Vì sao loạt ngân hàng khởi kiện một công ty con của Lọc hoá dầu Bình Sơn?
Do quá hạn thanh toán gần 1.400 tỷ đồng, 3 ngân hàng đã khởi kiện Công ty Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung – công ty con của Lọc hoá dầu Bình Sơn lên toà án…
>>PVN phản hồi về những vi phạm pháp luật của đối tác HDI Global SE tại PVI
Ba ngân hàng cùng khởi kiện
Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) cuối tuần qua đã có văn bản giải trình về kết quả kinh doanh và việc ba ngân hàng cùng khởi kiện đòi nợ một công ty con của BSR là Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF).
Cụ thể, trong bản giải trình do Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương ký cho biết, về vụ việc tại BSR-BF, trong năm 2021, các ngân hàng đã cấp tín dụng cho BSR-BF là Ngân hàng TM TNHH MTV Đại dương (OceanBank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã khởi kiện BSR-BF lên Toà án Nhân dân TP. Quảng Ngãi.
Nguyên nhân ba ngân hàng này khởi kiện là do liên quan đến các khoản vay quá hạn thanh toán hợp đồng tín dụng xây dựng Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Dung Quất. Văn bản giải trình này của BSR đưa ra sau khi báo cáo tài chính năm 2021 của công ty được Công ty kiểm toán Deloitte nhấn mạnh.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính liên quan tới vụ việc, tổng nợ gốc và lãi vay hợp đồng tín dụng xây dựng nhà máy Nhiên liệu Sinh học Dung Quất là khoảng 1.371,9 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2020 là khoảng 1.339,3 tỷ đồng).
Tại ngày 31/12/2021, giá trị ghi sổ còn lại của toàn bộ tài sản cố định hữu hình dùng làm thế chấp cho các khoản vay trên là khoảng 1.217,7 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2020 là khoảng 1.290,9 tỷ đồng).
BSR cũng cho biết, Toà án Nhân dân TP. Quảng Ngãi đang trong quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị xét xử vụ kiện trên.
“Trong thời gian vụ kiện chưa xử lý xong, CTCP Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung vẫn hoạt động bình thường”, BSR khẳng định.
>>PVN sẽ khởi kiện HDI Global SE?
Nợ và lỗ đều vượt 1.000 tỷ
Dự án Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Dung Quất (Bio-Ethanol Dung Quất) được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao cho công ty con là BSR, sau đó BSR lại giao tiếp cho công ty BSR-BF (con của BSR) làm chủ đầu tư và khởi công tháng 9/2009.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 80 triệu USD (gần 1.900 tỷ đồng), công suất thiết kế 100 triệu lít/năm.
Ngày 30/3/2010, OceanBank ký hợp đồng trở thành ngân hàng đầu mối thu xếp vốn cho Dự án Ethanol Dung Quất. Tổng trị giá hợp đồng là hơn 45,5 triệu USD và 70,5 tỷ đồng. PVCombank Đà Nẵng và Vietcombank Dung Quất là ngân hàng đồng tài trợ vốn.
Đến tháng 3/2012, sản phẩm đầu tiên ra lò được bán ra thị trường. Nhưng không bao lâu, đến tháng 4/2015 nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động bởi thua lỗ khi sản phẩm không được người tiêu dùng ưa chuộng, cộng với chi phí sản xuất tăng dẫn đến thua lỗ.
Đây cũng là dự án thuộc danh sách 12 đại dự án thua lỗ Thủ tướng Chính phủ giao ngành Công thương phải xử lý. Tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất của BSR 2021, BSR-BF vẫn đang thực hiện các thủ tục quyết toán chi phí đầu tư xây dựng. Giá trị quyết toán nhà máy sẽ được điều chỉnh khi có phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
Tại ngày 31/12/2021, nợ ngắn hạn của BSR-BF vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.330 tỷ đồng, lỗ lũy kế của BSR-BF là 1.243 tỷ đồng và nợ quá hạn thanh toán là 926 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
PVN phản hồi về những vi phạm pháp luật của đối tác HDI Global SE tại PVI
07:00, 08/07/2021
PVN sẽ khởi kiện HDI Global SE?
07:30, 02/07/2021
Tập đoàn Dầu khí (PVN) phản hồi về giao dịch cổ phiếu PVI của HDI
04:30, 29/09/2020
DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT TUẦN TỪ 31/8-5/9: Vì sao PVN mất quyền quản trị tại PVI?
15:00, 06/09/2020