những người làm dịch vụ cho thuê “sim rác” online.
Tại bản kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái dẫn kết luận giám định của Giám định viên Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái cho rằng số điện thoại (số thuê bao viễn thông) là thông tin cá nhân. Và chỉ doanh nghiệp viễn thông mới được quyền cho thuê và thuê sim điện thoại gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông; việc cá nhân, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp viễn thông thực hiện hành vi cho thuê sim điện thoại là hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 12 Luật Viễn thông “… sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông…”.
Từ đó cơ quan điều tra đã cáo buộc và chuyển hồ sơ tới Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái, đề nghị truy tố 14 bị can về tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về vụ án này, luật sư Trần Hoài Văn, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, cáo trạng đã đúng khi khẳng định, các bị can đưa “số thuê bao điện thoại” lên mạng máy tính, mạng viễn thông, nhưng đã sai khi cho rằng, việc “đưa” này là “trái phép”.
Theo luật sư Văn, việc các bị can đã đưa “số thuê bao điện thoại” lên mạng máy tính, mạng viễn thông là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cách Viện kiểm sát quy kết hành vi đã khác về bản chất so với Cơ quan điều tra, khi Cơ quan điều tra cho rằng, các bị can đã “công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông”.
>>Cho thuê "sim rác" bị khởi tố: Vụ án chưa có tiền lệ
Đáng chú ý theo luật sư Trần Hoài Văn, trong hồ sơ vụ án, Kết luận điều tra, cũng như Cáo trạng, không có bất cứ chứng cứ nào phản ánh: Việc đưa “số thuê bao điện thoại” lên mạng máy tính, mạng viễn thông là trái quy định pháp luật. Viện kiểm sát cũng không viện dẫn được bất cứ quy định pháp luật nào, chứng minh cho lập luận này. Và thực tế, trong hệ thống luật Việt Nam, cũng không có điều luật nào cấm đưa “số thuê bao điện thoại” lên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Trong vụ án này, những “số thuê bao điện thoại” mà 4 bị can “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông” gắn liền với “sim rác”. Tức là, những thông tin nhân thân gắn với “số thuê bao điện thoại” đó đều giả mạo. Lời khai các bị can trong hồ sơ thể hiện rõ, họ mua những “số thuê bao điện thoại” (mua sim rác) này trên Internet; họ không liên quan đến quá trình tạo “sim rác”; trong khi Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra không có chứng cứ chứng minh điều ngược lại.
“Thực tế cũng cho thấy, các bị can phải bỏ tiền ra mua “số thuê bao điện thoại” (sim rác), trả phí để sử dụng vụ nhắn tin, cho nên họ không/không thể/không buộc phải xin phép ai đó trước khi “đưa” chúng lên mạng máy tính, mạng viễn thông. Đây là quyền dân sự của họ được pháp luật bảo vệ”, luật sư Trần Hoài Văn nói.
Cũng theo luật sư Trần Hoài Văn, không thể kết luận các bị can đã “sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông”, vì nó không đúng với bản chất hành vi khách quan của các bị can, đồng thời, pháp luật dân sự - thương mại cho phép các bị can có quyền được cho thuê “số điện thoại” mà mình đang sở hữu “quyền sử dụng”.
“Trong vụ án này, dựa vào Kết luận giám định, Viện kiểm sát quy kết các bị can “sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông”, nhưng Kết luận giám định lại không chính xác, do đó, sự quy kết này không có cơ sở pháp lý”, luật sư Trần Hoài Văn nói.
Theo luật sư Trần Hoài Văn phân tích, Kết luận giám định không chính xác bởi 3 lý do: Thứ nhất, Giám định viên đã mắc sai lầm khi dùng Khoản 7, Điều 3, Thông tư 25/2015/TT-BTTTT (Cho thuê số là việc doanh nghiệp viễn thông cho doanh nghiệp viễn thông khác thuê lại quyền sử dụng số thuê bao được phân bổ) để áp dụng cho hành vi “cho thuê sim điện thoại” (bản chất là “cho thuê thuê bao số điện thoại” của Người tiêu dùng). Việc áp dụng này, vừa không đúng với thực tế khách quan, vừa sai về bản chất pháp lý.
Thứ hai, Giám định viên đã mắc sai lầm khi áp dụng Khoản 7, Điều 3, Thông tư 25/2015/TT-BTTTT (Cho thuê số là việc doanh nghiệp viễn thông cho doanh nghiệp viễn thông khác thuê lại quyền sử dụng số thuê bao được phân bổ) & Khoản 1, Điều 25, Thông tư 25/2015/TT-BTTTT (Không được thuê, cho thuê số thuê bao viễn thông không gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông) để kết luận: “chỉ doanh nghiệp viễn thông được quyền cho thuê sim điện thoại và việc cho thuê sim điện thoại phải gắn liền với việc bán lại dịch vụ viễn thông”.
Vấn đề thứ 3 theo luật sư Văn, Giám định viên đã mắc sai lầm khi đồng nhất hành vi “cho thuê sim điện thoại” với hành vi “thuê, cho thuê số thuê bao viễn thông” và khẳng định “cho thuê sim điện thoại” vi phạm Khoản 3, Điều 12, Luật Viễn thông (sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông).
“Tóm lại, do Kết luận giám định không đúng, cho nên việc Viện kiểm sát dựa vào đó, quy kết các bị can “sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông” cũng sẽ không đúng!”, luật sư Văn phân tích.
Cũng liên quan tới vụ án này, phóng viên đã liên hệ với các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái để tìm hiểu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi!
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm