Hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
Nhiều quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư sẽ góp phần đồng bộ, hoàn thiện cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này…
>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo
Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2021/NĐ-CP (Nghị định 122) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP (Nghị định 50) ngày 1/6/2016 của Chính phủ.
Bộ KH&ĐT cho biết, từ ngày 1/1/2022, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 có hiệu lực thi hành. Để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật, Bộ KH&ĐT đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 122, trong đó kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định đã được quy định tại các luật, nghị định mới được ban hành.
Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 122 là quy định chi tiết về vi phạm quy định trong lĩnh vực đầu tư (bao gồm: đầu tư công, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP); đấu thầu; đăng ký doanh nghiệp; quy hoạch. So với Nghị định 50, Nghị định 122 đã bổ sung các hành vi trong lĩnh vực: đầu tư theo phương thức PPP; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; quy hoạch; đồng thời nâng mức xử phạt tối đa của nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực KH&ĐT để đảm bảo phù hợp thực tế, đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm.
Trong lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, Nghị định 122 đã bổ sung các quy định mới gồm: vi phạm về chế độ thông tin, báo cáo trong hoạt động đầu tư PPP; vi phạm trong tiểu dự án PPP có cấu phần xây dựng; vi phạm về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP; vi phạm quy định trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP; vi phạm khác về lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP; vi phạm về hợp đồng dự án, doanh nghiệp dự án PPP; vi phạm về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực PPP; vi phạm về thực hiện dự án PPP.
>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục
Trong lĩnh vực đấu thầu, Nghị định dành 7 điều (từ Điều 32 đến Điều 38) để quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Ban soạn thảo cho biết, so với Nghị định 50, Nghị định 122 đã bổ sung một số hành vi vi phạm như: đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu quá thời gian quy định hoặc không thực hiện đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu; áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu và loại hợp đồng không phù hợp với quy mô, tính chất gói thầu; đăng tải hồ sơ mời thầu (HSMT) không thống nhất với nội dung đã được phê duyệt; phát hành HSMT, hồ sơ yêu cầu không đủ điều kiện theo quy định; yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu theo quy định; không gửi thông báo đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật hoặc thông báo không nêu rõ hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về đấu thầu...
Đối với các hành vi vi phạm đã được quy định tại Nghị định số 50 và được kế thừa thì mức xử phạt vi phạm được quy định tại Nghị định 122 đều cao hơn nhằm tăng cường tính răn đe.
Đơn cử, Điều 37 Nghị định 122 quy định phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng đối các hành vi bị cấm trong đấu thầu gồm: can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; chuyển nhượng thầu trái phép.
Bên cạnh đó, Nghị định 122 còn quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Các hành vi vi phạm gồm: vi phạm quy định về lập, phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất (phạt tối đa 30 triệu đồng); vi phạm quy định về HSMT, hồ sơ yêu cầu (phạt tối đa 50 triệu đồng); vi phạm quy định về tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất (phạt tối đa 150 triệu đồng); vi phạm về hợp đồng lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (phạt tối đa 70 triệu đồng).
Các quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong Nghị định 122 được quy định rõ ràng, cụ thể, dễ áp dụng trong thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt trong quá trình thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Quy định xử phạt vi phạm hành chính về tổ chức tuyển sinh còn chưa phù hợp
04:00, 23/12/2021
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch còn chưa phù hợp
04:00, 20/10/2021
Nghị định xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường thủy nội địa… chưa hợp lý
04:00, 20/04/2021
Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo tạo chồng lấn
04:30, 14/07/2020