Trung tâm quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng nói gì khi bị “tố” thiếu trách nhiệm trong PCCC?
Phản hồi đến Diễn đàn Doanh nghiệp, Trung tâm quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng cho hay vẫn thực hiện bảo trì hệ thống trang thiết bị để phục vụ PCCC?
>>Thuốc "đặc trị" bệnh phớt lờ PCCC ở chung cư
Các cư dân sống tại chung cư 12T1 (quận Sơn Trà) “tố” Trung tâm quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng thiếu trách nhiệm trong duy tu, bảo dưỡng hệ thống PCCC.
Thực hiện đủ trách nhiệm?
Ông Trà Văn Quang – Phó Giám đốc Trung tân quản lý và khai thác nhà (Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng) vừa ký văn bản phản hồi thông tin đến Diễn đàn Doanh nghiệp về bài viết “Đà Nẵng: Người dân “tố” Trung tâm quản lý và khai thác nhà thiếu trách nhiệm trong PCCC?”. Cụ thể, Khối nhà 12T1 thuộc khu chung cư 12 tầng tại khu tái định cư Làng cá Nại Hiên Đông được bàn giao vào tháng 4/2014, bắt đầu bán nhà theo đề án thí điểm vào tháng 11/2015 và hoàn thành bàn giao cho các hộ dân sử dụng vào tháng 4/2017.
Trong đó, Trung tâm quản lý và khai thác nhà (Trung tâm) cho hay vào tháng 9/2016 hệ thống PCCC và một số hạng mục hạ tầng, kỹ thuật của nhà chung cư đã hết thời gian bảo hành. Tại thời điểm kết thúc thời gian bảo hành đại diện chủ đầu tư, tổng thầu và công ty quản lý nhà chung cư Đà Nẵng tổ chức nghiệm thu kết thúc bảo hành công trình, tại buổi kiểm tra có các thành phần tham gia xác nhận tình trạng công trình có chất lượng đảm bảo, sử dụng tốt.
Trung tâm cho rằng việc cư dân phản ánh hệ thống PCCC chưa bao giờ hoạt động được là không có cơ sở. Tại thời điểm bàn giao, hệ thống PCCC do chủ đầu tư trang bị hoạt động bình thường đáp ứng đủ điều kiện đưa vào sử dụng?!
Đồng thời, đơn vị này cho hay đến năm 2018, Trung tâm triển khai kiểm tra tất cả hệ thống phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư đang quản lý, trải qua thời gian không sử dụng, các thiết bị PCCC bị hư hỏng cần sửa chữa. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố trong việc xây dựng phương án cải tạo hệ thống PCCC nhà chung cư và nhà liền kề trên địa bàn thành phố, Trung tâm đã phối hợp các đơn vị có liên quan lên phương án và lập khái toán xin kinh phí cải tạo sửa chữa và nâng cấp hệ thống PCCC tại các khu chung cư, ký túc xá mà Trung tâm đang quản lý trên địa bàn thành phố (trong đó có nhà 12T1).
“Theo ý kiến của các cơ quan chuyên môn đề nghị không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống PCCC tại nhà 12T1 do đây là 2 khối nhà bán theo đề án. Kinh phí sửa chữa phải sử dụng kinh phí bảo trì của các tòa nhà để thực hiện”, văn bản phản hồi nêu.
Đồng thời, Trung tâm cũng cho hay tháng 12/2018, khi Ban Quản trị nhà 12T1 được thành lập, Trung tâm đã đề nghị các Ban Quản trị tiếp nhận kinh phí bảo trì để bảo trì, sửa chữa hệ thống báo cháy theo đúng quy định. Tuy nhiên, Ban Quản trị 12T1 đề nghị sửa chữa hệ thống PCCC nhưng không được sử dụng kinh phí 2%, khi nào hệ thống hoạt động tốt mới đồng ý nhận. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 11 và khoản 2, Điều 34 Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 thì việc bảo trì hệ thống PCCC phải được sử dụng kinh phí từ quỹ 2% kinh phí bảo trì, do đó đề nghị này của Ban Quản trị là không có cơ sở, dẫn đến việc bàn giao tiếp nhận chưa thực hiện được, kéo dài đến hiện nay, mặc dù Trung tâm đã căn cứ quy định giải thích nhiều lần.
Trong thời gian từ tháng 5/2018 đến nay, để đảm bảo an toàn sử dụng cho người dân, ngoài chức năng quản lý vận hành tòa nhà, Trung tâm vẫn phải thường xuyên thực hiện bảo trì hệ thống trang thiết bị để phục vụ công tác PCCC khi có sự cố xảy ra, như kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và bổ sung các bình chữa cháy xách tay đảm bảo số lượng theo quy định. Sửa chữa, thay mới một số đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố, van, vòi chữa cháy, đảm bảo hệ thống chữa cháy vách tường hoạt động bình thường.
