Trước thực tế giá cả nhiều mặt hàng “leo thang” theo giá xăng dầu, tạo gánh nặng về chi phí cho người dân và doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, giảm thuế, phí cần thực hiện sớm...
>> "Bão" giá xăng dầu và nguyên liệu, doanh nghiệp càng "khát" vốn
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm chỉ số giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất nói chung đã tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành nông nghiệp có chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng cao nhất, hơn 10%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,78%; xây dựng tăng 9,32%...
Thực tế, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm cho biết, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 30 - 40% kể từ đầu năm; chi phí nguyên vật liệu như bao bì, phí logistics, phí cầu đường đều tăng, lương cơ bản cũng tăng... nhưng khi điều chỉnh tăng giá rất khó bán, vì sau hai năm dịch bệnh COVID-19, người tiêu dùng rất cân nhắc chi tiêu khiến sức mua giảm, hàng bán không được, nên nhiều sản phẩm tiếp tục lỗ.
Chưa kể, từ đầu năm đến nay, xăng dầu tăng giá liên tục khiến cho chi phí vận chuyển tăng cao, dẫn đến giá vốn cấu thành để tạo ra sản phẩm tăng lên. Bên cạnh đó, giá nguyên phụ liệu tăng cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên 20 - 30%. Điều này đã tác động rất lớn đến giá thành sản phẩm, khiến hầu hết giá cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường đều tăng.
Việc giá xăng dầu giảm hơn 3.000 đồng/lít vừa qua, được cho phần nào đã tạo ra “cơn gió mát” với đời sống người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mức giảm này chưa kìm được đà “leo thang” của giá hàng hóa.
Trước thực tế đã nêu, thông tin với báo chí, chuyên gia kinh tế - Vũ Vinh Phú nhận xét, trong hoàn cảnh hiện nay, những người lao động có đồng lương ít ỏi từ 5 - 6 triệu đồng/tháng gặp khó khăn nhiều nhất. Giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng mạnh khiến họ phải chắt bóp chi tiêu để đối phó, giá tăng nhanh mà thu nhập không tăng nên đời sống rất khó khăn. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được hỗ trợ kịp thời.
Trong khi đó, Bộ Tài chính vừa công bố ngân sách nhà nước “bội thu”, đạt 941.300 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, tăng gần 20% (xấp xỉ 230.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách tăng phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế, nhưng nhiều sắc thuế tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán, nên khi giá hàng hóa dịch vụ tăng cao trong bối cảnh lạm phát, số thu thuế cũng tăng theo. Nguồn thu tăng cao, trong khi Bộ Tài chính tính toán, các chính sách giảm thuế VAT và hỗ trợ thuế, phí, lệ phí khác... dự kiến đạt tổng mức giảm thuế là 126.000 tỷ đồng. Như vậy, có đủ dư địa để hỗ trợ thông qua giảm thêm thuế, phí.
>> Doanh nghiệp vận tải “lao đao” trước bão giá xăng, dầu
Theo chuyên gia kinh tế - Vũ Vinh Phú, giá cả hàng hóa tăng gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất không có lãi, thậm chí bị lỗ, còn các gia đình phải tiết kiệm chi tiêu, đời sống tinh thần và vật chất giảm. Vì vậy, giảm thuế, phí cần thực hiện sớm, không nên chỉ là các đề xuất.
Đồng quan điểm đã nêu, không ít chuyên gia cũng cho rằng, để giảm gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp, việc giảm thuế, phí được coi là giải pháp hỗ trợ tốt nhất.
Thực tế trước đó, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ đã kêu gọi các Bộ, ngành lập tức thực hiện chỉ đạo, rà soát các loại phí không cần thiết hoặc quá cao để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
Và ngày 12/7 vừa qua, tại phiên họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái cũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, cấp có thẩm quyền về phương án điều chỉnh, giảm thuế đối với xăng dầu theo quy định; nghiên cứu phương án giảm các loại thuế khác để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Từ đó, một loạt các Bộ, ngành cũng đề xuất giảm thuế, phí đối với nhiều sản phẩm dịch vụ. Như Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế suất ưu đãi nhập khẩu với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu; Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ dùng ngân sách để bù giá xăng dầu giúp ngư dân bám biển, người nghèo bớt khó khăn;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông kiến nghị giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp; Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị giảm một loạt các loại phí từ 10-30% cho lĩnh vực vận tải đường bộ, hàng không, hàng hải, cảng biển bến bãi đến hết năm 2022;…
Bên cạnh những loại thuế, phí, đã được các Bộ, ngành đề nghị giảm, các chuyên gia cũng cho rằng, cần xem xét giảm tiếp thuế VAT với tất cả mặt hàng.
Theo chuyên gia kinh tế - Ngô Trí Long, thuế VAT được giảm 2% từ ngày 01/2 đã góp phần giúp nhiều mặt hàng giảm giá. Tuy nhiên, mức giảm đó không đáng kể trong tình hình giá cả gia tăng hiện nay, với mức giảm 2%, người tiêu dùng khó cảm nhận được sự tác động lên mặt bằng giá cả hàng hóa. Ví dụ, một thùng mỳ ăn liền có giá 100.000 đồng, thuế VAT 10% tức 10.000 đồng, nay giảm còn 8%, tức 8.000 đồng, phần thuế giảm chỉ là 2.000 đồng/thùng.
“Hơn nữa, hiện giá nhiều mặt hàng, nhất là xăng dầu, nguyên liệu đầu vào, tăng cao so với thời điểm đầu năm 2022, nên việc giảm thuế VAT 2% lại càng khó bù đắp. Trong khi đó, thu nhập của người tiêu dùng giảm đi nhiều, dẫn đến việc hạn chế mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, giảm thuế VAT 2% đến nay không “kích” được sức mua, nên giảm 5% sẽ có hiệu ứng tốt hơn”, chuyên gia Ngô Trí Long bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Kiềm chế lạm phát: Giảm thuế, phí để kéo chi phí đẩy
11:20, 13/06/2022
Kiến nghị giảm thuế, phí tháo gỡ khó khăn cho vận tải biển
23:20, 21/03/2022
Thuế, phí làm “đội” giá xăng dầu: Bộ Tài chính nói gì?
16:10, 21/02/2022
Sớm giảm thuế, phí để “hạ nhiệt” giá xăng dầu
11:00, 14/11/2021
Giảm thuế, phí xăng dầu có bình ổn được thị trường xăng dầu?
22:02, 05/11/2021