Nam Định: Tăng cường kiểm tra chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ
Kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ là góp phần quan trọng bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường do hoạt động vận tải.
>>>Nam Định: Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế trong thu hút đầu tư
Từ đảm bảo đáp ứng nhu cầu kiểm định...
Thời gian qua thực hiện Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ (CGĐB) đã tạo thay đổi lớn trong hoạt động kiểm định phương tiện. Trong đó có việc thực hiện xã hội hóa hoạt động đăng kiểm, cho phép tư nhân tham gia dịch vụ công về đăng kiểm không hạn chế.
Trong đó, Chủ đầu tư trước khi xây dựng Trung tâm đăng kiểm chỉ cần có văn bản thông báo cho Cục Đăng kiểm Việt Nam về địa điểm xây dựng, thời gian dự kiến hoàn thành, Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức đánh giá trung tâm có đáp ứng quy chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực hay không, nếu đạt sẽ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định phương tiện CGĐB. Do đó, vai trò quản lý Nhà nước của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đối với các Trung tâm đăng kiểm ngoài công lập rất hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các Trung tâm.
Theo Sở Giao thông Vận tải Nam Định: Đến nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có 6 cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, trong đó 2 trung tâm là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở GTVT gồm: Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông Nam Định 18-01S, Quốc lộ 10, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) và Chi nhánh Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông Nam Định 18-02S tại thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) và 3 Trung tâm xã hội hóa (18-03D, 18-04D và 18-05D).
Để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ (CGĐB), Các Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông Nam Định đã không ngừng đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhằm nâng cao chất lượng đăng kiểm phương tiện, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Nhiều dây chuyền kiểm định của các hãng Dambra và Maha (Đức) đã được Trung tâm chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng và an toàn (VRQC) - Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá và phù hợp với các yêu cầu của: ISO 9001: 2008 cho lĩnh vực kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện CGĐB.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện CGĐB của nhân dân các Sở GTVT đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các trung tâm đăng kiểm qua hệ thông camera IP lắp đặt tại các trung tâm kiểm góp phần nâng cao chất lượng kiểm định, phòng chống tiêu cực.
Hiện tại, các Trung tâm đăng kiểm của phía nam của Nam Định hiện có 22 đăng kiểm viên đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cấp Giấy chứng nhận, trong đó có 10 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao. Trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, các Trung tâm phía nam đã thực hiện kiểm định 72.706 lượt phương tiện; trong đó có 65.245 phương tiện đạt chuẩn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; 7.461 phương tiện không đạt.
Trước đó, Sở GTVT nhận được thông báo của Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ Điện Thông về việc tạm dừng hoạt động từ ngày 19/01/2023 do không đủ đăng kiểm viên kiểm định trên dây chuyền.
Để chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng kiểm phương tiện CGĐB, Sở GTVT kiến nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam hoàn thiện đồng bộ, quy trình, quy chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; đánh giá, tổng kết, nghiên cứu để báo cáo Bộ GTVT xem xét trình Chính phủ bổ sung, sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP; bổ sung, sửa đổi các Thông tư số 18/2019/TT-BGTVT ngày 20/05/2019 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 139/2018/NĐ-CP; số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/08/2021 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới. Tổ chức rà soát, đánh giá mô hình tổ chức của các đơn vị đăng kiểm phương tiện CGĐB, đặc biệt là công tác xã hội hóa các đơn vị đăng kiểm. Đồng thời tham mưu phân cấp, phân quyền đảm bảo phù hợp, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về đăng kiểm.
Nghiên cứu xây dựng đề án tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện hoạt động đăng kiểm. Đào tạo, tập huấn, quản lý đội ngũ đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ để kịp thời bổ sung cho các Trung tâm kiểm định xe cơ giới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT các địa phương trong công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, kiểm tra, giám sát các trung tâm đăng kiểm.
...đến tăng cường kiếm tra
Để tăng cường công tác quản lý hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam; Sở Giao thông vận tải các địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Được biết, hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, thời gian qua công tác kiểm định của các địa phương trên cả nước còn nhiều thiếu sót, đặc biệt tồn tại, vi phạm của đăng kiểm viên, đăng kiểm viên thực tập có chiều hướng gia tăng, tập trung ở các lỗi như: Không thực hiện đầy đủ nội dung kiểm định, bỏ lỗi vi phạm (đèn phương tiện, kích thước thùng xe tải...), thực tập, báo cáo kết quả thực tập kiểm tra phương tiện không đúng quy định.
Để kịp nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, vừa qua, tại cuộc giao ban báo chí tháng 2 vừa qua, ông Trần Minh Đăng - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Thời gian qua Sở GTVT đã thường xuyên chỉ đạo các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai các giải pháp cụ thể, không để xảy ra tình trạng ùn tắc tại đơn vị đăng kiểm. Sở đã thống nhất với Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức tăng ca, nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng kiểm định an toàn phương tiện theo quy định nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm định xe cơ giới, thời gian tới Sở GTVT tiếp tục chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải - Phương tiện, người lái chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở, Văn phòng Sở tham mưu, rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền bãi bỏ các quyết định có liên quan đến công tác đăng kiểm không còn phù hợp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc các đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới không đúng quy định.
Trong đó, yêu cầu các trung tâm đăng kiểm triển khai thực hiện nghiêm các nội dung như: Thực hiện việc kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định theo quy định. Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên trực tiếp thực hiện việc kiểm định chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm định. Công khai trình tự, thủ tục, nội dung, quy trình, tiêu chuẩn, quy định, phí, lệ phí và thời gian làm việc.
Thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, đăng kiểm viên và nhân viên, chống tiêu cực trong hoạt động kiểm định của đơn vị. Yêu cầu các đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới theo đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định.
Duy trì điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và dây chuyền kiểm định. Thu giá dịch vụ, phí, lệ phí liên quan đến hoạt động kiểm định xe cơ giới. Niêm yết công khai tại phòng chờ, xưởng kiểm định các nội dung về quy trình, nội dung kiểm định; biểu mức thu giá, phí, lệ phí, chu kỳ kiểm định, số điện thoại đường dây nóng của Cục Đăng kiểm Việt Nam và nội dung các thông báo khác theo quy định. Thực hiện việc truyền số liệu, báo cáo theo quy định. Xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động dịch vụ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác kiểm định, góp phần bảo đảm trật tự ATGT, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn giao thông do phương tiện không an toàn kỹ thuật lưu hành gây ra.
Có thể bạn quan tâm