Nam Định: Tăng cường kiểm tra hàng giả hàng nhái vào dịp cuối năm
Sắp đến Tết Nguyên đán, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường Nam Định đã tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
>>>Nam Định: Đưa khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế biển
Tăng cường…
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Nam Định: Hàng giả, hàng nhái là mối đe dọa, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, lợi ích kinh tế của người tiêu dùng và uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Các mặt hàng bị làm giả, làm nhái rất đa dạng, xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực như lương thực thực phẩm chế biến, vật liệu xây dựng, thuốc tân dược… với nhiều thủ đoạn tinh vi, rất khó phát hiện.
Hiện nay, mạng lưới thương mại ngày càng được đầu tư và phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới được hình thành hoặc được chuyển đổi, khôi phục hoạt động do gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường.
Cuối năm cũng là dịp các đối tượng lợi dụng tâm lý nhu cầu tiêu dùng cao hơn có thể trà trộn, lét lút đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trong lưu thông và các hành vi kinh doanh trái phép khác. Bên cạnh đó việc mua bán hàng hóa qua mạng phát triển mạnh, khả năng kiểm tra, kiểm soát rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chân chính và người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách Nhà nước, thậm chí gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Ông Lê Ngọc An - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nam Định cho biết: Thực hiện kế hoạch cao điểm về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), Cục QLTT Nam Định đã giao cho các đội QLTT phối hợp với các ngành chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai, chủ động nắm tình hình, địa bàn, thu thập thông tin để xác định đối tượng vi phạm, từ đó có phương án đấu tranh xử lý có hiệu quả theo quy định của pháp luật.
"Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân đồng tình, hỗ trợ, sẵn sàng cung cấp thông tin các trường hợp vi phạm. Đối tượng chú ý kiểm tra là các cơ sở sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm thiết yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương; xăng dầu, khí hóa lỏng; thuốc chữa bệnh cho người và gia súc; vật tư nông nghiệp; vật liệu xây dựng", ông An cho biết thêm.
Theo lãnh đạo Công ty XNK Việt Đức: Để cùng với các lực lượng chức năng phát hiện hàng giả, hàng nhái, bản thân doanh nghiệp các trong và ngoài tỉnh cũng cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì hàng hóa, dán tem chống hàng giả vào các vị trí dễ nhận biết và khó bắt chước; có biện pháp quản lý chặt chẽ quy trình công nghệ, nhãn mác hàng hóa, nguyên liệu, giám sát chặt chẽ, giáo dục đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật không tham gia và tiếp tay cho việc làm hàng giả. Nắm bắt theo dõi sát tình hình lưu thông sản phẩm của mình và các sản phẩm cùng loại trên thị trường; đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ cho các nhãn hiệu sản phẩm và kiểu dáng công nghiệp trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
"Một biện pháp chống hàng giả khác được áp dụng hiệu quả là chọn nhà phân phối, người bán hàng có uy tín, trách nhiệm, cam kết chặt chẽ trong việc phân phối sản phẩm. Các doanh nghiệp còn chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng và người tiêu dùng phát hiện nhằm tố giác các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả. Doanh nghiệp tăng cường thông tin các tính năng, tác dụng, giá cả, cách nhận biết hàng thật, hàng giả, địa chỉ nhà sản xuất… để người tiêu dùng nắm được khi lựa chọn mua hàng…", lãnh đạo Công ty XNK Việt Đức chia sẻ giải pháp.
Được biết, đầu tháng 11 vừa qua Cục QLTT Nam Định đã chỉ đạo Đội QLTT số 4 phối hợp với Phòng Cảnh sát PC03 (Công an tỉnh) thành lập đoàn kiểm tra một trường hợp kinh doanh mỹ phẩm tại thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã phát hiện hơn 1.000 sản phẩm mỹ phẩm gồm thuốc nhuộm tóc, tinh dầu dưỡng tóc các loại do nước ngoài sản xuất đang được bày bán; chủ cửa hàng chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa.
Đoàn đã kiểm tra tiến hành tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên và tiếp tục xác minh làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Việc ngăn chặn kịp thời hàng hóa không bảo đảm điều kiện lưu thông trên thị trường của lực lượng QLTT đã góp phần thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ và cấp có thẩm quyền trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là những mặt hàng liên quan đến sức khỏe của con người.
Xử lý nghiêm…
Theo báo cáo của Cục QLTT Nam Định, tính riêng trong quý III/2022, lực lượng QLTT đã thực hiện kiểm tra 321 lượt trong thẩm quyền, xử lý 201 vụ vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước gần 845 triệu đồng.
Trong đó đã xử lý 78 vụ vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; 22 vụ vi phạm trong lĩnh vực dược phẩm. Xử lý 13 vụ vi phạm trong lĩnh vực khí LPG, CNG, LNG; 10 vụ trong lĩnh vực thiết bị y tế… Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) kiểm tra 18 lượt, xử lý 17 vụ, phạt vi phạm hành chính trên 451 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 372 triệu đồng. Phối hợp với đoàn liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra 20 lượt, phối hợp với đoàn liên ngành thực hiện kiểm tra 30 lượt lĩnh vực kinh doanh vàng và trang sức mỹ nghệ nhưng không phát hiện trường hợp vi phạm.
Theo lãnh đạo Cục QLTT, tất cả các kế hoạch, nhiệm vụ công tác được triển khai của lực lượng QLTT Nam Định đều hoàn thành có kết quả cao, góp phần vào việc ổn định thị trường, từng bước ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển góp phần làm ổn định thị trường, tăng ngân sách Nhà nước. Tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không xảy ra tình hình phức tạp về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, không có tình trạng đầu cơ, tích trữ, tăng giá bất hợp lý…
Đây cũng là kết quả của việc chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng như việc ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Do vậy công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính có nhiều thuận lợi, diễn biến thị trường tuy vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng Nhà nước.
Thời gian tới, lực lượng QLTT Nam Định tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém phẩm chất… Đồng thời, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử; tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động trong nhiệm vụ chống sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương trong công tác QLTT nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các đối tượng có hành vi vi phạm.
Có thể bạn quan tâm