Hải Dương: 52 tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm nguồn nước kênh thủy lợi

MINH HUỆ 22/12/2021 03:30

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề nghị UBND huyện Cẩm Giàng kiểm tra, xử phạt các trường hợp xả thải không có giấy phép, đã được cấp phép nhưng không thực hiện đúng trong giấy phép.

>>Hải Dương: Phát hiện, triệt phá cơ sở sang chiết trái phép hàng trăm tấn gas

Thời gian gần đây, nhiều hệ thống thủy lợi tại các kênh ở huyện Cẩm Giàng hoạt động không hiệu quả do chất lượng nguồn nước không bảo đảm. Qua cuộc khảo sát tại huyện Cẩm Giàng hiện có 72 tổ chức, cá nhân có hoạt động xả thải vào hệ thống thủy lợi thuộc diện phải cấp phép.

Tuy nhiên mới chỉ có 20 tổ chức, cá nhân có giấy phép xả thải. Còn lại 52 trường hợp chưa có giấy phép theo quy định. Xả thải không phép diễn ra ở các kênh Đò Cậy-Tiên Kiều, Cẩm Đông-Phí Xá, Tràng Kỹ, Kim Sơn...

52 tổ chức, cá nhân ở Cẩm Giàng xả thải không phép vào hệ thống thủy lợi

52 tổ chức, cá nhân ở Cẩm Giàng xả thải không phép vào hệ thống thủy lợi

Kênh Đò Cậy - Tiên Kiều là kênh thủy lợi cấp 2, dài khoảng 10 km tiếp nhận nguồn nước từ kênh Kim Sơn (hay còn gọi là sông Sặt) thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải. Đây là một trong những tuyến kênh chính của huyện Cẩm Giàng, có vai trò bảo đảm tiêu, cấp nước thường xuyên cho toàn bộ diện tích đất canh tác tại các xã Cẩm Đông, Cẩm Đoài, Cao An và thị trấn Lai Cách. Không chỉ tiếp nhận nước thải sinh hoạt và nước từ hoạt động chăn nuôi, tuyến kênh còn là đầu mối xả thải của các doanh nghiệp.

>>>Hải Dương: Doanh nghiệp bị phạt 520 triệu vì san lấp đất trái phép

Theo kết quả quan trắc của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, chất lượng nước mặt kênh Đò Cậy - Tiên Kiều đang ở mức báo động, các thông số kỹ thuật như NO2-N, NH4+-N, COD, E.coli đều vượt xa so với quy chuẩn cho phép. Thậm chí, nhiều chỉ số còn kém nhất trong các tuyến kênh được quan trắc.

Theo phán ảnh của dân ở thôn Nghĩa, thị trấn Lai Cách cho biết: "Đoạn kênh này ô nhiễm từ nhiều năm nay, bốc mùi khó chịu”. Tại khu vực Quán Tiên cũng thuộc thôn Nghĩa, nước tại một số kênh nhánh cũng lờ lờ đen do chưa hòa vào dòng nước mới. Có một thực tế là khi nguồn nước từ sông lớn được bơm vào những tuyến kênh đen thì nước ô nhiễm lại bị đẩy về các xã Cao An, Đức Chính nên các địa phương này cũng không thể bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Cẩm Giàng, nguyên nhân chính khiến nguồn nước bị ô nhiễm là do các cụm công nghiệp và các doanh nghiệp nằm cạnh tuyến kênh xả thải ra.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên tuyến kênh Đò Cậy - Tiên Kiều ( Cẩm Giàng) đang ở mức báo động

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên tuyến kênh Đò Cậy - Tiên Kiều ( Cẩm Giàng) đang ở mức báo động

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã đề nghị UBND huyện Cẩm Giàng kiểm tra, xử phạt các trường hợp xả thải không có giấy phép, đã được cấp phép nhưng thực hiện không đúng điều khoản trong giấy phép. Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi chủ động kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời vi phạm.

Theo ông Lê Văn Trọng - Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Cẩm Giàng, vào mùa mưa, nước trong kênh được lưu thông liên tục nên không quá đáng ngại. Tuy nhiên, vào mùa khô thì vấn đề này trở nên cấp bách, căng thẳng. Bởi đây là tuyến kênh dẫn nước duy nhất cho khu vực này nên không có phương án thay thế. “Xí nghiệp đã đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương xác minh nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm để đưa ra biện pháp khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”, ông Trọng thông tin.

Theo đại diện Chi cục Thủy lợi tỉnh, trong những lý do gây ô nhiễm tuyến kênh thì vi phạm về xả thải là khó phát hiện và cũng khó kiểm soát hơn cả. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước kênh Đò Cậy - Tiên Kiều đang ở mức trầm trọng, chất lượng nước mặt không đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản đề nghị chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp xả thải không theo quy định, gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ nguồn nước của người dân. Mặc dù vậy, đến nay tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong kênh vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Làng nghề mộc Đông Giao chuyển hướng tìm đầu ra

    Hải Dương: Làng nghề mộc Đông Giao chuyển hướng tìm đầu ra

    00:23, 17/12/2021

  • Hải Dương: Nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút vốn FDI

    Hải Dương: Nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút vốn FDI

    01:10, 21/12/2021

  • Hải Dương: Dự án KCN do VIDIFI làm chủ đầu tư giờ ra sao?

    Hải Dương: Dự án KCN do VIDIFI làm chủ đầu tư giờ ra sao?

    17:00, 16/12/2021

  • Hải Dương: Thu hồi hơn 4.500 ha đất phục vụ dự án trọng điểm

    Hải Dương: Thu hồi hơn 4.500 ha đất phục vụ dự án trọng điểm

    01:31, 13/12/2021

MINH HUỆ