Ngăn chặn, phòng ngừa việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp
Cơ quan thuế sẽ đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý thuế, quản lý hóa đơn góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh NNT gian lận về hóa đơn.
>> Phân tích, đánh giá để phát hiện sớm gian lận hóa đơn điện tử
Ngày 24/4/2023, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử (HĐĐT)”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, tại 64 điểm cầu tại cơ quan Tổng cục Thuế và Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Số hóa công tác quản lý thuế
Thực hiện Luật Quản lý thuế, ngày 21/4/2022, Tổng cục Thuế đã triển khai hệ thống HĐĐT trên phạm vi toàn quốc như một cam kết tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số, số hóa công tác quản lý thuế, góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình đối với NSNN và tạo sự minh bạch, bình đẳng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc triển khai HĐĐT đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, đến nay đã có trên 04 tỷ HĐĐT được phát hành.
Tuy nhiên, với số lượng hóa đơn ngày càng lớn, đòi hỏi cơ quan thuế cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và áp dụng kỹ thuật hiện đại để phân tích dữ liệu lớn. Theo đó Tổng cục Thuế đã triển khai Trung tâm Cơ sở dữ liệu HĐĐT với chức năng phân tích dữ liệu HĐĐT, phục vụ cho công tác quản lý rủi ro về HĐĐT trong toàn ngành Thuế.
Đối với chức năng đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử với tờ khai thuế: Dựa trên danh sách NNT có số liệu chênh lệch giữa giá trị kê khai và giá trị thực tế trên hóa đơn đã lập, cơ quan thuế quản lý thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phù hợp (kiểm tra tại bàn, thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Trong trường hợp cần thiết có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra) để thực hiện đánh giá tính hình thực hiện và tuân thủ pháp luật thuế của NNT.
Đối với chức năng đánh giá tình hình sử dụng hóa đơn của NNT trong tháng: Trước khi NNT thực hiện nghĩa vụ nộp tờ khai, cơ quan thuế có thể thực hiện đánh giá dữ liệu ngay sau khi kết thúc tháng gồm: thông tin liên quan đến NNT (thời gian thành lập, người đại diện theo pháp luật, có liên quan, vốn đăng ký,…); dữ liệu hóa đơn NNT đã mua vào bán ra, hoặc thực hiện so sánh đánh giá dữ liệu hóa đơn mua vào bán ra của các kỳ liền kề để có thể thấy được sự biến động tăng giảm đột biến từ đó đưa ra biện pháp quản lý kịp thời và phù hợp.
Tăng cường kiểm soát dữ liệu hóa đơn điện tử
Với việc xác định giá mua bán bất thường, công nghệ trí tuệ nhân tạo được áp dụng vào việc phân tích ngôn ngữ tự nhiên, xác định các hóa đơn mua bán cùng loại hàng hóa, từ đó xác định hóa đơn có giá mua bán bất thường.
Hàng tỷ hóa đơn với đa dạng các hàng hóa, dịch vụ khác nhau. Khi cần tập trung kiểm soát những hàng hóa trọng điểm rủi ro, công cụ sẽ giúp cơ quan thuế lọc được những hóa đơn mua bán mặt hàng trọng điểm để phân tích chuyên sâu.
Nhiều trường hợp gian lận hoàn thuế qua xuất khẩu đã nâng khống giá hàng hóa xuất khẩu gấp hàng chục lần. Kiểm soát giá bất thường giúp sàng lọc các trường hợp cần giám sát, giúp ngăn chặn kịp thời gian lận hoàn thuế.
Trong việc xác định chuỗi doanh nghiệp có phát sinh giao dịch mua bán: Với công nghệ mạng Bayes, hệ thống thiết lập được chuỗi các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch mua bán. Từ xâu chuỗi các doanh nghiệp có giao dịch mua bán cùng loại mặt hàng, giúp cho cơ quan thuế truy được nguồn gốc của hàng hóa và giá trị gia tăng giữa các khâu.
