Thanh toán không dùng tiền mặt tại các quốc gia hàng đầu dự đoán tăng 9% trong năm 2020 do COVID-19
Doanh số bán hàng trực tiếp tại cửa hàng giảm nhanh chóng, trong tuần đầu tiên của tháng 5 doanh số này giảm 46% so với hồi tháng 1 trong khi doanh số bán trực tuyến tăng đến 58%.
Theo The Asia Banker, thanh toán không dùng tiền mặt đang được mở rộng qua thương mại điện tử và các kênh mua sắm. Do đại dịch COVID-19 hoành hành, nhiều người đang phải ở nhà và mua sắm thông qua điện thoại di động và máy tính. Kết quả, thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng và mở rộng ra nhiều thị trường khác nhau.
Khi COVID-19 vẫn là mối đe dọa toàn cầu, ảnh hưởng con người trở nên đáng kể hơn. Tính lan truyền dữ dội của virus này làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng rằng dịch bệnh có thể sẽ lây nhiễm thông qua tiền mặt.
Với suy nghĩ này, người tiêu dùng ngày càng sẵn lòng sử dụng ví điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt, không chỉ vì tính thuận tiện, mà còn bởi vì tính an toàn.
Thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy mạnh mẽ trong đại dịch COVID-19
Với việc tiền giấy truyền tay từ người này sang người khác, nhiều người sợ rằng sử dụng tiền đồng hay tiền giấy có thể khiến cho dịch bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học New England cho thấy virus gây ra COVID-19 có thể số đến 3 giờ trong không khí, 24 giờ trên bề mặt thẻ và thậm chí còn lâu hơn trên những bề mặt cứng khác. Thực tế virus tồn tại tốt nhất trên vật liệu không có lỗ trống như nhựa và sắt không gỉ. Điều này đồng nghĩa với việc ATM, máy bấm thẻ tín dụng hay bàn phím ấn PIN cũng có thể truyền virus.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ghi nhận mối đe dọa này. Trong báo cáo của WHO và Cụm Y tế Toàn cầu khuyến cáo: "Ở nơi có khả năng, tốt hơn nên sử dụng thanh toán điện tử và di động không tiếp xúc để giảm rủi ro lan truyền bệnh".
Nhiều quốc gia đang đưa bước đi này xa hơn. Ví dụ, Hàn Quốc đã cách li toàn bộ tiền mặt ngân hàng trung ương (Bank of Korea) nhận được trong hai tuần trước khi khử khuẩn và đưa trở lại lưu thông. Trung Quốc cũng đang tiến hành cách thức tương tự. Ngân hàng Trung ương Kenya cũng đưa ra chỉ đạo mới trong tháng 3 vừa qua, khuyến khích sử dụng giao dịch tiền di động thay vì tiền mặt nhằm giảm sự lan truyền của virus.
Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Mastercard cũng khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Trên khắp nước Anh, giới hạn thanh toán không dùng tiền mặt qua Mastercard được tăng từ 37,67 USD (30 GBP) lên 56,5 USD (45 GBP) nhằm giúp khách hàng cắt giảm sử dụng tiền mặt. Giới hạn sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt mới này có hiệu lực từ ngày 1/4.
Cách li xã hội mang nhiều người tiêu dùng lên mạng hơn
Hành vi tiêu dùng đang thay đổi ở qui mô lớn, với việc nhiều người đang cách li không thể tiếp tục những thói quen như bình thường và nhiều cửa hàng đóng cửa bởi lí do an toàn.
Hoạt động thương mại điện tử đang bùng nổ ở Mỹ, đặc biệt với những sản phẩm sức khỏe và đồ khô. Người mua hàng trực tuyến sẵn sàng chuyển sang sản phẩm cần thời gian chuyển hàng lâu hơn nhằm hạn chế ra cửa hàng vốn có thể đang bị đóng cửa.
