Nhiều vướng mắc liên quan đến đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Đó là nhận định của PCT VCCI tại Tọa đàm “Rà soát-kiến nghị các quy định pháp luật, thủ tục hành chính liên quan đến nhập khẩu, mua sắm và đấu thầu trang thiết bị y tế và thuốc tân dược” ngày 8/7.
>>8/07: Tọa đàm “Rà soát quy định pháp luật về mua sắm, đấu thầu thuốc và thiết bị y tế”
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở y tế của nhiều địa phương trên cả nước làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người bệnh. Đặc biệt tại TP.HCM, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế theo phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc các cử tri nhân sĩ, trí thức ở TP.HCM ngày 21/6/2022 vừa qua, được ví như cuộc “khủng hoảng về y tế” và yêu cầu TP.HCM cần sớm ngăn chặn khủng hoảng y tế.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, ngày 30/12/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nghị quyết này đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng cũng như trong công tác y tế nói chung.
Ngoài ra, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh ngày 20/6/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, không để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
“Thực trạng trên ngoài nguyên nhân chủ quan do việc sợ sai, ngại đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như: quy trình mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế chưa hoàn chỉnh; bất cập pháp lý về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; quy định pháp luật về nhập khẩu trang thiết bị y tế, dược phẩm còn nhiều bất cập, từ những bất cập về yêu cầu danh mục hồ sơ, tình hình phân loại trang thiết bị y tế, thủ tục cấp số lưu hành, cho đến thời gian giải quyết các thủ tục”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.
>>Hai lỗ hổng cho “thổi giá” trang thiết bị y tế
Qua rà soát của Bộ Y tế cho thấy, đến ngày 31/12/2022, có 9.797 số đăng ký lưu hành sẽ hết hiệu lực. Còn tính theo mốc hết hạn vào ngày 30/6, đã có 7.718 hồ sơ gửi tới xin gia hạn, gồm 5.609 hồ sơ thuốc nội, 1.874 hồ sơ thuốc ngoại và 235 hồ sơ liên quan đến vaccine, sinh phẩm.
Phó Chủ tịch VCCI đánh giá, thực trạng trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng, gây đứt gãy hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc, gây thiếu thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch của ngành y tế trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Nguyên nhân chủ yếu theo ông Võ Tân Thành là do bất cập về quy trình, hồ sơ gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Theo Luật Dược 2016, hồ sơ gia hạn đăng ký lưu hành gồm nhiều tài liệu, giấy chứng nhận khác nhau, đặc biệt các giấy tờ pháp lý chứng minh việc lưu hành thuốc; quy trình thẩm định, xác thực giấy tờ theo Luật Quản lý dược quá phức tạp, mất nhiều thời gian, phải xác thực 100 % các loại giấy tờ mà không áp dụng cơ chế quản lý rủi ro mặt dù tại thời điểm gia hạn thuốc không thay đổi nội dung về kỹ thuật, chỉ thay đổi về mặt hành chính.
Theo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, khó khăn lớn nhất là do cách hiểu không thống nhất đối với cùng một văn bản pháp luật nên mất rất nhiều thời gian để giải trình, làm rõ. Ví dụ như cách hiểu khác nhau về việc áp dụng cơ chế gia hạn đối với các thuốc và nguyên liệu làm thuốc có số đăng ký lưu hành hết hiệu lực từ ngày 31/12/2021 đến trước ngày 31/12/2022 mà không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn ảnh hưởng dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15.
“Một số ý kiến cho rằng, các mặt hàng thuốc này sẽ được tự động gia hạn mà doanh nghiệp không phải làm thêm bất kỳ thủ tục gì, nhưng một số khác lại cho rằng phải được Bộ Y tế cấp phép gia hạn. Thực tế, một số thuốc đã được doanh nghiệp nhập về nhưng vì cách hiểu khác nhau này nên không thể tham dự thầu”, ông Thành cho biết.
Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho rằng, mặc dù Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đề nghị các địa phương, cơ sở y tế chủ động tổ chức lựa chọn nhà thầu để đảm bảo phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Song trên thực tế, rất nhiều bệnh viện vẫn chờ đợi kết quả đấu thầu trực tiếp cấp quốc gia và đàm phán giá. “Nguyên nhân là các bệnh viện quan ngại về khó khăn, rủi ro có thể gặp phải khi chủ động đấu thầu như nguy cơ xuất toán liên quan các thuốc đã trúng thầu”, ông Thành nói, đồng thời khẳng định, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã và đang tích cực rà soát các văn bản pháp lý liên quan.
Có thể bạn quan tâm