Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Có cần duy trì 2 quỹ?
Việc duy trì đồng thời "Quỹ dự trữ bắt buộc" và "Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm" là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm.
>>Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Còn những quy định trúc trắc, khó hiểu
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm tại Phiên họp thứ 9 Đợt 2 về việc cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), ngày 22/3.
Dự án luật này đã được đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2. Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Hai vấn đề lớn được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này là quy định về “bảo hiểm vi mô” và về "Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Tuy nhiên, để bảo đảm kết cấu chung của dự thảo Luật cũng như tính khả thi, đề nghị chỉ quy định nguyên tắc triển khai, đối tượng được triển khai và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.
Liên quan Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, theo ông Vũ Hồng Thanh, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 2 Quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
"Việc duy trì đồng thời cả 2 Quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết cơ quan thẩm thống nhất với quan điểm dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ.
Trước ý kiến đề nghị bỏ Quỹ, ông Hồ Đức Phớc bày tỏ quan điểm muốn giữ quỹ này vì “ví dụ vấn đề thiên tai, dịch bệnh thì doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể khó khăn. Nhà nước có công cụ nào để can thiệp vào đây?”.
Dẫn trường hợp vừa qua có quỹ bảo hiểm thất nghiệp nên mới thực hiện chia sẻ cho người lao động, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng quỹ trong luật này cũng để chia sẻ cho người bảo hiểm, tuy nhiên có thể hạ xuống mức thấp hơn hiện tại.
“Đề nghị duy trì quỹ này và giao cho Chính phủ quy định. Hiện có 1.000 tỷ đồng trong Quỹ, chưa chi đồng nào vì mục đích của Quỹ chỉ hỗ trợ cho người bảo hiểm chứ không chi cho việc khác”, ông Hồ Đức Phớc cho biết thêm.
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng khi trình Quốc hội cần làm rõ tiếp thu giải trình thế nào, so với dự thảo trình lần 1 thì chỉnh lý, rà soát bao nhiêu điều, đảm bảo mục đích, yêu cầu đặt ra hay chưa? Tránh việc “tam sao thất bản”, “gọt” xong lại khác so với yêu cầu ban đầu, trình ra Quốc lại đưa đại biểu vào thế khó khăn trong quyết định.
>>Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Hiệu lực thi hành Luật là 1/1/2023
“Bảo hiểm là vô cùng quan trọng. Cuộc sống mà không có bảo hiểm như đi cầu thang mà không có tay vịn. Quan điểm của Đảng luôn đẩy mạnh các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như ngân hàng, bảo hiểm, logistics, có thể cao hơn nhiều lần so với tốc độ GDP, và cần phù hợp với môi trường kinh doanh số”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về các loại hình bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn khi không rõ ý đồ đưa ra để làm gì vì có nhiều cách phân loại khác nhau. Rồi hợp đồng bảo hiểm là quan trọng với nhiều bên như bảo vệ lợi ích của người cung cấp dịch vụ, người làm hợp đồng, và người thụ hưởng bảo hiểm, song đôi khi người ký hợp đồng bảo hiểm nhưng lại cho người khác. Do đó cần rà soát kỹ, nghiên cứu thêm.
Ở góc độ khác, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tớ cho rằng trong luật có quy định “người mua và người bán, các bên chịu tính chính xác trung thực của thông tin”. Nhưng nếu sử dụng thông tin không đúng mục đích bảo hiểm có xử lý được hay không?
Thực tế, có việc các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có thông tin của người mua sau đó chuyển cho doanh nghiệp khác, thậm chí chuyển ra nước ngoài. Do đó cần quy định việc sử dụng thông tin cá nhân đúng mục đích thông tin.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về Bảo hiểm vi mô nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể chi tiết vì cái này gắn liền với an sinh xã hội người nghèo, người hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để hoàn thiện lại.
Liên quan vấn đề khai thác dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm mà ông Lê Tấn Tới đặt ra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết dữ liệu phục vụ cho nhà quản lý, pháp luật nhà nước nhưng cũng phục vụ cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, tuy nhiên việc cung cấp phải phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân.
“Có thể sau này chúng ta phải xây dựng phí khi khai thác dữ liệu kinh doanh bảo hiểm, ví dụ như dữ liệu dân cư có những dữ liệu phải thu phí”, ông Hồ Đức Phớc nói.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi còn nhiều chồng chéo
03:30, 08/02/2022
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Còn những quy định trúc trắc, khó hiểu
04:30, 27/10/2021
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Hiệu lực thi hành Luật là 1/1/2023
15:58, 25/10/2021
Hôm nay, Quốc hội họp về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
06:00, 22/10/2021
Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm: Mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài
04:10, 20/10/2021
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi: Nhiều thay đổi tích cực
05:30, 10/09/2021
Dự thảo luật kinh doanh bảo hiểm... khó thực thi
04:10, 23/07/2021