Amazon chứng kiến tăng trưởng vượt bậc với nhu cầu hàng hóa thiết yếu như đồ khô, giấy vệ sinh, nước rửa tay. Khách hàng sẵn sàng chờ vài tuần để nhận được loại hàng hóa này.
Trong những tuần đầu tiên khi bùng nổ dịch ở Mỹ, cả doanh số tại cửa hàng và trực tuyến đều tăng trưởng đều cho đến đầu tháng 3. Sau đó, doanh số bán tại cửa hàng giảm nhanh chóng. Doanh số bán tại cửa hàng giảm 46% trong tuần trước, so với hồi tháng 1. Cùng thời gian đó, doanh số bán trực tuyến tăng đến 58%.
Sàn thương mại điện tử hỗ trợ tài chính cho nhà bán lẻ, cùng với hỗ trợ vận chuyển
Nhằm giúp điều tiết khủng hoảng, một số nền tảng thương mại điện tử tại Trung Quốc cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nhà bán lẻ, cùng với các công cụ trực tuyến khác nhau cho nhà cung cấp tiếp cận đến nhiều người tiêu dùng hơn. Họ cũng cung cấp giải pháp giao hàng đặc biệt trong thời kì bùng nổ nhằm giúp thực hiện đơn hàng hiệu quả hơn.
Tmall giảm phí dịch vụ trong nửa đầu năm 2020 và cung cấp dịch vụ miễn phí cho các nhà cung cấp tại Hồ Bắc, tâm dịch COVID-19. JD Digits giảm lãi suất cho các khoản nợ có sẵn và cho phép người bán hoãn trả nợ. JD cũng cho mức lãi suất thấp và thậm chí không tính lãi cho nhà cung cấp.
Các công ty thương mại điện tử cũng gia tăng nỗ lực nhằm đưa ra giải pháp giao hàng không tiếp xúc và sử dụng các thiết bị tự động cũng như không người lái để giao đơn hàng. Điều này giúp giảm tiếp xúc giữa người với người và hạn chế lan truyền COVID-19.
Với việc cung cấp hỗ trợ tài chính, công nghệ, marketing và vận chuyển cho nhà cung cấp trên nền tảng của họ, sàn thương mại điện tử cũng có thể giúp nhà cung cấp vượt qua trong khi khuyến khích tăng trưởng thậm chí ngay giữa đại dịch.
Việc theo đuổi chiến lược Offline-to-Online (O2O) vẫn luôn là chiến lược ưu tiên hàng đầu cho cả người bán lẻ và thương mại điện tử. Việc bùng nổ dịch COVID-19 càng khiến cho các công ty tăng nhu cầu chuyển đổi số, đến mức giờ đây trở thành yếu tố sinh tồn cốt yếu trong kinh tế số.
Nhằm đảm bảo sự phù hợp giữa kinh doanh trực tuyến và ngoại tuyến, các nhãn hàng và nhà bán lẻ sẽ phải ứng dụng công nghệ đỉnh cao, đồng thời tăng cường quản lí chuỗi cung ứng và quản lí quan hệ khách hàng. Ngược lại, những gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử sẽ khai thác kĩ năng số của họ để tăng cường sự hiện diện ngoại tuyến và mở rộng hệ thống kinh doanh của họ.
Có thể bạn quan tâm
Thanh toán không dùng tiền mặt: Sớm có khung pháp lý thử nghiệm
10:45, 09/03/2020
Dự thảo quy định về thanh toán không dùng tiền mặt đặt thêm điều kiện kinh doanh
04:50, 24/12/2019
Cơ quan soạn thảo "lúng túng" với điều kiện kinh doanh trong thanh toán không dùng tiền mặt
02:06, 12/12/2019
Cần có Luật Thanh toán và Luật Ngoại hối để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
13:32, 11/12/2019
Giải pháp cho thanh toán không dùng tiền mặt
22:55, 19/07/2019