Nghệ An: Ngang nhiên san bạt cả quả đồi, chính quyền không biết?

CAO SƠN 12/04/2022 03:30

Dùng máy móc đào bới san phẳng cả quả đồi rộng hàng héc ta nằm sát khu dân cư và chỉ cách Quốc lộ 48C chừng 50m trong cả một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương vẫn không hay biết.

>>Nghệ An: Đổi đất ở xây công trình, nhiều hộ dân lâm vào cảnh “ở nhờ”

Vào một ngày đầu tháng 4/2022, theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi có mặt tại khu vực đất lâm nghiệp đã bị san phẳng tại bản Khúa, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Trước mắt là một quả đồi rộng lớn, có đến hàng héc ta đất đá đã bị đào bới nham nhở, san gạt thành mặt bằng với vết tích còn khá mới. Tại hiện trường, không còn có máy múc và phương tiện thi công nhưng trên nền đất đã được san gạt còn hằn nhiều vết lốp xe cơ giới và vết cào cấu của gàu máy múc in trên vách đá non. Phía dưới chân đồi, trên diện tích đất đã được làm bằng nhiều cây keo non đã được trồng lên.

Một người dân sống ở bản Khúa cho biết: “Dân địa phương ở đây chỉ dùng máy múc để đào làm đường vào trồng hoặc khai thác keo, không bao giờ huy động máy móc để san gạt làm mặt bằng để trồng keo vì làm như vậy quá tốn kém và không cần thiết. Những người này mang máy xúc và xe tải vào đào bới, san gạt cả tuần lễ với mục đích tạo mặt bằng để làm xưởng gỗ bóc. Việc trồng cây keo con lên trên diện tích đất mới san gạt là để ngụy trang che mắt nhiều người”.

Vùng đồi ở bản Khúa, xã Châu Lý bị ông An thuê máy múc về đào bới nhiều ngày

Vùng đồi ở bản Khúa, xã Châu Lý bị ông An thuê máy múc về đào bới nhiều ngày

Cũng theo phản ánh của người dân địa phương, từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2022, người dân thấy nhiều người đưa máy xúc, xe tải vào khu vực đất canh tác lâm nghiệp của một số hộ gia đình trong bản để chặt cây rồi đào bới, san gạt với quy mô lớn. Sau nhiều ngày đào bới thì cả quả đồi rộng hàng héc ta đã bị san phẳng. Đất đá được san gạt từ trên cao rồi đắp thành mặt bằng rộng hàng ngàn mét vuông ở phía dưới. Một khối lượng lớn đất còn bị những người thi công xúc lên xe ben để chở đi san lấp mặt bằng ở nơi khác.

Tại biên bản kiểm tra hiện trường vào lúc 8h, ngày 3/3/2022 của UBND xã Châu Lý với sự tham gia của lãnh đạo UBND xã, địa chính, kiểm lâm địa bàn xã Châu Lý và trưởng bản Khúa thì tại thời điểm kiểm tra, Đoàn công tác nhận thấy có một máy xúc đang hoạt động đào, san gạt đất với diện tích đã san gạt khoảng 8.000 m2, có một số vùng đất sau khi san gạt đã trồng cây keo giống.

>>Nghệ An: “Đau đầu” xử lý dự án “treo” tại TP Vinh

>>Nghệ An: Nhiều dự án xử lý rác thải đầu tư theo kiểu "chắp vá"?

Qua xác minh của Đoàn công tác được biết, máy xúc là do ông Mạnh Trọng An, thường trú tại xóm Khánh Quang, xã Châu Quang (huyện Quỳ Hợp) thuê về để san gạt đất. Theo trình bày của ông An, đất này ông đã mua lại của 5 hộ dân bản Khúa. Khu vực đất này đã được các hộ dân nói trên sử dụng canh tác từ năm 1995 đến nay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Quành, Chủ tịch UBND xã Châu Lý cho biết, sau khi dân phản ánh có 5 hộ dân bán đất rừng cho 1 cá nhân ở xã Châu Quang để làm xưởng bóc gỗ, xã đã yêu cầu dừng các hoạt động san gạt và họ đã dừng và trồng keo lên. Chủ tịch UBND xã Châu Lý cũng khẳng định, nguồn gốc đất là đất lâm nghiệp chưa được nhà nước giao đất, các hộ dân bán “chui” trái quy định của pháp luật.

