Việc thúc đẩy doanh nghiệp chung tay cùng cơ quan quản lý xử lý và tái chế rác thải nhựa là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay khi tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang gia tăng.
>>Hoàn thuế VAT - Cần được thực thi đúng luật
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) và Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED), PepsiCo Vietnam phối hợp tổ chức hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong thu gom, tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam”.
Hội thảo nhận được sự quan tâm và thu hút hơn 50 doanh nghiệp tham gia. Đây là một trong hiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong việc quản lý và xử lý rác thải nhựa để tìm kiếm các giải pháp đổi mới, hướng tới sản xuất và kinh doanh bền vững thông qua áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Giới thiệu về kinh tế tuần hoàn trong tái chế rác thải nhựa, ông Nguyễn Thi – Chuyên viên chính, Vụ pháp chế, Bộ Tài Nguyên Môi trường cho hay, châu Âu hay Mỹ đã đi trước chúng ta việc này 30 năm đến 40 năm. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là quy định quan trọng trong thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp trong việc tạo ra nguồn nguyên liệu tái chế ổn định và nâng cao hình ảnh thương hiệu cho doanh nghiệp.
Nguồn tài chính do doanh nghiệp đóng góp để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất sẽ được sử dụng công khai, minh bạch, đúng mục đích trong việc hỗ trợ tài chính các hoạt động thu gom, xử lý sản phẩm, bao bì sau sử dung, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và bao bì chứa hóa chất bảo vệ thực vật…. Đây là một trong những công cụ tài chính hiệu quả để nâng cao năng lực thu gom, tái chế chất thải ở nước ta trong đó có chất thải nhựa”.
Trong khi đó, ông Đỗ Đình Bằng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Gia Lai lại cho hay “rác thải nhựa ở Gia Lai chỗ nào cũng có nhất là khu vực nông thôn, tại các dòng suối, dòng kênh. Đây cũng đang là một tiềm năng lợi thế cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tái chế rác thải nhựa. Doanh nghiệp họ sẽ làm nếu được tạo cho họ về cơ chế chính sách, còn vốn thì có thể họ xoay sở nguồn khác.
Cũng có những quan điểm kinh tế tuần hoàn trong rác thải nhựa, nhưng ông Bùi Quốc Bình – Giám đốc Siêu thị Co.opmart Pleiku chia sẻ một cách hay trong kinh tế tuần hoàn “đơn vị sử dụng túi bóng cón nguồn gốc từ bột ngô, điều này sẽ giúp rác thải tự phân huỷ sau khi bị bỏ ra môi trường, không gây ảnh hưởng đển môi trường tự nhiên. Mặc dù nó cao hơn túi nylon, nhưng trong bài toán tuần hoàn kinh tế thì nó ngang nhau mà điều ưu tiên là bảo vệ môi trường.”
Theo con số của Tổng cụ thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nhựa là nguyên liệu được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm bao bì, hàng tiêu dùng, điện tử, ô tô, hàng không, dệt may và nông nghiệp. Năm 2019, ngành nhựa Việt Nam sản xuất 8,89 triệu tấn sản phẩm và có đóng góp ước tính 17,5 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia, hay tương đương với 6,7% GDP.
Nhưng hiện nay, nhựa lại đang là vấn đề đã và đang gây ra những hậu quả ngày càng lớn về kinh tế, môi trường và xã hội. Ước tính trung bình mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng và thải bỏ 4 túi nylon/ngày, khoảng 30 tỷ túi nylon được sử dụng và thải bỏ mỗi năm. Trong đó, chỉ 17% được tái chế và tái sử dụng, phần còn lại được thải bỏ ngay sau khi sử dụng một lần. Với các con số này, Việt Nam là một trong các quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới.
Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng khẳng định: “EPR (trách nhiệm của nhà sản xuất) là một chính sách môi trường dựa trên nguyên tắc - Người gây ô nhiễm phải trả tiền. EPR khuyến khích người sản xuất cân nhắc đến vấn đề môi trường ngay từ khi có ý tưởng đến thiết kế, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nội hóa chi phí quản lý chất thải vào trong chi phí sản phẩm. EPR cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp chú trọng sản xuất kinh doanh gắn với bảo về môi trường, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường liên kết, tái chế chất thải góp phần thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn phát triển”.
Rõ ràng, việc thu gom, tái chế rác thải đúng cách mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội. Điều này sẽ thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, bảo đảm sự phát triển bền vững và tối ưu được các lợi thế cũng như sự tác động, hỗ trợ qua lại lẫn nhau của các yếu tố trong nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm