Có hiện tượng găm hàng, tăng giá đường

KHÔI NGUYÊN 30/08/2023 00:06

“Giá đường trên thị trường đã có những biến động bất thường. Diễn biến thị trường cho thấy bắt đầu có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá của một số đơn vị…”.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam xung quanh câu chuyện giá đường trong thời gian gần đây đang có những biến động bất thường. Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa có công văn gửi hội viên về việc tham gia bình ổn thị trường đường.

>>Thiếu xăng dầu hay lấy cớ để găm hàng?

hihihi

Thời gian gần đây có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá của một số đơn vị, giá đường có thể bị đẩy đến mức quá cao. Ảnh minh họa

Cụ thể theo VSSA, thời gian gần đây có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá của một số đơn vị, giá đường có thể bị đẩy đến mức quá cao. Trong khi đó, mới đây ngành thực phẩm có kiến nghị mở rộng hạn ngạch nhập khẩu đường với tối thiểu 600.000 tấn, do các nhà máy sản xuất đường trong nước không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Trước kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Lộc - chủ tịch VSSA cho biết, hiệp hội đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cụ thể, trong vụ 2022 - 2023, ngành đường Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía trong khi vẫn giữ giá đường ở mức tương đương và thấp hơn so với các nước sản xuất mía đường lân cận như Philippines, Indonesia và Trung Quốc.

Đề xuất giải pháp điều hành nhập khẩu, VSSA cho rằng lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường 2023 là lượng tối thiểu theo cam kết WTO là 119.000 tấn, thời điểm thực hiện đấu giá tháng 9/2023.

VSSA cũng kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh các quy định đấu thầu hạn ngạch thuế quan để ngăn cản các hành vi bắt tay vô hiệu hóa hình thức đấu giá, bảo đảm kết quả đấu giá phân giao phù hợp với các yêu cầu của Luật Cạnh tranh và Luật Đấu thầu.

Sau khi thực hiện khối lượng đấu giá 119.000 tấn, nếu có dấu hiệu giá đường tăng do thiếu nguồn cung hoặc hiện tượng găm hàng tăng giá quá cao, VSSA sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất nhập khẩu bổ sung trước khi vào vụ ép 2023 - 2024.

>>Có tình trạng cây xăng cố tình găm hàng chờ tăng giá

Cũng theo VSSA, hiện nay ngành đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị vào vụ sản xuất ép mía 2023 - 2024 và một thị trường đường ổn định là yếu tố quan trọng bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết sản xuất mía đường.

Do đó, VSSA khuyến cáo các hội viên sản xuất tham gia bình ổn thị trường bằng cách đưa đường ra thị trường theo yêu cầu sử dụng và giữ giá bán đường hiện nay là mức giá hợp lý, không để giá đường tăng thêm.

Liên quan đến thông tin Ấn Độ dự kiến cấm xuất khẩu đường từ tháng 10 tới, ông Nguyễn Văn Lộc cho biết năm 2022, lượng đường nhập khẩu từ Ấn Độ vào nước ta chỉ chiếm 0,16% tổng lượng đường mà Việt Nam nhập khẩu. Do đó, việc Ấn Độ hạn chế, cấm xuất khẩu đường không tác động đến ngành mía đường Việt Nam.

Theo ông Lộc, thị trường đường thế giới chịu nhiều tác động không chỉ có cung cầu, có thể bị tác động bởi chính sách trợ giá, trợ cấp và ảnh hưởng của ngành khác nên việc Ấn Độ xuất khẩu hay ngừng xuất khẩu thì cũng không tác động nhiều đến thị trường đường thế giới.

"Việt Nam nhiều năm bị ảnh hưởng đường phá giá của Thái Lan, ép giá đường xuống dưới giá mía, nông dân bỏ trồng mía, 16 nhà máy mía đường phải đóng cửa. Hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi, đường Việt Nam hiện nay sản xuất ra “đấu” với đường phá giá, đường nhập lậu là đủ", ông Lộc nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng loạt cửa hàng đóng cửa, treo biển “hết xăng”: Thiếu nguồn cung hay

    Hàng loạt cửa hàng đóng cửa, treo biển “hết xăng”: Thiếu nguồn cung hay "găm hàng"?

    05:00, 27/05/2020

  • Thiếu xăng dầu hay lấy cớ để găm hàng?

    Thiếu xăng dầu hay lấy cớ để găm hàng?

    03:30, 11/02/2022

KHÔI NGUYÊN