Mặc dù hành vi san ủi, múc đất của ông An là trái với quy định nhưng biên bản lập cũng chỉ yêu cầu ông An làm các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để được sử dụng hợp pháp và theo đúng mục đích của diện tích đất nói trên; đồng thời giao cho bản Khúa giám sát việc thực hiện của ông An.

“Việc đào bới, san gạt đất nói trên của ông An đã diễn ra được một thời gian khá lâu thì UBND xã mới phát hiện. Do khu vực nói trên nằm khuất sau đồi keo của người dân nên việc đào bới, san gạt đã diễn ra được một thời gian và diện tích san gạt đã khá lớn thì xã mới phát hiện khi thấy xe tải chở đất thừa đi ra ngoài đường lớn. Diện tích đất đã bị đào san ủi rộng khoảng hơn 1ha, là đất rừng sản xuất và không có dự án hay nhà xưởng nào được cơ quan chức năng quy hoạch để xây dựng tại khu đất này. Việc đào bới, san gạt của ông An là tự phát và khi phát hiện sự việc thì UBND xã Châu Lý đã yêu cầu dừng ngay việc làm nói trên. Xã chưa báo cáo lên huyện, chỉ yêu cầu trồng lại keo và làm thủ tục tiếp theo theo quy định của pháp luật”- ông Quành nói.

Ngoài vụ việc trên, vừa qua, tại tỉnh Nghệ An vừa qua còn xảy ra một số vụ phá rừng. Vào ngày 4/4/2022, tại lực lượng chức năng huyện Quỳ Châu phát hiện tại chặt phá rừng tại lô 16 khoảnh 4 và lô 3 khoảnh 3 tiểu khu 171, rừng Túm Lụm, thuộc địa phận bản Luồng Lạnh, xã Châu Bính. Qua đo đếm, khu vực rừng bị chặt phá có 95 cây gỗ bị đốn hạ; trữ lượng rừng/diện tích chặt phá là 15,287m3; trữ lượng cây rừng bị thiệt hại/diện tích chặt phá là 7,196m3; chưa phát hiện đối tượng vi phạm.

Nhiều vết tích của phương tiện cơ giới thực hiện việc thay đổi hiện trạng đất lâm nghiệp

Nhiều vết tích của phương tiện cơ giới thực hiện việc thay đổi hiện trạng đất lâm nghiệp

Cũng theo biên bản kiểm tra được lập sáng 17/3/2022 của Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều cây gỗ đã bị chặt hạ, dấu chặt còn mới, gỗ đang nằm nguyên cạnh gốc. Các cây bị chặt hạ thuộc lô 8, khoảnh 1, tiểu khu 416, thuộc rừng sản xuất do Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn quản lý, tại bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng sau đó lại có những kết quả bất nhất trong những biên bản kiểm tra hiện trường; những dấu hỏi về mục đích phá rừng chưa được làm rõ...

Trước sự việc trên, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công văn số 2443/UBND-NN ngày 8/4/2022 gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Kỳ Sơn yêu cầu phối hợp kiểm tra xử lý vấn đề liên quan đến vụ phá rừng ở vùng biên giới xã Nậm Cắn. UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các bên liên quan báo cáo kết quả về Thường trực Tỉnh ủy (qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 20/4/2022.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều sai phạm tại Công ty Thủy lợi Bắc Nghệ An

    Nhiều sai phạm tại Công ty Thủy lợi Bắc Nghệ An

    11:30, 11/04/2022

  • Nghệ An: Đổi đất ở xây công trình, nhiều hộ dân lâm vào cảnh “ở nhờ”

    Nghệ An: Đổi đất ở xây công trình, nhiều hộ dân lâm vào cảnh “ở nhờ”

    03:30, 09/04/2022

  • Nghệ An: “Đau đầu” xử lý dự án “treo” tại TP Vinh

    Nghệ An: “Đau đầu” xử lý dự án “treo” tại TP Vinh

    00:06, 07/04/2022

  • Nghệ An: Nhiều dự án xử lý rác thải đầu tư theo kiểu

    Nghệ An: Nhiều dự án xử lý rác thải đầu tư theo kiểu "chắp vá"?

    03:30, 05/04/2022

CAO SƠN