Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Cần sớm đệ đơn khởi kiện
Trao đổi với DĐDN về vụ xuất khẩu điều bị lừa, ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, cho rằng các doanh nghiệp có liên quan cần sớm đệ đơn lên tòa án khởi kiện.
>> Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Cần khẩn cấp chống lừa đảo quy mô lớn
- Được biết, các doanh nghiệp Việt Nam đã tái xuất khẩu được sang Hà Lan 8 container hạt điều có chứng từ gốc trong vụ 100 container hạt điều xuất sang Italy. Vậy triển vọng những containers còn lại có chứng từ gốc sẽ được xử lý thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Đối với những lô hàng điều xuất khẩu có chứng từ gốc sẵn thì các doanh nghiệp sẽ chủ động các hướng xử lý tiếp theo, có thể tìm đối tác khác tại Italy và Châu Âu. Đối với những container mất chứng từ gốc, chúng tôi cũng phải chuẩn bị các phương án để xử lý kịp thời. Ví dụ như chúng tôi đã trao đổi với hãng tàu và cảng để có thể đưa hàng về kho ngoại quan thì chi phí rẻ hơn, đồng thời có thể dỡ hàng ra kho để hàng đỡ bị hâm nóng trong container nhằm tránh việc hàng hóa bị hỏng...
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tìm các Việt Kiều tại Italy có kho xưởng để có thể lưu containers với chi phí rẻ, đồng thời tìm kiếm các nhà phân phối uy tín tại Italy và các nước ở Châu Âu để ngay sau khi các doanh nghiệp Việt Nam nắm quyền kiểm soát các containers còn lại, thì có thể tiến hành thủ tục bán lại cho người mua mới, tránh chi phí lưu kho tăng dần cũng như tránh tình trạng chất lượng hạt điều bị giảm và hỏng dần.
- Các cảng Genova và La Spezia chiếm tới 50% lượng container Italy xuất-nhập khẩu với thế giới, trong đó có Việt Nam. Vậy Thương vụ Việt Nam tại Italy đã có động thái nào để kiểm soát các container, mà các doanh nghiệp Việt Nam mất kiểm soát bộ chứng từ, sẽ cập các cảng này trong thời gian tới, thưa ông?
Vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã lái xe hơn 500 km từ thủ đô Roma đến cảng La Spezia để làm việc với Cảnh sát kinh tài Italy và các hãng tàu có đại diện chi nhánh tại La Spezia, Ban quản lý Cảng và Chính quyền cảng.
Thông qua buổi làm việc này, Cảnh sát kinh tài (Guardia di Finanza) La Spezia và Chính quyền cảng La Spezia cam kết sẽ phong tỏa các containers về cảng liên quan đến vụ việc này trong thời gian tới, tạm giữ không giao cho ai và phối hợp với phía Việt Nam nếu có thông tin về các đối tượng lừa đảo kia.
Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã gửi các loại Công hàm, công văn đi khắp các cơ quan liên quan ở Italy, vừa để đánh động không giao hàng cho nhóm lừa đảo, vừa lên đường lái xe đi gần 700km đến cảng phía Bắc Genova, rồi lại quay về cảng phía Nam 300km Napoli... để kịp thời ngăn chặn không cho kẻ xấu có bộ chứng từ gốc nhận hàng.
Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan Bộ ngành, địa phương, các luật sư để kịp thời đưa ra các lệnh phong tỏa các containers có liên quan đến vụ việc này tới cảng.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết 21 containers còn lại sẽ đi tới các cảng La Spezia và Genova, trong đó có 6 containers sẽ cập cảng La Spezia vào ngày 26/3 tới, và 2 container sẽ tới cảng này từ ngày 28- 29/3 tới. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng ở Italy để xử lý kịp thời khi các containers này cập cảng.
>> Vụ xuất khẩu điều nghi bị lừa: Doanh nghiệp đã tái xuất 8 container sang Hà Lan?
- Theo ông, về phía các cơ quan chức năng ở Việt Nam cần tiếp tục hành động như thế nào để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp trong vụ việc này?
Như tôi đã đề nghị, nếu phía Việt Nam nhanh chóng có phán quyết khẩn cấp của Trung tâm Trọng tài Quốc tế và/ hoặc của Tòa án kinh tế TP. HCM thì các hãng tàu tại Việt Nam sẽ dừng không giao hàng cho người nhận, kể cả có bộ chứng từ gốc.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm rất quan tâm đến vụ nghi lừa đảo quốc tế này, vì nó gây thiệt hại kinh tế lớn cho các doanh nghiệp có liên quan của Việt Nam cũng như tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Do đó, các cán bộ Bộ Công an đã đến gặp tôi khi tôi về Việt Nam trong 2 ngày (chịu tang nhạc mẫu) để trao đổi về vụ việc.
Tôi đã đề xuất với Hiệp hội Điều Việt Nam và các doanh nghiệp liên quan rằng, nếu khởi kiện thì trao đổi và tiến hành thủ tục ngay với các cơ quan công an. Tuy nhiên, đến ngày 24/3 vẫn chưa thấy nộp đơn. Thông thường, nếu có phán quyết của Tòa án thì mọi việc sẽ được xử lý nhanh chóng, các hãng tàu sẽ trao trả lại quyền sở hữu lô hàng cho người bán. Khi có quyền sở hữu lô hàng thì mới có thể làm các thủ tục bán cho người mua mới. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần làm việc với các luật sư để hoàn thiện hồ sơ, đệ đơn lên tòa án, tìm phương án pháp lý nhanh nhất để giành lại quyền sở hữu hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm
Vụ xuất khẩu Điều bị lừa: Lộ diện người mua chính là kẻ lừa đảo?
06:20, 25/03/2022
Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Giải pháp hạn chế tối đa lừa đảo
03:32, 24/03/2022
Từ vụ xuất khẩu điều nghi bị lừa và bài học pháp lý cho doanh nghiệp?
04:30, 21/03/2022
Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Các giải pháp tránh tổn thất
03:40, 20/03/2022
Vụ xuất khẩu điều có nguy cơ bị lừa: Chọn đối tác là khâu quyết định
03:30, 19/03/2022