Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp có hiệu quả là năng lực cạnh tranh cốt lõi
Đây là chia sẻ của TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tại Hội thảo “Thương mại và Đầu tư giữa Hàn Quốc – Việt Nam: Tìm kiếm cơ hội trong nghịch cảnh”.
>> Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại: Nhiều vấn đề cần mổ xẻ!
Theo đó, trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023 (VAW2023), sáng ngày 08/05/2023 tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức Hội thảo “Thương mại và Đầu tư giữa Hàn Quốc – Việt Nam: Tìm kiếm cơ hội trong nghịch cảnh”.
Hội thảo có sự tham gia của gần 150 đại biểu đến từ các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên có hoạt động hợp tác kinh doanh với đối tác Hàn Quốc, các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, luật sư, Trọng tài viên/Hòa giải viên, giảng viên v.v…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, nền kinh tế Việt Nam, Hàn Quốc và các doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc là những nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiên phong trong hội nhập và luôn có độ mở cao đang phải đối diện trực tiếp với những áp lực to lớn của một thế giới biến đổi khó lường.
Một thế giới với những tác động vô cùng lớn của biến đổi khí hậu, của dịch bệnh, của chiến tranh và những chuyển động về địa chính trị, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, áp lực lạm phát gia tăng, kinh tế toàn cầu suy giảm… Các cuộc cách mạng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh bên cạnh những cơ hội cũng đặt trước các nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp nhất là những nước đang phát triển những áp lực vô cùng lớn, cạnh tranh ngày càng khốc liệt…
“Thông thường trong một thế giới có nhiều biến động và cạnh tranh khốc liệt thì rủi ro và tranh chấp luôn có xu hướng gia tăng và quản trị rủi ro phòng ngừa và giải quyết tranh chấp có hiệu quả phải là một năng lực cạnh tranh cốt lõi của các doanh nghiệp và các nền kinh tế. Đây là điều mà doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm và cũng là một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá một môi trường đầu tư kinh doanh”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam cùng những thách thức và cơ hội trong một số ngành nghề nổi bật.
Còn về phía đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), ông Hong Sun - Chủ tịch KOCHAM, cũng chia sẻ về những mối quan tâm và xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cùng những quan sát nói chung trong hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Hội thảo cũng lắng nghe, các diễn giả thảo luận về xu hướng M&A trong giai đoạn kinh tế nhiều biến động – từ góc nhìn quản lý các giao dịch và tranh chấp.
Cùng với các phiên thảo luận chuyên đề, Hội thảo đã chứng kiến lẽ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM). Thỏa thuận hợp tác này được đặt ra trong bối cảnh hai bên cùng chung mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư phòng ngừa và khắc phục các rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, thông qua các cơ chế hợp pháp và hiệu quả, góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư bền vững giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Theo đó, Thỏa thuận nhằm khuyến khích sự hợp tác của hai bên hướng tới: nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong việc phòng ngừa rủi ro pháp lý và giải quyết tranh chấp hiệu quả thông qua các cơ chế ngoài tòa án; và tạo điều kiện giải quyết hòa bình, hiệu quả các tranh chấp thương mại phát sinh từ hoạt động của doanh nghiệp.
Được biết, Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023 (VAW2023) được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Câu lạc bộ luật sư Thương mại Quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 8/5/2023 đến hết ngày 12/05/2023 với gần 20 sự kiện hướng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
VAW đã khởi xướng tổ chức bởi VIAC lần đầu tiên năm 2020 và dự kiến sẽ trở thành sự kiện thường niên kết nối cộng đồng những người hành nghề trọng tài và hòa giải tại Việt Nam và quốc tế. Năm nay, VAW diễn ra với sự phối hợp của hơn 60 đối tác cùng sự tham gia của gần 80 chuyên gia trong nước và quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại: Nhiều vấn đề cần mổ xẻ!
12:28, 18/04/2023
Kỳ vọng vào những quyết sách quan trọng tại kỳ họp bất thường lần 2, Quốc hội khóa XV
09:07, 05/01/2023
Nghệ An: Xe trọng tải lớn tung hoành trên nhiều cung đường ở Nam Đàn
09:42, 30/12/2022
Vụ doanh nghiệp vận tải "tố" cán bộ hải quan TP. HCM gây khó dễ: Trọng tài Quốc tế nói gì?
14:30, 04/12/2022
Thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong tái chế rác thải nhựa
16:04, 02/12/2022