Đề xuất giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải
Trước những khó khăn của doanh nghiệp vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị cấp có thẩm quyền giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…
>> Xem xét, kiến nghị phương án tiếp tục giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp vận tải
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục giảm thuế trong cơ cấu giá xăng dầu.
Đơn vị này cho biết, trên cơ sở khảo sát tình hình hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải trên toàn quốc, phía Tổng cục Đường bộ nhận thấy, hiện nay doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng. Trong khi, giá nhiên liệu tăng, chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành chiếm từ 35-45% (tùy loại hình vận tải), nhiều doanh nghiệp vận tải tại các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn chưa tăng giá cước.
Cụ thể, tại Hải Phòng, có 15/70 doanh nghiệp vận tải (bao gồm tuyến cố định và taxi) kê khai tăng giá cước, mức tăng giá dao động từ 15-20%. Tại Cần Thơ, đến thời điểm hiện tại, có 4/9 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có điều chỉnh tăng giá trên các tuyến, mức tăng giá cước từ 10-23,08%.
Ở Hà Nội có 9/50 đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định với mức tăng giá dao động từ 10-20% và 8/73 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi với mức giá tăng dao động từ 5-12%.
Tại TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến ngày 25/6/2022, có 27/53 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh cố định kê khai tăng giá cước từ 1,3% đến 46,34% tùy theo tuyến đường hoạt động (một vài tuyến kê khai tăng giá cao chủ yếu do thời gian dài không điều chỉnh giá).
Về biến động giá cước vận tải hàng hóa, khảo sát một số đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa và Hiệp hội vận tải hàng hóa, phía Tổng cục Đường bộ nhìn nhận với việc giá xăng dầu hiện nay, giá cước vận tải hàng hóa tăng khoảng từ 10-20% tùy theo cung đường và loại hàng hóa để bù đắp giá nhiên liệu tăng.
Được biết trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Thể cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh mức thu một số phí, lệ phí trong các lĩnh vực đường bộ đó là giảm mức thu phí sử dụng đường bộ ban hành tại Thông tư số 7Q/221/TT- BTC ngày 12/8/221 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.
Cụ thể, giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa.
Bên cạnh đó, với mong muốn tiếp tục được tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp vận tải kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và nhập khẩu đối với xăng dầu.
Có thể bạn quan tâm
Kìm giá hàng hóa “leo thang” - Giảm thuế, phí cần thực hiện sớm
04:00, 19/07/2022
Giảm thuế nhập khẩu – Giải pháp cần thiết trong điều tiết giá xăng dầu
04:00, 18/07/2022
“Hạ nhiệt” giá xăng, dầu: Giảm thuế 1.000 đồng, nhưng thu lại quỹ 950 đồng
04:05, 14/07/2022
Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, hạ nhiệt giá xăng dầu
11:01, 05/07/2022
Giảm thuế xăng dầu, ngân sách có thể giảm thu hơn 32.000 tỉ đồng năm 2022
19:00, 04/07/2022