Thời gian qua, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh Nam Định đã thu hút nhiều dự án đầu tư, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của địa phương.
>>>Tiềm năng phát triển vận tải biển Nam Định
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 9 KCN với tổng diện tích trên 2.000 ha, trong đó có 4 KCN đã đi vào hoạt động. Trong năm 2021, tỉnh tiếp tục kêu gọi 36 dự án gồm khu kinh tế Ninh Cơ, khu công nghiệp Mỹ Trung, khu công nghiệp Hồng Tiến.
Từ thực tế các KCN…
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định: Năm 2022, tỷ lệ vốn thu hút đầu tư vào các KCN đạt bình quân khoảng 220 triệu USD. Để góp phần thực hiện mục tiêu đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển, thời gian qua Nam Định đã chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng các KCN nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đó cũng là một trong những định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Nam Định.
Tuy nhiên, hiện nay ở các KCN đã hoạt động, còn nhiều bất cập như: Công tác xử lý nước thải sản xuất, bảo vệ môi trường, kết quả thu hút nhà đầu tư thứ cấp chậm, hiệu suất sử dụng đất chưa cao. Trong đó có KCN Mỹ Trung do Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh đầu tư dang dở, đã có quyết định thu hồi để chuyển giao cho nhà đầu tư khác tiếp tục xây dựng, song việc xử lý gặp nhiều vướng mắc làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Tại đây mới chỉ đầu tư xây dựng một phần hệ thống thu gom nước mưa, nước thải của KCN, hệ thống thoát nước thải của KCN chưa được đấu nối vào kênh T3-11 theo quy hoạch; do vậy hiện nay toàn bộ nước mưa và nước thải của các nhà đầu tư thứ cấp một phần tự thấm, một phần chảy ra mương hở phía bắc để thoát ra kênh T9; vì vậy việc hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN Mỹ Trung gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử, KCN Hòa Xá có trạm xử lý nước thải tập trung công suất giai đoạn 1 là 4.500 m3/ngày đêm. Hiện nay KCN đã lấp đầy, lượng nước thải cần xử lý hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Những năm gần đây, KCN đã có nhu cầu đầu tư giai đoạn 2 trạm xử lý nước thải tập trung theo hình thức PPP với công suất khoảng 8.200 m3/ngày đêm để đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải của các cơ sở trong KCN nhưng chưa có nhà đầu tư.
Cũng theo BQL KCN: Hiện số lượng dự án và doanh nghiệp hoạt động trong các KCN còn tương đối ít so với tổng số dự án, doanh nghiệp công nghiệp trên toàn tỉnh; tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN mới đạt 42%; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, vốn đầu tư và giá trị gia tăng cao. Thời gian trước, thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh chủ yếu là các dự án ngành dệt may (chiếm 32% số dự án đầu tư trong các KCN) chiếm dụng diện tích lớn trong khi thu nộp ngân sách không cao dẫn đến hiệu suất sử dụng đất thấp so với các ngành công nghiệp khác.
>>>Nam Định: Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số để phát triển sản xuất kinh doanh
Được biết, hiện nay tại các KCN đang đầu tư hạ tầng, nhìn chung việc thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng KCN vẫn còn vướng mắc. Theo quy định của pháp luật về đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; quá trình xem xét, thẩm tra, quyết định chủ trương đầu tư thường mất nhiều tháng (KCN Mỹ Thuận, KCN Bảo Minh mở rộng…). Ngoài ra khó khăn nhất cho nhà đầu tư trong triển khai thực hiện sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư là quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB).
KCN Dệt may Rạng Đông dù được tiến hành khởi công từ năm 2019 nhưng tiến độ thi công bị chậm so với quyết định đầu tư ban đầu (mới san lấp được 65% mặt bằng; chưa tiến hành cung ứng nước sạch; chưa hoàn tất nhà máy xử lý nước thải công nghiệp). Chủ đầu tư xác định do nhiều lý do khách quan, chủ quan, tiến độ thi công KCN Dệt may Rạng Đông chậm, nhưng trong đó có nguyên nhân do thời gian bàn giao mốc chỉ giới ngoài thực địa chậm.
…đến hạ tầng các CCN
Theo Sở Công thương tỉnh Nam Định, quy hoạch các CCN đã phê duyệt chưa đảm bảo yếu tố liên kết vùng, ngành; tiềm năng, lợi thế của địa phương và của vùng trong quy hoạch còn hạn chế; do vậy, công tác triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn, làm phát sinh nhu cầu điều chỉnh cục bộ quy hoạch đã duyệt.
Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN chưa đáp ứng kịp thời tiến độ thu hút đầu tư. Tại các CCN đã hoạt động hiện mới có 2 CCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; ở các CCN còn lại nước thải chỉ được xử lý cục bộ tại từng nhà máy, do vậy vẫn còn xảy ra tình trạng nhiễm bẩn nguồn nước gây ô nhiễm môi trường các khu vực lân cận. Các dự án đầu tư thứ cấp vào các CCN trên địa bàn tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp, sử dụng công nghệ thông thường, thu hút lao động tay nghề thấp.
Các CCN đang đầu tư xây dựng hạ tầng thì có một số vướng mắc như tiến độ GPMB chậm, việc đấu nối với các công trình hạ tầng công cộng, điều chỉnh quyết định đầu tư. Dự án đầu tư mở rộng CCN Đồng Côi quy mô 24,8ha theo Quyết định của UBND tỉnh Nam Định từ ngày 29-3-2018 nhưng đến nay mới hoàn tất GPMB được 345/354 hộ, còn 9 hộ chưa nhận tiền đền bù GPMB.
Dự án đầu tư mới CCN Yên Bằng được triển khai thực hiện theo Quyết định số 1232 của UBND tỉnh từ ngày 11-6-2019 với quy mô khoảng 50ha, chia làm 2 giai đoạn đầu tư. Tuy nhiên, kế hoạch hoàn thành dự án trong năm 2022 sẽ không khả thi do việc thực hiện đầu tư 23,9ha giai đoạn 2 của dự án tại xã Yên Bằng hiện vẫn đang vướng GPMB (còn 19/225 hộ bị ảnh hưởng chưa phê duyệt phương án, trong đó có 12 hộ chưa nhất trí với phương án GPMB)…
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Trong bối cảnh nhu cầu thuê đất của các nhà đầu tư thứ cấp hiện nay rất lớn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục gia tăng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp nâng cao chất lượng quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác các khu, CCN. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai... Nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng của các khu, CCN theo hướng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho các KCN, CCN. Kết nối đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng trong hàng rào với ngoài hàng rào các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.
Quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng các khu, CCN tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính để sớm khởi công xây dựng mở rộng KCN Bảo Minh, CCN Tân Thịnh… Tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và hoàn thiện thủ tục đầu tư các khu, CCN trong quy hoạch trên địa bàn các huyện.
Đặc biệt, tại các dự án đang đầu tư còn vướng mắc trong công tác GPMB chậm tiến độ cần quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ để các nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh quyết định đầu tư, gia hạn thời gian hoàn tất thi công dự án theo đúng quy định…
Đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến giao thông trọng điểm kết nối liên vùng của tỉnh giúp tăng năng lực thu hút đầu tư cho các khu, CCN. Đồng thời tăng cường hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, CCN nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Quan tâm tổ chức rà soát ngành nghề thu hút đầu tư đối với những KCN, CCN chưa lấp đầy, thu hút đầu tư có chọn lọc đối với các dự án đầu tư mới theo hướng ưu tiên dự án có quy mô vốn lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên và nguồn nhân lực chất lượng cao, không đánh đổi phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm