Đấu giá biển số ô tô: Khó xác định tiêu chí đẹp, độc, lạ
Không có căn cứ, cơ sở để xác định biển số đẹp hay xấu… mà đó là cách nhìn nhận của mỗi người. Do đó, việc đưa ra các tiêu chí xác định danh mục biển số đẹp, độc, lạ là không khả thi…
>>Đấu giá biển số ô tô: Tiền thu được sẽ phân bổ thế nào?
Theo đó, chiều 15/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá với 473 đại biểu tán thành, 11 đại biểu không tán thành và 5 đại biểu không biểu quyết. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 và được thực hiện trong ba năm.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho biết: Một số ý kiến đề nghị làm rõ biển số đẹp; cần có danh mục biển số độc, lạ để đưa ra đấu giá và đưa ra đấu giá trực tiếp; không phát hành các biển số xấu theo dân gian có số cuối 49, 53…; bổ sung đánh giá hiện trạng kho số, quy hoạch kho số; quy định tỉ lệ tối đa biển số đưa ra đấu giá trong tổng số biển chưa đấu giá.
Giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Đến nay không có căn cứ, cơ sở để xác định biển số đẹp hay xấu, biển số độc, lạ… mà do cách nhìn nhận, quan niệm, nhu cầu, sở thích của mỗi người khác nhau.
“Việc đưa ra các tiêu chí để xác định danh mục biển số đẹp, số độc, số lạ là không khả thi, khó khăn cho công tác quản lý. Do đó, dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng các biển số được tổ chức, cá nhân đăng ký lựa chọn sẽ đưa ra đấu giá là phù hợp”, ông Tới trình bày.
>>Đấu giá biển số ô tô không phụ thuộc hộ khẩu
Đối với biển số không được lựa chọn để đưa ra đấu giá, biển số qua cuộc đấu giá không thành sẽ được chuyển ngay vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để bấm chọn ngẫu nhiên. Kho số phục vụ đăng ký, quản lý xe ô tô được Bộ Công an bảo đảm để phục vụ việc đăng ký được liên tục, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.
Số lượng biển số xe ô tô đưa ra đấu giá phụ thuộc vào nhu cầu lựa chọn, đăng ký để đưa ra đấu giá của người dân nên không thể quy định tỉ lệ tối đa biển số đưa ra đấu giá trong tổng số biển chưa đấu giá.
Ông Tới cũng cho hay: Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định đấu giá được quyền lựa chọn biển số ở tất cả các tỉnh, TP trong cả nước, không phụ thuộc vào nơi đăng ký thường trú; có ý kiến đề nghị quy định được giữ biển khi chuyển vùng.
Về vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là nội dung quan trọng của dự thảo Nghị quyết, sẽ làm thay đổi công tác đăng ký, quản lý phương tiện mà hiện nay đang thực hiện, là nội dung đang còn nhiều ý kiến khác nhau.
“Để thu hút đông đảo người tham gia đấu giá trực tuyến, Chính phủ đã đề xuất tổ chức, cá nhân được lựa chọn biển số ở tất cả các tỉnh, TP trong cả nước để đăng ký tham gia đấu giá”, ông Tới trình bày giải trình.
Căn cứ đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm chính sách này và sau khi tổng kết sẽ có đánh giá, đề xuất cho phù hợp. Còn việc mua bán xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá và chuyển vùng vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội quy định một mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng, thực hiện thống nhất trên toàn quốc, tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá và thống nhất bước giá là 5 triệu đồng. Tiền đấu giá thu được sẽ nộp vào ngân sách Trung ương sau khi trừ các chi phí.
Có thể bạn quan tâm