"Nở rộ" giao dịch không dùng tiền mặt
Dữ liệu tổng hợp từ nền tảng Grab mang đến một góc nhìn về những thay đổi trong hành vi tiêu dùng thời gian vừa qua, và gợi mở các xu hướng kinh doanh kéo tăng trưởng của thanh toán số.
Dữ liệu được thống kê tại thời điểm giữa tháng 10/2019 cho thấy một bức tranh thay đổi khác biệt về hành vi tiêu dùng và thói quen thanh toán của người Việt. Theo đó, Grab cho biết xu hướng mua sắm trực tuyến tăng mạnh trong mùa dịch đang góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của thanh toán không tiền mặt, góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Thanh toán không dùng tiền mặt cũng trở thành yếu tố quan trọng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, khi người dùng cho đến các MSME (doanh nghiệp siêu nhỏ, kinh doanh hộ gia đình) đều chọn lựa các phương thức thanh toán trực tuyến để đảm bảo giao dịch an toàn trong mùa dịch.
Cụ thể, dịch COVID-19 đã thúc đẩy một bộ phận người dân lần đầu tiên tiếp cận với các phương thức thanh toán trực tuyến. Theo dữ liệu của Moca, đối tác chiến lược của Grab, số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab vào tháng 03/2020 đã tăng đến 22,5% so với tháng trước đó.
Cũng theo đối tác Moca, nhìn trên tổng thể hệ sinh thái Grab, trong dịch COVID-19, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm đến 43%. Đặc biệt, riêng với dịch vụ GrabMart, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt chiếm đến 70%.
"Thông qua hợp tác chiến lược với Moca, ứng dụng Grab đang ngày càng trở nên tiện lợi hơn cho người dùng, đặc biệt trong trong bối cảnh thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19. Đồng thời, Moca và Grab cũng đang gia tăng trải nghiệm cho người dùng Grab thông qua hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm các tính năng thanh toán cho các chuyến xe, đặt thức ăn, giao nhận hàng, chuyển tiền trong ví cho nhau, thanh toán tại cửa hàng, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn", các nhà quản lý Grab cho biết.
Hiện nay, đối tác Moca đang liên kết trực tiếp với 24 ngân hàng và 1 ngân hàng số, có khả năng tiếp cận tới hơn 92% người sở hữu thẻ ATM tại Việt Nam.
Cũng theo dữ liệu thống kê, mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên đa dạng hơn và người dùng cũng thoải mái hơn với việc lựa chọn sử dụng các ứng dụng để phục vụ cho nhu cầu "đi siêu thị hộ". Trong đó, GrabMart được triển khai tại TP.HCM từ ngày 23/03/2020, đã nhanh chóng được mở rộng ra Hà Nội chỉ 14 ngày sau đó. Số lượng đơn hàng GrabMart đã tăng đến 91% chỉ sau 1 tuần triển khai. Dữ liệu trên hệ thống Grab ghi nhận ngày 31/03/2020 là ngày đạt số lượng đơn hàng GrabMart cao kỷ lục, ngay trước thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội.
Dữ liệu cũng mở ra những gợi ý từ các mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất trên GrabMart là những thực phẩm quen thuộc hàng ngày của đại đa số người tiêu dùng Việt gồm: Sữa, Mì ăn liền, Sữa đậu nành, Nước soda, Xúc xích heo, cho thấy trong đại dịch, người dùng thực sự quan tâm hơn đến các mặt hàng thiết yếu cho gia đình. Đây cũng là xu hướng khiến nhiều nhà bán lẻ các mặt hàng kinh doanh không thiết yếu trong mùa dịch thời gian qua đã nhanh nhạy xoay chuyển qua cung cấp, phân phối mặt hàng mới như hệ thống Nhà sách Phương Nam, hệ thống điện máy Nguyễn Kim đều bán nhu yếu phẩm cho người dùng.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong chi tiêu và thanh toán qua nền tảng số của Grab là giá trị trung bình của một đơn hàng GrabFood trong dịch COVID-19 cũng tăng 26% so với trước khi có dịch. Nhà thống kê lý giải có thể vì lý do các thành viên trong gia đình đều ở nhà và ăn uống cùng nhau.
"Dữ liệu chúng tôi cũng ghi nhận giá trị trung bình của đơn hàng GrabFood cho mọi bữa ăn đều tăng, trong đó mức tăng nhiều nhất thuộc về bữa tối. Cụ thể hơn, trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, bữa tối là bữa ăn “tốn kém" nhất của người dùng GrabFood; trong khi trước đó, tại thời điểm chưa có dịch, vị trí bữa ăn có giá trị đơn hàng trung bình cao nhất trên GrabFood thuộc về bữa ăn phụ", Grab ghi nhận.
Với xu hướng chuyển đổi số ngày càng gia tăng, việc sử dụng các nền tảng số để khai thác lợi thế của kinh tế chia sẻ và tích hợp thanh toán số, kết nối cùng các loại ví điện tử để tạo thuận lợi thanh toán phi tiền mặt, được gợi ý là phương thức hiệu quả giúp các doanh nghiệp MSME, đặc biệt là các hàng quán kinh doanh truyền thống đảm bảo hoạt động và có thêm lợi nhuận. Ví dụ dựa trên dữ liệu này, các nhà hàng có thể tăng cường các "menu" mang tính gia đình và phù hợp hơn cho các đơn hàng trên GrabFood vào buổi tối. Hay đây cũng sẽ là điều đáng lưu ý với ngay cả các tổ chức tín dụng, các nhà bán lẻ đang có kế hoạch bắt tay nhau và tạo "hệ sinh thái" mua sắm mới thông qua các ứng dụng tích hợp thanh toán lẫn đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng từ ăn đến chơi.
Điều này cũng hàm ý hứa hẹn đang có cơ hội tăng trưởng lớn từ việc đổi hành vi - thay thói quen - tạo "tính cách" mới cho thanh toán số. Theo đó, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang và sẽ ngày càng phổ biến để dần tiến đến trở thành một phần tất yếu của thời kỳ kinh tế bình thường mới.
Có thể bạn quan tâm
Thanh toán số của Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng 400%
15:27, 12/05/2020
Hóa giải thách thức bảo mật thanh toán số
05:13, 13/02/2020
Giao dịch tài chính mùa cúm Corona (Kỳ I): Người dân tự nguyện chọn thanh toán số
16:23, 06/02/2020
Giao dịch tài chính mùa cúm Corona Kỳ I: Người dân tự nguyện chọn thanh toán số
10:39, 05/02/2020
Thanh toán số với xác thực sinh trắc học có đủ bảo mật?
11:30, 14/01/2020