Nóng cuộc đua thành lập ngân hàng số ở Singapore
Theo một khảo sát mới đây của Visa, 2/3 số người Singapore được hỏi sẵn sàng từ bỏ dịch vụ ngân hàng truyền thống để sử dụng dịch vụ ngân hàng số trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn liên tiếp xin thành lập ngân hàng số ở Singapore sau khi quốc gia này có những chính sách mở cửa lĩnh vực ngân hàng.
Đơn cử như Razer đã hợp tác cùng các doanh nhân Singapore và tỷ phú Châu Á nộp đơn xin thành lập một ngân hàng số toàn diện. Như vậy, sau Grab, thì Razer là đơn vị thứ 2 tham gia cuộc đua thành lập ngân hàng số ở Singapore.
Tính đến tháng 1/2020, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) cho biết đã có 21 hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động ngân hàng số, trong đó 7 hồ sơ xin giấy phép ngân hàng số toàn diện, còn lại là các hồ sơ xin cấp phép ngân hàng số bán buôn.
Theo kế hoạch, vào khoảng tháng 6/2020, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) sẽ cấp giấy phép thành lập ngân hàng số cho khoảng 5 đơn vị, những ngân hàng này dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2021. Trong đó, 2 đơn vị sẽ được cấp phép hoạt động ngân hàng số toàn diện và 3 đơn vị được giấy phép hoạt động ngân hàng số bán buôn, phục vụ đối tượng khách doanh nghiệp. Theo dự kiến, vốn điều lệ 1,1 tỷ USD với ngân hàng số toàn diện và gần 74 triệu USD với ngân hàng số bán buôn.
Với việc Singapore sẽ sớm cấp hàng loạt giấy phép ngân hàng số, người tiêu dùng nước này cho biết sẵn sàng chuyển đổi từ một số dịch vụ ngân hàng truyền thống sang dịch vụ ngân hàng số.
Theo cuộc khảo sát “Hành vi thanh toán người dùng “ của Visa đối với 511 người tham gia, có tới 65% người dùng sẵn sàng sử dụng ngân hàng số. Cùng với đó, 84% số người được hỏi quan tâm đến việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng số được cung cấp bởi một ngân hàng truyền thống hiện tại, và 63% cho biết họ rất thích giao dịch với các startup.
Ngoài ra, 64% người dùng tham gia khảo sát cho biết sẽ sử dụng các ngân hàng số để chuyển tiền cho gia đình và bạn bè, trong khi 64% sẽ làm như vậy để thanh toán hóa đơn và 56% sẽ sử dụng để thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ.
Điều mà các dịch vụ ngân hàng số thu hút người Singapore là các chương trình khuyến mại có được khi đăng ký, cùng với đó là sức hút từ các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo hơn, phí giao dịch thấp hơn...
Ông Kunal Chatterjee, Giám đốc quốc gia của Visa tại Singapore và Brunei, cho biết thị trường ngân hàng số ở Singapore nói riêng và Đông Nam Á nói chung đang đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong nhiều năm nay, tạo tiền đề cho cuộc cách mạng tiếp theo của ngành ngân hàng khu vực. Trong cuộc chuyển đổi mạnh mẽ sang ngân hàng số, nhiều khách hàng thuộc thế hệ trẻ sẽ muốn ưu tiên trải nghiệm dịch vụ kỹ thuật số.
Có thể bạn quan tâm
TPBank tiếp tục được vinh danh là Ngân hàng số xuất sắc nhất
15:45, 20/02/2020
“Nụ Xuân” ngân hàng số
11:00, 24/01/2020
Apple Watch - Bước tiến mới trong cuộc đua phát triển dịch vụ ngân hàng số
09:10, 15/01/2020
Ngân hàng số: Khi khách hàng được thực là “thượng đế”
16:08, 10/12/2019
Grab "lấn chân" sang dịch vụ ngân hàng số
11:00, 13/06/2019
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngân hàng số là xu hướng tất yếu trong tương lai. Các ngân hàng số có thể thay thế 100% ngân hàng truyền thống. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, có ngân hàng không có chi nhánh nào, nhưng vẫn thực hiện tất cả dịch vụ ngân hàng như huy động, tiết kiệm, cho vay... cho hàng trăm triệu khách hàng, trong khi chi phí hoạt động chỉ bằng 1/7 ngân hàng truyền thống.
Tại Việt Nam, NHNN đang hoàn thiện khung khổ pháp lý phù hợp với xu hướng phát triển ngân hàng số như hoàn thiện các quy định về an ninh, bảo mật trong lĩnh vực ngân hàng; xây dựng cơ chế về e-KYC, Open API...; hoàn thiện các hệ thống hạ tầng quan trọng hỗ trợ giao dịch thương mại, tài chính trong kỷ nguyên số; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính; giám sát và quản lý an ninh mạng...
Theo các chuyên gia ngân hàng, để thúc đẩy ngân hàng số phát triển, cần xây dựng Chương trình hành động quốc gia toàn diện; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết hợp sinh trắc học, nhân khẩu học để tạo tiền đề phát triển ngân hàng số. Bên cạnh đó, cần kiện toàn hệ thống hạ tầng cơ bản về tiền điện tử, ngân hàng đại lý, eKYC. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các chương trình giáo dục về phổ cập tài chính và nghiên cứu, ban hành khung pháp lý quản lý Fintech theo hướng mở…