Trên cơ sở phân tích chuỗi, tìm những chuỗi có đặc điểm bất thường như chuỗi có nút đầu và nút cuối trùng nhau; chuỗi chỉ có mua, không có bán; chuỗi có nhiều doanh nghiệp bỏ địa điểm kinh doanh… để tìm ra đầu mối nghi ngờ có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Từ đó xác định chuỗi cần phân tích chi tiết, xác định các giao dịch trong chuỗi cần phân tích chuyên sâu, kết quả có thể bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Kết hợp phân tích chuỗi mua bán mặt hàng rủi ro, doanh nghiệp ở cuối chuỗi có đề nghị hoàn lớn để phát hiện các trường hợp nghi ngờ gian lận hoàn thuế.
Để triển khai thực hiện Bộ CSTC theo Quyết định số 78/QĐ-TCT được thống nhất tại cơ quan thuế các cấp, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu xây dựng Quy trình hướng dẫn áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn được thực hiện tự động bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Quy trình dự kiến sẽ ban hành trong tháng 4/2023.
Theo ông Mai Xuân Thành - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, với việc thành lập Trung tâm cơ sở dữ liệu HĐĐT giúp cơ quan thuế đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý thuế, quản lý hóa đơn góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh NNT gian lận về hóa đơn.
Đồng thời, việc chính thức đưa vào vận hành, triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý HĐĐT”, cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung thực hiện rà soát, phân tích để kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành HĐĐT, giúp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp và NNT.
Ngành Thuế cũng tiếp tục thực hiện tuyên truyền cảnh báo đến các doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp từ sớm, từ xa; chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ và tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý HĐĐT.
Đồng thời, chủ động khai thác nguồn cơ sở dữ liệu HĐĐT toàn quốc được phân quyền khai thác và chủ động rà soát, đối chiếu, sàng lọc và xác định rủi ro, lập danh sách các doanh nghiệp có phát sinh các dấu hiệu bất thường, rủi ro cao để áp dụng kịp thời các biện pháp nghiệp vụ phù hợp nhằm phòng chống, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận về HĐĐT.
3 nhóm tiêu chí rủi ro về hóa đơn
Bộ chỉ số tiêu chí (CSTC) ban hành theo Quyết định số 78/QĐ-TCT gồm 3 nhóm:
Nhóm 1: là nhóm các CSTC xác định NNT chuyển từ sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế sang HĐĐT có mã của cơ quan thuế.
Trường hợp nếu NNT có dấu hiệu rủi ro thuộc một trong các CSTC này thì NNT sẽ phải chuyển đổi áp dụng từ sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế sang sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế.
Nhóm 2: là nhóm các CSTC xác định NNT có dấu hiệu rủi ro phải thực hiện rà soát, kiểm tra việc quản lý và sử dụng hóa đơn.
Nhóm CSTC này là nhóm CSTC áp dụng phương pháp tính điểm, xếp hạng rủi ro. Trên cơ sở đó lựa chọn số lượng NNT để đưa ra danh sách NNT cần rà soát, kiểm tra xác định vi phạm về hóa đơn nói riêng và vi phạm về thuế nói chung.
Nhóm 3: là nhóm các CSTC tham khảo xác định NNT có dấu hiệu rủi ro phải thực hiện rà soát, kiểm tra việc quản lý và sử dụng hóa đơn.
Trường hợp NNT có dấu hiệu rủi ro thuộc một trong các tổ hợp CSTC này thì sẽ lựa chọn NNT để đưa vào danh sách NNT cần rà soát, kiểm tra mà không qua chấm điểm rủi ro.
Có thể bạn quan tâm
Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Sớm triển khai thuế tối thiểu nội địa
04:00, 24/04/2023
Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Cần xây dựng chính sách ưu đãi phù hợp
03:30, 23/04/2023
Cần hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp đúng hạn và đúng pháp luật
11:30, 22/04/2023
Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn để bù đắp
04:00, 22/04/2023