24h

Vẫn nhức nhối lừa đảo vay tiền

Khôi Nguyên 15/10/2024 00:30

Hứa hẹn làm thủ tục vay “siêu tốc”, không cần chứng minh tài sản, không cần kiểm tra. Và khi nhận được các khoản phí dịch vụ, phí hồ sơ, kẻ lừa đảo biến mất…

Đây là một trong các chiêu trò lừa đảo nhức nhối dư luận mà cơ quan chức năng liên tục phải cảnh báo lừa đảo. Đáng chú ý, hình thức lừa đảo này tuy không mới nhưng vẫn nhiều người vẫn dễ dàng “sập bẫy”.

van-nhuc-nhoi-lua-dao-vay-tien-1.jpg
Người dân cần cẩn trọng khi vay tiền trực tuyến. Ảnh: Hoàng Thuận.

Đi vay tiền, lại mất tiền

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 400 triệu đồng với thủ đoạn như trên. Theo đó, vào ngày 2/10/2024, do có nhu cầu vay tiền online chị N (SN 1982, trú tại: Cầu Giấy, Hà Nội) có lên mạng xã hội tìm hiểu và truy cập vào một trang web có thông tin vay tiền ngân hàng.

Chị N nhắn tin vay 150 triệu thì được một đối tượng hướng dẫn khai báo thông tin qua đường link. Khi khai báo xong đối tượng thông báo là khoản vay đã được duyệt nhưng chưa rút được do bị sai tài khoản, muốn sửa lỗi sai đó phải nộp 15 triệu đồng.

Chị N chuyển tiền xong nhưng vẫn không rút được tiền. Lúc này đối tượng tiếp tục đưa ra nhiều lý do khác nữa để chị chuyển tiền thì mới được giải ngân. Tổng số tiền chị đã chuyển là gần 400 triệu đồng. Sau đó, chị N nhận ra mình bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Tương tự, trường hợp chị Trần Thị Trâm Anh cũng bị lừa đảo chiếm đoạt gần 150 triệu đồng. Theo lời kể của nạn nhân, do có nhu cầu vay tiền nên chị đã lên mạng tìm hiểu các app online để vay số tiền 30 triệu đồng, sau chị nhận được điện thoại tư vấn từ 1 người lạ bảo tải app vay tiền IBK (Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc). Nhưng tiền vay chưa thấy đâu, chị đã bị trừ gần 150 triệu đồng trong tài khoản theo lời dụ dỗ của các đối tượng.

Cơ quan chức năng cho biết, để thu hút và tìm cách cho nạn nhân sập bẫy thì các đối tượng quảng cáo bằng rất nhiều ưu đãi hấp dẫn như lãi suất cho vay thấp, thủ tục xét duyệt hồ sơ nhanh chóng, đơn giản, thủ tục giải ngân nhanh, không cần chứng minh thu nhập, không cần CMND/CCCD…

Điều đáng nói, các đối tượng đều chuyển số tiền mà khách hàng có nhu cầu vay về ví app IBK nhưng sau đó khách hàng không thể rút được số tiền đó về tài khoản, lúc này các đối tượng nói do lỗi tài khoản và yêu cầu khách hàng phải nộp trước khoản phí 30% thì mới rút được tiền nếu không tài khoản vẫn bị treo và bị tính lãi.

Do lo sợ và đang cần tiền nên khách hàng làm theo nhiều lần, tài khoản vẫn bị treo và tiền vẫn không thể rút từ ví app của họ về được…đến lúc này, nạn nhân mới phát hiện ra mình đã bị lừa.

Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an. Trong năm qua đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng.

Cũng trong thời gian này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được gần 17.400 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến hướng đến người dùng Internet Việt Nam. Trong đó, tổng số tiền người dân đã bị lừa đảo được ghi nhận hơn 300 tỷ đồng.

Nhìn vào những con số trong báo cáo có thể thấy, hoạt động của các loại tội phạm mạng nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng diễn ra ngày càng nghiêm trọng và phức tạp với những thủ đoạn tinh vi, hình thức liên tục thay đổi, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Do đó, việc ngăn chặn, kéo giảm tình trạng này đang ngày càng cấp thiết.

van-nhuc-nhoi-lua-dao-vay-tien-2.jpg
Một số tin nhắn đối tượng lừa đảo trao đổi với nạn nhân. Ảnh: Chụp màn hình.

6 giải pháp ngăn chặn

Vấn đề này cũng nhiều lần làm nóng nghị trường quốc hội, hồi cuối tháng 5/2024 vừa qua, tại Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang diễn ra trên diện rộng và không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, như là một hệ lụy của chuyển đổi số.

Nêu một số các giải pháp Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang thực hiện, Bộ trưởng nêu 6 giải pháp, cụ thể.

Thứ nhất, tuyên truyền vẫn là một giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính lâu dài. Bộ Thông tin truyền thông đã chỉ đạo các báo, đài lớn tổ chức các chuyên mục để cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Đặc biệt, Bộ sử dụng hệ thống thông tin cơ sở là loa phát thanh phường, xã để thông tin thường xuyên tới người dân.

Thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an để xử lý và triệt phá một số đường dây lừa đảo trực tuyến thời gian qua.

Thứ ba, lừa đảo trực tuyến thường sử dụng điện thoại và giả danh cơ quan nhà nước. Vừa qua, Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng đầu tư công nghệ nếu cơ quan nhà nước dùng điện thoại liên hệ với người dân sẽ hiện tên của cơ quan nhà nước trên máy điện thoại di động hoặc điện thoại cố định có màn hình. Trong trường hợp điện thoại cố định không có màn hình, người dân có thể yêu cầu gọi điện lại qua số di động để xác nhận tên cơ quan nhà nước, nếu không có tên thì người dân không nên tin.

Thứ tư, lừa đảo trực tuyến cũng thông qua số điện thoại không chính chủ hoặc sim rác. Gần 5 năm qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo rất mạnh mẽ các nhà mạng xử lý sim rác, nhiều chục triệu sim rác đã được xử lý. Từ ngày 15/4/2024 đã cắt toàn bộ những sim thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư cũng như thực hiện xử lý vấn đề sim chính chủ.

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, nếu Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện sim rác, sim không chính chủ sẽ yêu cầu nhà mạng ngừng kinh doanh phát triển thuê bao mới. Đây là một hình thức xử lý rất nặng đối với các nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của bộ trong xử lý sim rác, sim không chính chủ.

Thứ năm, lừa đảo trực tuyến hay lập các trang web giả mạo của cơ quan nhà nước. Bộ trưởng cho hay, Bộ đã có sáng kiến gán nhãn xanh cho các trang web của cơ quan nhà nước và các tổ chức đã được xác thực. Người dân khi vào các trang web không thấy có nhãn xanh phải cẩn trọng hơn.

Thứ sáu, Bộ đã thiết lập một đầu mối để tiếp nhận phản ánh về các lừa đảo trực tuyến để hỗ trợ người dân.

Trong khi cơ quan chức năng triển khai các biện pháp để ngăn chặn vận nạn này, về phía người dân, các chuyên gia cũng khuyến cáo cần phải hết sức tỉnh táo và nhận biết đâu là app thật hay giả và nên trực tiếp đến ngân hàng giao giao dịch để tránh bị lừa đảo qua mạng.

Bên cạnh đó, mọi khoản vay, người dân nên liên hệ chi nhánh ngân hàng gần nhất nơi mình cư trú hoặc gọi số điện thoại hotline của ngân hàng để được nhân viên hướng dẫn hoàn tất các thủ tục vay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vẫn nhức nhối lừa đảo vay tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO