Hải Phòng: Cần rà soát lại toàn bộ các tuyến đê bị xâm lấn
Nhiều hành vi vi phạm pháp luật về đê điều đã xảy ra từ năm 2016 và đến nay chưa được xử lý dứt điểm.
>>>“Loạn” vi phạm đê điều tại Hà Nội: Nhiều địa phương vào cuộc xử lý, Tây Hồ vẫn "im lìm"
>>>Báo động vi phạm đê điều tại Nam Định: Đừng để “nguy cơ” thành… thiệt hại!
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi UBND TP Hải Phòng về việc kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.
Văn bản nêu rõ, theo phản ánh, khu vực bãi sông đê tả Lạch Tray trên địa bàn phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân đã xảy ra tình trạng san lấp mặt bằng, xây dựng công trình, nhà ở, khu sinh thái, tập kết vật liệu trên bãi sông trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật về đê điều. Trong đó, nhiều hành vi đã xảy ra từ năm 2016 và đến nay chưa được xử lý dứt điểm.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND TP Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều tại khu vực nói trên.
Đồng thời tổ chức kiểm tra trên toàn bộ địa bàn TP Hải Phòng, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Khi có kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm thì thông tin rộng rãi trên các cơ quan thông tin truyền thông để cảnh báo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, chấp hành nghiêm quy định pháp luật về đê điều.
Theo ghi nhận, hành lang bảo vệ đê tả sông Lạch Tray đang bị lấn chiếm, tôn tạo thành biệt phủ, nhà hàng, khu du lịch sinh thái sang trọng. Đất tại khu vực này có nguồn gốc là đất nuôi trồng thủy sản, thời gian thuê đã hết hạn từ nhiều năm trước nhưng không thu hồi được và người thuê cứ tiếp tục ở lại, có khi còn được mua đi bán lại nhiều lần.
>>>“Loạn” vi phạm đê điều ở Hà Nội: Cần “xử điểm” để răn đe
>>>Xử lý nghiêm các vi phạm đê điều
Được biết, các cấp và cơ quan chức năng Hải Phòng đã nhiều lần ra văn bản chỉ đạo và yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng trên, tuy nhiên mọi hoạt động xây dựng trái phép tại khu vực này vẫn diễn ra rầm rộ.
Đơn cử, ngày 7/3/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng đã có báo cáo gửi UBND TP Hải Phòng về thực trạng nhiều hộ cá nhân san lấp mặt bằng, xây dựng công trình vi phạm quy định về đất đai, quy hoạch, đê điều. Cụ thể, tại km25+300, ông Phạm Quốc Hưng (ở khu đô thị ven sông Lạch Tray) xây dựng nhà diện tích 32 m2. Tại km25+400, khu đất Công ty Cổ phần 27-7 đã chuyển nhượng, phát sinh hoạt động san lấp mặt bằng, xây công trình nhà diện tích 50 m2. Ông Tống Phúc Thuần (ở khu đô thị ven sông Lạch Tray) tập kết vật liệu, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình rộng 43,5 m.
Sau đó, Sở đã phối hợp với UBND phường Vĩnh Niệm lập biên bản, kiến nghị UBND quận Lê Chân có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Tuy nhiên, các vi phạm vẫn tái diễn, không được xử lý, các đối tượng tiếp tục xây dựng công trình.
UBND TP Hải Phòng cũng đã yêu cầu UBND quận Lê Chân tiếp tục, khẩn trương kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm tại khu vực đê tả Lạch Tray. Thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm phát sinh và báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 4/2023.
Đồng thời yêu cầu UBND các quận, huyện khác, cũng phải tổ chức rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn quản lý, hoàn thiện trong tháng 5/2023.
Không riêng gì Lê Chân, tình trạng vi phạm pháp luật đê điều xảy ra ở hầu hết các quận, huyện có bãi tập kết vật liệu ven sông, như: Dương Kinh, An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Thuỷ Nguyên…
Tại các bãi bồi ven đê, các công trình, nhà xưởng, bãi tập kết vật liệu xây dựng san sát nhau. Nhiều bãi tập kết cát, đá, than chất đống cao vượt đỉnh đê 3-5m. Nhiều nhà xưởng, công trình kiên cố gắn biển đề tên doanh nghiệp, công ty. Tuy nhiên, việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn vì tình trạng lộn xộn, thiếu quy hoạch, đa số là hoạt động trái phép, nhiều vi phạm kéo dài chưa có biện pháp thống nhất xử lý triệt để.
Luật sư Nguyễn Văn Thuận – Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, Đoàn Luật sư Hải Phòng cho biết, tại Khoản 5 Điều 7 Luật Đê điều 2020 quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.
Cũng theo Luật sư Thuận, sở dĩ tình hình vi phạm đê điều Hải Phòng diễn biến phức tạp, qui mô và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng là do ý thức chấp hành kỷ cương luật pháp của một số doanh nghiệp, cá nhân chưa cao. Bên cạnh đó, để xảy ra tình trạng “đã rồi” trong việc vi phạm đê điều có một phần trách nhiệm của chính quyền các cấp địa phương, thể hiện sự buông lỏng quản lý.
Để khắc phục triệt để những vụ vi phạm, Luật sư Thuận cho rằng, thành phố cần khẩn trương quy hoạch các bến bãi khai thác và tập kết vật liệu tại các khu vực đường thuỷ, đồng thời thực hiện triệt để quy hoạch này. Cùng với đó, rà soát lại việc cấp phép các bến bãi, nếu doanh nghiệp và cá nhân vi phạm phải kiên quyết thu hồi giấy phép, buộc khắc phục hậu quả, thậm chí truy tố nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự, chứ không chỉ là phạt tiền rồi cho… tồn tại như hiện nay.
"Tiếp đó, phải quy trách nhiệm cụ thể và xử lý người đứng đầu chính quyền cấp xã phường, quận huyện, kể cả người đứng đầu đơn vị có thẩm quyền xử lý nhưng vẫn để vi phạm tồn tại và phát sinh. Trước mắt, đối với những bến bãi khai thác, tập kết vật liệu xây dựng, để giải toả hiệu quả, cần quy định lộ trình thời gian, kết hợp giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng tái lấn chiếm do buông lỏng quản lý sau khi giải toả", Luật sư Thuận nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Sửa đổi quy định phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch thủy lợi, đê điều
20:58, 07/01/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xóa bỏ các trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ đập
19:15, 18/06/2021
CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (XV): Yêu cầu kiểm tra, xử lý tình trạng “loạn” vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội
04:50, 19/02/2021
CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (VI): Kiểm tra, xử lý vi phạm đê điều tại Hải Dương
05:59, 14/02/2021