Quảng Ninh: Tăng cường xử lý các hộ nuôi trồng thuỷ sản không phép
Tăng cường công tác quản lý và phát triển thuỷ sản trên địa bàn, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai công tác di dời, xử lý những cơ sở nuôi trồng thuỷ sản không phép trên địa bàn.
>>>Quảng Ninh: Đôn đốc, đẩy mạnh phân bổ giải ngân vốn đầu tư công
Thời gian gần đây, trên địa bàn tình trạng nhiều hộ dân tự ý kéo lồng bè nuôi trồng thủy sản không phép, không chỉ gây ô nhiễm môi trường xung quanh, mà còn cản trở, gây mất an toàn giao thông tuyến đường thủy.
Nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản không phép
Theo lãnh đạo TP Cẩm Phả, địa phương hiện có 77 hộ nuôi trồng thủy sản trên biển không phép. TP Cẩm Phả đã tiến hành tháo dỡ di dời 65 hộ, trả lại mặt biển thông thoáng đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Còn theo ông Bùi Đình Việt – Phó Chủ tích UBND Phường Quang Hanh – TP Cẩm Phả - Quảng Ninh, hiện nay mặt nước biển trên phường Quang Hanh quản lý có 18 hộ nuôi trồng thủy sản không phép trên địa bàn.
Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của BTV Tỉnh uỷ về tăng cường quản lý và phát triển thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh, địa phương đã tích cực tuyên truyền địa phương đã yêu cầu các hộ vi phạm di dời toàn bộ tài sản đang nuôi trồng thủy sản trên vùng nước thuộc địa phương quản lý.
Cũng theo ông Bùi Đình Việt, tất cả những hộ nuôi trồng thủy sản không phép đã được địa phương lập biên bản vi phạm hành chính, và đã gửi toàn bộ hồ sơ về Công an thành phố, Viện kiểm sát, Tòa án để báo cáo và xin ý kiến để xây dựng phương án cưỡng chế các hộ này. Tuy nhiên, qua rà soát và làm việc với các hộ thì cơ bản 18 hộ này đều đồng thuận chủ trương của tỉnh và của địa phương. Đến giờ này các hộ đều đã triển khai thực hiện nhưng cũng chưa được dứt điểm.
Bà Phạm Thị Tranh – Tổ 4 khu 6B phường Cẩm Trung – TP Cẩm Phả - Quảng Ninh cho biết: Hiện có khoảng 200 bè nuôi không phép trên địa phận phường Quang Hanh, các hộ cũng được nghe chủ trương của địa phương thông báo. Theo bà Tranh bắt đầu từ ngày 10/03/2023 gia đình bà cũng đã chủ động thuê phương tiện và nhân công để tự nguyện tháo dỡ di dời, và cam kết sau 7-10 ngày sẽ trả lại mặt bằng biển cho địa phương.
Được biết, đến thời điểm này trên địa bàn phường Quang Hanh đã có 12/18 hộ nuôi trồng thủy sản trái phép ngoài quy hoạch đã chủ động tháo dỡ bè nuôi ra khỏi vùng nước biển do địa phương quản lý. Đối với 6 hộ còn lại đã cam kết với chính quyền địa phương chủ động di dời theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Toàn – Phường Cẩm Thủy – TP Cẩm Phả - Quảng Ninh cho biết: Gia đình có 50 bè tre thả nuôi hầu. Chúng tôi cam kết 10 ngày sau chúng tôi sẽ tự nguyện tháo dỡ trả lại mặt nước cho địa phương. Tuy nhiên, ông Toàn cũng mong muốn chính quyền địa phương và tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện cho bà con thu dần thủy hải sản vật nuôi trên bè. Theo ông Toàn, nếu di dời gấp quá các hộ sẽ không bán được, và sẽ rất khó khăn cho đời sống của các hộ. Trong khi nhiều hộ thu nhập chính từ nuôi trồng thủy sản, không có công việc làm khác.