Về việc Ban Quản trị cho rằng Trung tâm mập mờ, tự ý xài tiền bảo trì của người dân, Trung tâm cho rằng tổng kinh phí bảo trì 2% thu được của các hộ mua nhà tại 12T1 là 1.081.874.000 đồng, hiện Trung tâm đang gửi vào tài khoản tại ngân hàng Agribank chi nhánh Đống Đa. Đến ngày 25/9/2023 tổng gốc và lãi là 1.267.712.622 đồng, Trung tâm chưa sử dụng bất cứ số tiền nào từ nguồn này.
Hiện đơn vị đã tạm ứng 551.454.320 đồng để bảo trì thang máy và sửa chữa hư hỏng trên tổng số 143 căn hộ. Trung tâm cũng lý giải trong thời gian chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu, việc bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện theo quy trình bảo trì do chủ đầu tư tổ chức lập và phê duyệt. Và Ban Quản trị nhà chung cư có trách nhiệm quyết toán số tiền này trước khi tiến hành bản giao tiếp nhận kinh phí bảo trì 2%.
“Về các hạng mục Trung tâm đã tạm ứng để bảo trì: Căn cứ định tại quy khoản 2 Điều 34 Thông tư 02/2016/TT-BXD: “Bảo trì hệ thống các thiết bị thuộc sở hữu chung của nhà chung cư, bao gồm thang máy, máy phát điện, máy bơm nước, hệ thống thông gió, hệ thống cấp điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, các thiết bị điện dùng chung, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống cấp ga, lò sưởi trung tâm, phát thanh truyền hình, thông tin liên lạc, phòng cháy, chữa bị khác dùng chung cho nhà chung cư cháy, cột thu lôi và các thiết bị khác dùng chung cho nhà chung cư. Trung tâm đã chuẩn bị đủ các hồ sơ hóa đơn, chứng từ chứng minh số tiền bảo trì, sửa chữa đã thanh toán, và đề nghị Ban Quản trị phối hợp kiểm tra, hiện nay Ban Quản trị đang kiểm tra rà soát thống nhất bàn giao hồ sơ”, Trung tâm viện dẫn.
Về các đóng góp thêm kinh phí bảo trì, Trung tâm cho rằng là đúng quy định pháp luật, nhưng sau này là việc của Ban quản trị và cư dân. Trung tâm cũng xác nhận có những hư hỏng tại chung cư 12T1 như nứt vữa trát, thấm tường nhà, bong tróc sơn, sàn bị bong tróc lớp gạch chống nóng,...
Đối với vấn đề Trung tâm không công khai thu chi đối với phí quản lý vận hành, Trung tâm cho rằng UBND thành phố quy định mức giá quản lý vận hành của 02 khối nhà nêu trên là 4.277 đồng/m2/tháng và giao Công ty Quản lý nhà chung cư (nay là Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà) thu phí và quản lý vận hành chung cư theo quy định. Trung tâm cho rằng mức thu này thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, đem lại lợi ích cho cư dân.
Các hạng mục Trung tâm chi cho quản lý vận hành thực hiện theo quy định tại Điều 105 Luật Nhà ở năm 2014 và khoản 1 Điều 10 Thông tư 02/2016/TT-BXD, bao gồm điều khiển, duy trì hoạt động, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống thang máy, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy, dụng cụ chữa cháy, các thiết bị dự phòng và các thiết bị khác thuộc phần sở hữu chung, sử dụng chung của tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ bảo vệ, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, diệt côn trùng và các dịch vụ khác bảo đảm cho nhà chung cư hoạt động bình thường.
“Do đó, cơ sở để Trung tâm thu phí quản lý vận hành khối nhà 12T1 Làng cá Nại Hiên Đông là theo Quyết định của UBND thành phố, và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố, không phải theo Hợp đồng ký với Ban Quản trị tòa nhà. Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà chỉ quản lý vận hành tòa nhà cho đến khi Hội nghị nhà chung cư bầu ra Ban Quản trị và Ban Quản trị có trách nhiệm thuê đơn vị khác để quản lý vận hành. Theo quy định tại Điều 42 Thông tư 02/2016/TT-BXD thì đơn vị quản lý vận hành cũng chỉ có trách nhiệm báo cáo trước Hội nghị nhà chung cư tình hình quản lý vận hành tòa nhà, không có trách nhiệm báo cáo thu chi quyết toán kinh phí này và cũng không có quy định nào quy định Ban Quản trị tham gia quản lý sử dụng kinh phí này”, Trung tâm trả lời.
Bản quản trị chung cư nói gì?
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, Ban quản trị nhà 12T1 cho rằng phản hồi của Trung tâm có nhiều nhập nhằng. Cụ thể, tại thông tin tổ chức nghiệm thu kết thúc bảo hành công trình, tại buổi kiểm tra các thành phần tham gia xác nhận tình trạng công trình có chất lượng đảm bảo, sử dụng tốt nhưng không có sự tham gia của lực lượng Cảnh sát PCCC.
