Mua “sim rác” để cho thuê, nhằm kích hoạt các tài khoản trên mạng xã hội phục vụ việc kinh doanh, 14 người bỗng nhiên vướng vòng lao lý vì bị cho là nằm trong đường dây phạm tội có tổ chức…
Đó là câu chuyện về một vụ án liên quan đến “dịch vụ cho thuê sim online” xảy ra tại tỉnh Yên Bái khiến dư luận bất ngờ, bởi, theo pháp luật viễn thông hiện hành, không có quy định nào xử lý hình sự hành vi này.
Theo đó, ngày 04/4/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC02) Công an tỉnh Yên Bái ra Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 19/KLĐT-CSHS đồng thời chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đề nghị truy tố 2 bị can Nguyễn Trung Tính (SN 2001, tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) và Lý Trọng Thiên (SN 2001 tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) về tội: “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra, xác minh xác định để thực hiện hành vi phạm tội, các bị can trong vụ án đã thuê trực tuyến (online) các số thuê bao điện thoại của nhiều nhà mạng khác nhau trên 2 trang mạng (website): https://rentcode.co và https://simthue.com.
Hình thức hoạt động của 2 website nhằm mục đích thu tiền lợi nhuận từ khách hàng thuê sim ảo (qua điều tra xác minh xác định là các sim trả trước đã kích hoạt của các nhà mạng: Viettel, Vinaphone, Mobifone,Vietnammobile, T-Telecom) để nhận mã code (mã code là nội dung tin nhắn SMS ) mục đích tạo lập các tài khoản trên các trang mạng xã hội. Tiền thuê sẽ được tính bằng việc thực hiện nhận được mã code thành công (nhận được tin nhắn SMS) tùy theo thời điểm.
Cụ thể, đối với website rentcode mỗi tin nhắn có giá tiền từ 500đ – 1.000đ, website simthue có giá từ 1.000đ - 2.000đ.
Đáng chú ý, quá trình mở rộng vụ án, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Yên Bái tiếp tục ban hành bản kết luận điều tra (bổ sung) vụ án "Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông"; chuyển hồ sơ đến Viện KSND tỉnh Yên Bái, đề nghị truy tố 14 bị can là những người làm dịch vụ cho thuê sim online.
Cụ thể, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái dẫn kết luận giám định của Giám định viên Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái cho rằng số điện thoại (số thuê bao viễn thông) là thông tin cá nhân. Và chỉ doanh nghiệp viễn thông mới được quyền cho thuê và thuê sim điện thoại gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông; việc cá nhân, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp viễn thông thực hiện hành vi cho thuê sim điện thoại là hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 12 Luật Viễn thông “… sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông…”.
“Để các đối tượng áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng các số sim trả trước đã được kích hoạt của các nhà mạng cho thuê online thu lợi số tiền lên đến hàng tỷ đồng trong một thời gian dài là do có sự buông lỏng trong công tác phát hành sim trả trước của các nhà mạng...”, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái kết luận.
Từ đó đã cáo buộc và chuyển hồ sơ tới Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái, đề nghị truy tố 14 bị can về tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự.
Dư luận cho rằng, vụ án được điều tra, làm rõ, một phần đã thể hiện sự quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo của lãnh đạo, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Yên Bái.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý với sự phân tích của nhiều luật gia, vụ án này còn nhiều “vấn đề” liên quan đến những bị can làm “dịch vụ cho thuê sim online” cần thiết phải được xem xét khách quan, bởi thực tế, pháp luật viễn thông hiện hành chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính, không có quy định xử lý hình sự hành vi này.
Lý giải thêm về điều này, các luật gia cho rằng, hoạt động cung cấp “dịch vụ cho thuê sim online” nói chung nếu có vi phạm pháp luật, chỉ là vi phạm pháp luật về viễn thông, chịu trách nhiệm hành chính theo quy định pháp luật về viễn thông.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN chia sẻ, “dịch vụ cho thuê sim online” tự ra đời bởi nhu cầu thực tế của cộng đồng kinh doanh, đó là để tạo và kích hoạt sử dụng các tài khoản.
Nhu cầu truyền thông, quảng cáo, marketing là nhu cầu tất yếu của các tập đoàn, công ty, nhãn hàng, thương hiệu trong thời đại 4.0. Để thúc đẩy hoạt động này, phải sử dụng rất nhiều những công cụ/nền tảng online như: các mạng xã hội (Facebook, tiktok, zalo…); các phương thức giao tiếp, trao đổi online như email của Google, chat, họp trực tuyến…; các website thương mại điện tử (tiki, lazada, sendo…); các nền tảng kinh tế chia sẻ (grap, be, airbnb…)…
Tất cả những công cụ/nền tảng này đều yêu cầu phải tạo tài khoản trước khi sử dụng. Đó là lý do, cộng đồng truyền thông – quảng cáo – marketing phải có tài khoản, thậm chí là có nhiều tài khoản để phục vụ nhu cầu công việc hàng ngày. Đó là lý do “dịch vụ cho thuê sim online” có đất sống, thậm chí nở rộ trong suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp cho biết, các trường hợp mua, bán, sử dụng sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ để sử dụng cho bất kỳ mục đích gì đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, luật sư Hiệp cho biết, theo điểm c khoản 11 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã nghiêm cấm hành vi “Mua bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước”; Khoản 7 Điều 33 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng đã quy định chế tài “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng” đối với hành vi “Bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho sim thuê bao nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung”, luật sư Hiệp phân tích.
Quay trở lại thông tin sự việc những người kinh doanh cho thuê sim bị khởi tố và đề nghị truy tố tại Yên Bái, giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, có thể có sự nhầm lẫn tại một số kết luận giám định liên quan tới nội dung số thuê bao viễn thông có phải là thông tin cá nhân hay không?
“Không thể căn cứ vào việc sử dụng số điện thoại (gắn với “sim rác”) để cung cấp dịch vụ cho thuê sim online” mà kết luận họ đã “công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cá nhân trên mạng máy tính, viễn thông” được, bởi, thực tế không có “thông tin riêng hợp pháp của cá nhân” nào bị công khai cả!” – Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp nhấn mạnh.
Thông tin trả lời báo chí, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Theo quy định hiện hành chỉ có khái niệm SIM là “thiết bị được sử dụng để gắn số thuê bao và chứa các dữ liệu, thông tin liên quan khác dùng cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ thông tin di động”.
"“Sim rác” là một khái niệm không rõ ràng, không có quy định định nghĩa, đây là cách nói “nôm” mà người dân và xã hội đề cập đến tình trạng SIM có thông tin đăng ký không đúng quy định (có thông tin thuê bao không đầy đủ, không chính xác)", Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
"Phải nhập kèm số chứng minh khi nạp thẻ để ngăn chặn sim rác"
00:23, 05/06/2020
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Xử lý mạnh lãnh đạo nhà mạng nếu còn sim rác
08:36, 08/11/2019
Vấn nạn sim rác còn đến bao giờ?
11:01, 04/10/2019
Nạp tiền điện thoại phải cung cấp số CMND và ngày cấp có chặn được sim rác?
16:19, 05/06/2020
Sẽ xử lý lãnh đạo nhà mạng để SIM rác lũng đoạn thị trường
00:15, 09/04/2019
Bao giờ xử lý sim rác?
05:00, 01/11/2018