Hướng dẫn thi hành pháp luật cho doanh nghiệp tại Hải Dương
Cần làm gì khi máy móc nhập khẩu thực tế khác hồ sơ đăng ký đầu tư? Đó là một trong nhiều câu hỏi của doanh nghiệp tại hội nghị tập huấn, hướng dẫn thi hành pháp luật về đầu tư tại Hải Dương.
>>>Hải Dương: Gần 300 tỷ đồng xây mới chung cư Tạ Quang Bửu
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương vừa tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn thi hành pháp luật về đầu tư và giải đáp vướng mắc thuộc lĩnh vực đầu tư cho các doanh nghiệp. Hội nghị này có gần 300 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp ở Hải Dương tham gia hội nghị.
Theo đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin một số điểm nổi bật trong các quy định về đầu tư như trình tự chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; phạm vi ban hành chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh. Điểm khác biệt giữa 2 dạng chủ trương đầu tư gồm dạng chưa có tên nhà đầu tư và đã có tên nhà đầu tư; thủ tục chung chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư; điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư; chuyển nhượng dự án đầu tư, thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp…
Trong quá trình thực hiện dự án, máy móc, thiết bị nhập khẩu phải phù hợp với hồ sơ đăng ký đầu tư, nếu có sai khác thì cần lập báo cáo giải trình gửi Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, từ đó gửi kèm hồ sơ dự án trong việc phối hợp với một số đơn vị liên như cơ quan hải quan.
Doanh nghiệp chuyển địa điểm sang một địa điểm khác trong khu công nghiệp phải thay đổi giấy phép đầu tư liên quan. Nhà xưởng cũ không dùng muốn cho thuê lại cần bảo đảm rất nhiều điều kiện như sự chấp thuận của chủ đầu tư hạ tầng (phụ lục hợp đồng cho thuê đất), giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, vấn đề môi trường… Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh không khuyến khích doanh nghiệp cho thuê lại nhà xưởng đã thuê từ chủ đầu tư hạ tầng. Đặc biệt với doanh nghiệp chế xuất sẽ không được chấp thuận cho thuê lại nhà xưởng không dùng. Một số câu hỏi liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan sẽ được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tổng hợp, phối hợp các cơ quan liên quan để trả lời doanh nghiệp.
Từ đầu năm 2023 đến ngày 14/11, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 47 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 892 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 27 lượt dự án FDI, vốn đầu tư đăng ký tăng thêm gần 129 triệu USD. Cấp mới 9 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.925 tỷ đồng, điều chỉnh 6 lượt dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 3.120 tỷ đồng.
Hiện các khu công nghiệp ở Hải Dương đã thu hút 371 dự án đầu tư, trong đó 17 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (2 dự án FDI đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 74 triệu USD, 15 dự án DDI đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư đăng ký 20.055 tỷ đồng). 354 dự án đầu tư thứ cấp, trong đó 280 dự án FDI đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn đầu tư đăng ký 5,88 tỷ USD, 74 dự án DDI, tổng vốn đầu tư đăng ký 11.842 tỷ đồng. 260/354 dự án thứ cấp đã triển khai đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo lãnh đạo BQL Khu công nghiệp: Hải Dương cũng luôn mong muốn và đề nghị các nhà đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ của đơn vị, sản xuất - kinh doanh đạt mức tăng trưởng tốt; luôn quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động; chấp hành nghiêm pháp luật của Việt Nam trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh; tiếp tục sát cánh, đồng hành và chia sẻ cũng như mạnh dạn đề xuất, hiến kế những giải pháp xây dựng tỉnh Hải Dương ngày càng phát triển.
Hải Dương cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư thân thiện để các nhà đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm