Hải Phòng xác minh việc tập kết rác thải Diễn đàn Doanh nghiệp đã nêu

LAN VŨ - THU HÀ 22/01/2022 04:00

UBND TP Hải Phòng giao Sở TNMT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thuỷ Nguyên khẩn trương kiểm tra, xác minh và chỉ đạo giải quyết vấn đề Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp nêu.

>>Hải Phòng: Hàng trăm tấn rác thải công nghiệp tập kết trái phép trên đê?

Trước đó, ngày 15/1, Diễn đàn Doanh nghiệp có đăng tải bài: Hải Phòng: Hàng trăm tấn rác thải công nghiệp tập kết trái phép trên đê?, tại xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên.

Ngay sau khi đăng tải, ngày 17/1/2022, Sở TTTT Hải Phòng có Văn bản số 26/BC-STTTT báo cáo đề xuất UBND TP Hải Phòng xử lý thông tin Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 15/1/2022 đăng bài trên.

Ngày 20/1/2022, UBND TP Hải Phòng có Công văn số 496/UBND-BC về việc kiểm tra, xử lý thông tin Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp nêu.

Theo đó, UBND TP Hải Phòng có ý kiến: Giao Sở TNMT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thuỷ Nguyên và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh và chỉ đạo giải quyết vấn đề Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp nêu, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện.

Công văn của UBND TP Hải Phòng

Công văn của UBND TP Hải Phòng

Liên quan đến nguồn gốc, quy trình mua bán số rác thải công nghiệp được tập kết tại thôn Đồng Quán, xã Hoa Động trên khu đất của ông Trần Quang Tùng thuê của UBND huyện Thuỷ Nguyên, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi làm việc với ông Trần Anh Toản là cháu của ông Tùng hiện đang ở, tập kết rác tại ví trí thửa nêu trên.

Ông Toản cho biết, số rác trên được thu mua của phần lớn doanh nghiệp giầy da tư nhân, mua lại của các doanh nghiệp xử lý môi trường, như: môi trường xanh Hải Dương, môi trường Minh Tân, môi trường xanh Vĩnh Phúc, môi trường An Sinh (Hải Dương)…

"Khi họ lấy tiền của doanh nghiệp có phế thải, họ không đốt, họ mang lại cho tôi, từ vải vọc đến đế giầy. Doanh nghiệp có phế thải, rác thải phải trả tiền 3.000 đồng/kg cho công ty xử lý. Với 1 xe 10 tấn, phải trả cho các doanh nghiệp xử lý mất hơn 20 triệu, doanh nghiệp chịu sao được" – ông Toản cảm thán.

Ông Toản cho biết thêm, những thứ như bavia, vải tôi đều đưa lên bán nhà máy xi măng Bút Sơn (Hà Nam), xi măng Hạ Long. Hôm nay (18/1/2022) bốc 1 xe ở giầy dép số 5 cũng đi lên Hà Nam, mỗi ngày đốt hàng nghìn tấn thì mới hết. Ông Toản còn cho biết, ở Hải Phòng cơ sở còn bán cho lò gạch Nam Phố. "Họ tái chế mỗi ngày 5 tấn nhưng họ lấy hợp đồng của nhiều đơn vị, một tuần chỉ lấy của chúng tôi chỉ có 2 xe. Họ lấy của đơn vị xử lý môi trường thì rẻ hơn, còn tôi là buôn lại. Ngoài ra còn bán ở Hà Nội, Bắc Ninh…".

>>Hải Phòng: Hàng trăm tấn rác thải tập kết trái phép được yêu cầu chuyển đi đâu?

Theo ông Toản, cơ sở của ông mua vào với giá thấp nhất là 400 đồng/kg, bán được 2.000 đồng/kg, trù tiền công bốc xếp, vận chuyển, tính ra chỉ còn được 400 – 500 đồng/kg.
"Vừa rồi tôi vào môi trường Nghi Sơn (Thanh Hóa), có 40 tấn hàng đẹp, chúng tôi trả 10.000 đồng/kg rồi chưa bán mà hàng này là hàng tiêu hủy", ông Toản nói.

Chỉ vào những đống hàng đẹp, được sắp xếp gọn gàng trong kho, trong bãi có mái che, ông Toản chia sẻ: "hàng này là chúng tôi mua, đem đốt thì chúng tôi vỡ nợ luôn".

Khi được hỏi, việc vận chuyển, buôn bán phế liệu có hoá đơn chứng từ, có được phép hay không thì ông Toản cho biết, không có bất kỳ hoá đơn, chứng từ nào cả. Cứ ra khỏi cổng công ty là không còn giấy tờ gì, họ thu lại hết. Muốn vào công ty thu mua, chở phế liệu ra ngoài phải liên hệ cho cán bộ hoặc nhân viên trong công ty, phải gọi điện đích danh người đấy, người đấy đồng ý gặp thì mới được vào. Sau đó, họ phát cho cái giấy, lưu biển số xe, giữ chứng minh thư nhân dân. Khi ra cổng công ty phải có chữ ký của người đó, hoặc lấy một mẫu gì phải có mẫu đấy thì mới được cầm ra, chứ không được mang gì ra hết. Đó là quy chế của môi trường.

Rác thải là đế giày dép nằm la liệt trên bãi đất rộng hàng trăm m2

Rác thải là đế giày dép nằm la liệt trên bãi đất rộng hàng nghìn m2

Khi PV trao đổi, như biên bản của UBND xã Hoa Động có yêu cầu di chuyển toàn bộ số rác thải được tập kết tại đây trước ngày 28/1/2022, anh có di chuyển đi không, ông Toản trả lời là không. "Tôi chỉ cam kết là 3 tháng anh bán đi, không chở về nữa. Hàng chuyển đi, không chở về nữa. Giờ tôi phải sinh sống, và được tự do kinh doanh. Những thứ này tôi đều mua hết, tôi còn mua được cả chất thải nguy hại để bán nữa", ông Toản nói.

Và khi được hỏi, ai dám bán chất thải nguy hại cho anh, ông Toản cho biết sao không mua được. Có cò, có kênh, mua được cũng phải qua rất nhiều kênh, chứ có phải đơn giản là mua được bán được đâu.

Cuối cùng ông Toản nhấn mạnh: "ngày 20/12/2019 Bộ TNMT cho phép doanh nghiệp xi măng, thép được tận thu rác thải công nghiệp làm nguyên liệu đốt lấy nhiệt. Rác thải là tài nguyên quốc gia được tận thu, tận gom, tận sử dụng và được xử lý triệt để, tôi không chứa chất thải ở đây làm gì".

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: 6 tấn rác công nghiệp tập kết trái phép đã được chuyển đi?

    Hải Phòng: 6 tấn rác công nghiệp tập kết trái phép đã được chuyển đi?

    11:00, 16/09/2021

  • Quảng Ninh: Lời giải cho bài toán quy hoạch xử lý rác thải, nước thải

    Quảng Ninh: Lời giải cho bài toán quy hoạch xử lý rác thải, nước thải

    03:12, 17/01/2022

  • Hải Phòng: Hàng trăm tấn rác thải công nghiệp tập kết trái phép trên đê?

    Hải Phòng: Hàng trăm tấn rác thải công nghiệp tập kết trái phép trên đê?

    11:00, 15/01/2022

  • Giải pháp nào

    Giải pháp nào "giải cứu" khu xử lý rác thải Nam Sơn?

    11:09, 24/12/2021

LAN VŨ - THU HÀ