Hải Dương: Xử lý nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý đất đai, khoáng sản
Đó là yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
>>>Những vướng mắc ở khu công nghiệp Phú Thái Hải Dương cần được tháo gỡ
Từ quyết liệt xử lý
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Quy hoạch thiếu ổn định, chưa đồng bộ. Việc lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm; quản lý, sử dụng đất đai chưa nghiêm. Tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích còn xảy ra ở nhiều nơi; tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép chưa được ngăn chặn triệt để...
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng; công tác quản lý, điều hành của chính quyền ở một số nơi đối với lĩnh vực đất đai, khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức, thiếu chủ động, chưa quyết liệt. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, có địa phương còn buông lỏng lãnh đạo, quản lý. Một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất đai, khoáng sản còn thiếu ý thức, trách nhiệm công vụ, thậm chí còn nhũng nhiễu, tiêu cực…
Theo lãnh đạo Sở TNMT: Từ năm 2010 đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức 1.861 đoàn thanh tra, kiểm tra đối với 1.369 lượt tổ chức, cá nhân; nhận và xử lý 677 tin nhắn tố cáo hoạt động khai thác trái phép. Qua kiểm tra thường xuyên và đột xuất, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 3.834 lượt đối tượng với tổng số tiền xử phạt hơn 59,1 tỷ đồng; đình chỉ và tạm đình chỉ hoạt động đối với 2.692 trường hợp vi phạm.
Được biết. năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phê duyệt giá khởi điểm quyền khai thác khoáng sản đợt I đối với 5 khu vực trên địa bàn TP Chí Linh. Tuy nhiên do các khu vực này đều đang dừng các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và không được cấp mới việc thăm dò, khai thác khoáng sản nên công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa thực hiện được.
Vừa qua, tại phiên họp, phiên họp thường kỳ tháng 11 (lần 6) của UBND tỉnh Hải Dương, ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu cơ quan chuyên môn quyết liệt rà soát, kiểm tra trên tinh thần không buông lỏng quản lý, nhưng cũng không tạo nút thắt ở lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm này. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh thủ tục cấp và gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản trong thời gian sớm nhất. Các sở, ngành, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy trình cấp quyền khai thác khoáng sản. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu vật liệu xỉ thải, sử dụng vào mục đích phù hợp. UBND tỉnh nhất trí thành lập tổ công tác để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quản lý khoáng sản làm vật liệu san lấp.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện tỉnh có 17 khu vực có khoáng sản làm vật liệu san lấp. Căn cứ theo tiêu chí về thời gian nhanh nhất đưa khoáng sản ra thị trường có thể chia làm 4 nhóm. Bao gồm 6 khu vực tổng trữ lượng gần 13 triệu m3 cát đen, đất pha cát, đất đồi không cần thông qua thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản; 2 khu vực trữ lượng gần 5 triệu m3 đất đồi san lấp sẽ giải quyết qua thủ tục đấu giá; 3 khu vực có thể tổ chức đấu giá theo thủ tục (chưa có kết quả thăm dò); 6 khu vực cần tổ chức đấu giá theo thủ tục (chưa có kết quả thăm dò) sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường xác định vị trí, ranh giới, tọa độ các điểm khép góc.
Trước đó, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định đóng cửa mỏ đất đồi Ông Sao tại phường Hoàng Tân và Bến Tắm, mỏ đất đồi phía nam núi Hang Hổ tại phường Hoàng Tiến (cùng ở TP Chí Linh) để bàn giao cho địa phương quản lý, bảo vệ theo quy định. Các mỏ phải đóng cửa do giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn, Công ty CP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam chưa triển khai các hoạt động khai thác khoáng sản tại 2 mỏ này. Khu vực được phép khai thác còn nguyên trạng.
…đến trách nhiệm người đứng đầu
Trước đó, Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản và chấn chẩn những hạn chế nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cần nêu cao vai trò, trách nhiệm; chủ động nắm chắc tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản tại đơn vị, địa phương mình. Tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn toàn tỉnh. Xử lý nghiêm người đứng đầu của các địa phương, cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý. Kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, có vi phạm nhưng chưa khắc phục.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền các cấp coi việc chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về đất đai, khoáng sản tại địa phương là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, là tiêu chí đánh giá, kiểm điểm cuối năm; đồng thời, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn nhưng không có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị toàn tỉnh phải gương mẫu chấp hành pháp luật về đất đai, khoáng sản. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, vị trí công tác hoặc để người thân, người khác tiếp tay, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, khoáng sản. Xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm.
Theo lãnh đạo UBND huyện Kinh Môn: Năm 2022 địa phương đã đóng cửa 12 mỏ khai thác khoáng sản. Trong số 33 mỏ được cấp giấy phép khai thác khoáng sản của 14 công ty, xí nghiệp, HTX trên địa bàn thị xã, có 22 mỏ giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực.
Cụ thể, mỏ đá vôi Nhẫm Dương (phường Duy Tân) đã có quyết định đóng cửa. 11 mỏ buộc phải đóng cửa gồm: mỏ đá vôi, đá sét Hoàng Thạch, mỏ đá vôi núi Voi, mỏ đá vôi núi Áng Rong, mỏ silic Bát Điếu, mỏ keratophyr Khe Riềng (phường Minh Tân); mỏ đá sét núi Công (phường Duy Tân và Phú Thứ), mỏ đá vôi núi Hàm Long, mỏ đất đồi núi Lim, mỏ đá vôi Áng Sơn (phường Phú Thứ), mỏ đất sét phía tây bắc núi Cúc Tiên, mỏ đá vôi núi Công (phường Duy Tân).
8 mỏ xin gia hạn là: mỏ đất sét núi Giữa, mỏ đất sét phía tây nam núi Cúc Tiên (phường Duy Tân); mỏ đất đồi núi Bu Lu (xã Bạch Đằng); mỏ silic núi Thần (phường Phú Thứ); mỏ phiến sét núi Giếng, mỏ đá vôi núi Áng Bát (phường Minh Tân); mỏ đất đồi núi Thượng Trà (phường Tân Dân); mỏ đất sét phía đông bắc núi Cậy Sơn (xã Hoành Sơn). 2 mỏ hết hạn, chưa có hoạt động khai thác là mỏ đất đồi núi Một (phường Thái Thịnh) và mỏ đất đồi Hũng Con (phường Phú Thứ).
Có thể bạn quan tâm