Được biết, cùng với phường Quang Hanh theo sự chỉ đạo của TP Cẩm Phả còn có bốn phường đều có diện tích mặt biển thuộc TP Cẩm Phả quản lý (Cẩm Thủy, Cẩm Trung, Cẩm Bình, Cẩm Đông) cũng đang tích cực giải tỏa diện tích nuôi trồng thủy sản không phép trên địa bàn. Tính đến nay TP Cẩm Phả đã tiến hành tháo dỡ di dời 65/77hộ với diện tích khoảng 140 ha, với 880 bè mảng và trên 1500 dây nuôi hàu. Với 12 hộ chưa thực hiện sau ngày 31/03/2023 TP Cẩm Phả sẽ tổ chức cưỡng chế theo qui định
Xử lý nghiêm lồng bè nuôi trồng thủy sản cản trở giao thông
Theo lãnh đạo TX Quảng Yên: Thời gian gần đây, trên địa bàn xuất hiện tình trạng nhiều ngư dân tự ý kéo lồng bè nuôi trồng thủy sản về khu vực sông Chanh, sông Rút để nuôi dưỡng. Tình trạng này kéo dài không chỉ gây ô nhiễm môi trường xung quanh, mà còn cản trở, gây mất an toàn giao thông tuyến đường thủy.
Được biết, TX Quảng Yên có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nhất là nuôi bằng lồng bè. Hiện trên địa bàn thị xã có gần 7.300ha nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi hàu, hà, cá song. Trong đó 843/868ha nuôi nhuyễn thể (hàu, hà) bằng lồng bè, sản lượng nuôi nhuyễn thể khoảng 4-5 vạn tấn/năm, doanh thu 80-100 tỷ đồng/năm. Nuôi trồng thủy sản lồng bè hiện tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm ngư dân địa phương.
Tuy nhiên, hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè đang ngày càng phát sinh nhiều bất cập. Để hàu, hà nuôi phát triển nhanh, ngư dân thường kéo lồng, bè về các khu vực có độ mặn thấp, vị trí địa lý và luồng lạch, vịnh kín gió. Vì thế, vào mùa khô, tại khu vực sông Chanh, sông Rút thường xuất hiện lồng bè được ngư dân tự ý kéo về để nuôi dưỡng. Một số vị trí lồng bè nằm ngổn ngang dưới mặt nước không theo hàng lối; có những bè, mảng lấn chiếm tới 1/3 bề mặt của sông Chanh, gây cản trở đến giao thông đường thủy.
Trước thực trạng đó, ngày 5/3/2023, địa phương đã cùng các ngành liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng công an tập trung vào các lỗi vi phạm đối với chủ lồng bè nuôi thủy sản được quy định tại Điều 8 Nghị định số 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa", khi khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản, như: Đặt dụng cụ, để phương tiện khai thác nuôi trồng thủy sản, hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng, làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện; đặt dụng cụ, để phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản không đúng theo hướng dẫn của đơn vị quản lý đường thủy nội địa; không dỡ bỏ, di chuyển, thu hẹp các dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản theo thông báo của đơn vị quản lý đường thủy nội địa...
Đồng thời, chủ động tuyên truyền, vận động, yêu cầu người dân di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy sản, cam kết không tái phạm, nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Theo Thượng tá Nguyễn Khánh Toàn - Phó Trưởng Công an TX Quảng Yên: Tất cả các lồng bè được ngư dân tự ý kéo vào nuôi trồng thủy sản không đúng quy định đều phải di chuyển ra khỏi khu vực sông Chanh, sông Rút và các khu vực khác. Trong thời hạn 3 ngày kể từ sau khi kiểm tra và ra thông báo, đối với các trường hợp cố tình không di chuyển, chúng tôi lập biên bản vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp cưỡng chế di chuyển, nhất là khu vực lồng bè neo đậu ở các khu vực gầm cầu, vi phạm vào thượng lưu, hạ lưu cây cầu ưu tiên giải toả.
Bên cạnh đó, Công an địa phương tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành chức năng tiến hành khảo sát các bất cập về tổ chức giao thông, các vị trí có khả năng xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, nhất là các khu vực có nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản có nguy cơ xảy ra tai nạn cao, để chủ động xử lý, phòng ngừa có hiệu quả. Với những biện pháp cứng rắn, kiên quyết, đến nay 90% số lồng bè đã di chuyển khỏi khu vực sông Chanh, sông Rút, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, góp phần hạn chế tai nạn giao thông tuyến thủy và ô nhiễm môi trường nước.
Có thể bạn quan tâm