Với thông tin về mốc thời gian tháng 12/2018, khi Ban Quản trị nhà 12T1 được thành lập, Trung tâm đã đề nghị các Ban Quản trị tiếp nhận kinh phí bảo trì để bảo trì, sửa chữa hệ thống báo cháy theo đúng quy định, Ban quản trị mới cho rằng thông tin này cần được kiểm chứng, đối chất giữa các bên. Đặc biệt hơn, khoản kinh phí bải trì 2% được giữ lại từ năm 2016, Ban quản trị nhà 12T1 cho rằng cần làm rõ số tiền này được gửi vào ngân hàng từ thời điểm nào?
Chị Tạ Thị Vinh – Trưởng nhà 12T1 cho rằng với khoản tiền hơn 1 tỷ đồng gửi ngân hàng từ năm 2016 đến năm 2023 được thông báo lãi gần 200 triệu là khá vô lý, thông tin này cần được sao kê rõ ràng. Đồng thời, chị Vinh cho rằng Trung tâm đã tạm ứng hơn 551 triệu đồng để bảo trì thang máy và sửa chữa hư hỏng trên tổng số 143 căn hộ (sau này trừ vào kinh phí bảo trì 2%) thì việc thu tiền 220.000 đồng/hộ/tháng để điều khiển, duy trì hoạt động, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống thang máy, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống báo cháy tự động,... là không phù hợp.
“Việc Trung tâm đã tạm ứng 551.454.320 đồng để bảo trì thang máy và sửa chữa hư hỏng trên tổng số 143 căn hộ trong 5 năm qua, không hiểu vì sao lại không kê khai để Ban quản trị cũ thông qua? Ngoài ra, Trung tâm nói cơ sở để Trung tâm thu phí quản lý vận hành khối nhà 12T1 là theo Quyết định của UBND thành phố, và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố, không phải theo Hợp đồng ký với Ban Quản trị tòa nhà không thuyết phục, bởi lẽ họ thu tiền của các hộ dân tại đây nhưng lại không công khai để dân biết, không rõ ràng thì làm sao dân hiểu được”, chị Vinh nói thêm.
Minh chứng rõ ràng về thông tin gửi đến Diễn đàn Doanh nghiệp trong bài trước, chị Vinh cùng một số cư dân tại nhà 12T1 đã chỉ rõ những vấn đề mà hệ thống PCCC đang gặp phải. Trong đó, chuông báo cháy không hề hoạt động, nhiều đầu nối vòi dây dẫn nước chữa cháy đã bị oxi hóa nặng, đèn báo lối thoát hiểm cũng đã bị hư hỏng nặng không còn tín hiệu. Cùng với đó là đèn dẫn cầu thang cũng “mất tích”, bảng hướng dẫn PCCC hoen gỉ không nhìn rõ chữ,....
Đặc biệt hơn, sau khi Diễn đàn Doanh nghiệp online đăng tải bài viết “Đà Nẵng: Người dân “tố” Trung tâm quản lý và khai thác nhà thiếu trách nhiệm trong PCCC?” vào ngày 17/10 thì chiều ngày 18/10 phía Trung tâm đã cho nhân viên đến sửa chữa, lắp đặt một số dây dẫn nước, ống nối mới.
Theo người dân sống tại chung cư 12T1, việc cơ sở vật chất xuống cấp, hệ thống PCCC hư hỏng khiến các hộ dân luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt là thời gian gần đây đã có nhiều sự việc tiêu cực diễn ra, ảnh hưởng đến tâm lý của các cư dân.
Tại biên bản kiểm tra an toàn PCCC của Công an quận Sơn Trà trước đó cũng đã nêu rõ các tồn tại trục kỹ thuật điện, nước xuyên tường ngăn cháy chưa được chèn, bị bằng các vật liệu chóng cháy. Đồng thời, cửa phòng kỹ thuật điện các tầng không phải là cửa ngăn cháy. Thang bộ thoát nạn từ tầng hầm lên và từ các tầng trên xuống không được ngăn bằng vách ngăn cháy loại I.
Cùng với đó, một số đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố tại các tầng hoạt động không đảm bảo. Việc bố trí, sắp xếp vật tư hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn. Đặc biệt với hệ thống, phương tiện PCCC đã trang bị hệ thống báo cháy tự động, tuy nhiên hệ thống đang trong trạng thái bảo dưỡng, sửa chữa theo chủ trương của UBND TP. Đà Nẵng. Tồn tại là hệ thống báo cháy chưa đảm bảo theo quy định.
Các hộp chứa họng nước được trang bị lăng, vòi, đặt đúng vị trí theo thiết kế, không có vật dụng cản trở, đảm bảo việc dễ thấy, dễ lấy, dễ sử dụng khi có chấy nổ xảy ra. Tuy nhiên một số tầng vòi, lăng không đảm bảo theo quy định,...
Có thể bạn quan tâm