Cần giải pháp căn cơ để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Ngày 22/11 tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”…
>>Để xuất kéo dài một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân
Xác định hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế (Bộ Tư pháp) Cao Đăng Vinh, Bộ Tư pháp đang tích cực xây dựng dự thảo Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030" và đã được các bộ, ngành, địa phương phản hồi tích cực. Tuy nhiên, để Đề án được hoàn thiện tốt nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành, Bộ Tư pháp tổ chức các hội thảo, hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội về dự thảo Đề án này nhằm thực hiện có hiệu quả mà Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định là "hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh".
Bên cạnh đó, dự thảo Đề án cũng xác định trọng tâm và định hướng cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp các vấn đề pháp lý trong giải quyết các tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế; có chính sách hỗ trợ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng.
TS. Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết: Hoạt động hỗ trợ pháp lý để thực hiện đối với mọi doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh, lĩnh vực hoạt động và được Nhà nước miễn phí.
Theo đó, trong giai đoạn mới, với mục tiêu mở rộng các hình thức hỗ trợ pháp lý và triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý một cách chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm và trọng điểm. Đặc biệt, khi Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nhỏ và vừa năm 2017, trong đó xác định hỗ trợ pháp lý là một trong bảy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời cũng là nền tảng, cơ sở của tất cả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm CLB Pháp lý doanh nghiệp đánh giá, công tác này đã được lãnh đạo các địa phương rất quan tâm, nhiều hình thức tổ chức gặp gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, hỗ trợ pháp lý nói riêng được các địa phương tổ chức, doanh nghiệp đánh giá cao.
Bên cạnh đó, nhiều hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng đã thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật nhằm hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp của mình. Đồng thời, cũng đã thiết lập nhiều Trang tin điện tử về tư vấn pháp luật để cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác đến các doanh nghiệp.
Vì thế, luật sư Lãm đề nghị cần thiết thành lập Cổng Thông tin điện tử quốc gia về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của công tác này và hội nhập ngày càng sâu rộng kinh tế quốc tế của doanh nghiệp hiện nay.
Chánh Văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Xuân Anh cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bởi hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cho hay biết đến dịch vụ hỗ trợ rất bổ ích này, trong khi có đến 70% doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo quy định, ít nhất mỗi luật sư phải dành ít nhất 4 giờ/ năm để tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân và doanh nghiệp. Vì thế, chúng ta cần tận dụng tốt nhất sự tham gia của hơn 17.000 luật sư đối với công tác này, nhất là huy động sự tham gia của luật sư về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực sự hiệu quả, nhất là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang "khát" pháp luật.
Đồng thời, cần truyền thông rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp những mô hình hay, điển hình tốt trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp thấy được tính thiết thực, hiệu quả của Chương trình này.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, cần bổ sung thêm các mục tiêu cụ thể về số lượng doanh nghiệp chủ động tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp luật để phòng ngừa rủi ro trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trong từng giai đoạn của Đề án.
Bởi theo khảo sát của Bộ Tư pháp năm 2021-2022, chỉ có 38% doanh nghiệp được hỏi có bộ phận pháp chế (trong đó, chỉ có 44% là chuyên trách, 56% là kiêm nhiệm). Điều này chứng tỏ công tác pháp chế tại doanh nghiệp vân chưa được quan tâm đúng mức và bố trí nguồn lực phù hợp.
Phân tích về nguyên nhân này, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhìn nhận, nguyên nhân chủ yếu là xuất phát từ đại đa số doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực chủ yếu tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh, chưa có nguồn lực để bố trí cho công tác pháp chế. Đa số các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến các chi phí trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, các chi phí gián tiếp như chi phí dịch vụ pháp lý, đội ngũ pháp chế còn chưa được quan tâm thỏa đáng.
Bên cạnh đó, hiệu quả tư vấn pháp luật của các tổ chức dịch vụ pháp lý hiện nay chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp khi được hỏi đều đánh giá các dịch vụ này đều ở mức… trung bình.
Về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhiều đại biểu nhấn mạnh, cần cụ thể hóa hơn nữa trách nhiệm này, nhất là việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vì đây là những doanh nghiệp vẫn còn yếu thế.
PGS.TS Dương Đăng Huệ cho rằng, Chương trình này phải "liệu cơm gắp mắm" bởi kinh phí thực hiện còn eo hẹp. Vì thế, cần xác định rất cụ thể, trọng tâm và trọng điểm của Chương trình này là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát huy vai trò, trách nhiệm và nguồn lực sức mạnh của các bộ, ngành, địa phương đối với công tác này thời gian tới.
>>Tập đoàn AEON kiến nghị TP HCM hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Cần giải pháp căn cơ
Theo đó, Ban Quản lý Chương trình đã xây dựng các mục tiêu cụ thể của Đề án như sớm hoàn thiện khung pháp lý về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, 100% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý khi có nhu cầu; 100% quy định pháp luật về doanh nghiệp được thông tin đầy đủ, kịp thời; xây dựng và nhân rộng các mô hình hỗ trợ pháp lý hiệu quả trên toàn quốc; tăng cường tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong hỗ trợ pháp lý; xây dựng hệ sinh thái về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố; có cơ chế thu hút sự tham gia của các luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật tham gia hỗ trợ công tác này…
Trên cơ sở đó, đại diện Ban Quản lý Chương trình cho biết, đã xác định rõ các giải pháp căn cơ để thực hiện Đề án này gồm: Hoàn thiện khung pháp lý về tăng cường hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến vướng mắc, khó khăn pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và bài học cho Việt Nam; nâng cao nhận thức, năng lực pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; đổi mới cách tiếp cận và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng Cổng Thông tin điện tử quốc gia về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai hoạt động truyền thông chuyên nghiệp, hiệu quả, phù hợp; lồng ghép hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm và năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.
Có thể bạn quan tâm