Ant Financial toan tính gì khi rót vốn vào Wave Money?

Nguyễn Long 19/05/2020 15:42

Ant Financail đầu tư vào công ty Fintech Wave Money nhằm thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Myanmar, đồng thời là một phần trong kế hoạch lớn hơn ở thị trường Đông Nam Á.

Theo đó, Ant Financial đã công bố kế hoạch đầu tư 73,5 triệu USD vào Wave Money, giúp Alipay (công ty con của Ant Financial) sẽ trở thành một cổ đông trong Wave Money, cùng với các cổ đông hiện tại Yoma Group và Telenor.

Ant Financial đang có kế hoạch lớn tiến sâu vào thị trường Đông Nam Á tiềm năng.

Ant Financial đang có kế hoạch lớn tiến sâu vào thị trường Đông Nam Á tiềm năng.

Được thành lập vào năm 2015 dưới hình thức liên doanh giữa Yoma và Telenor, Wave Money cho phép người dùng gửi và nhận tiền bằng điện thoại của họ hoặc thông qua một trong số 57.000 đại lý của họ nằm rải rác ở khu vực thành thị và nông thôn ở Myanmar.

Wave Money cho biết khối lượng giao dịch thanh toán của họ trong năm 2019 đạt 4,3 tỷ USD. Hiện có hơn 21 triệu người đã sử dụng nền tảng của Wave Money, với mức tăng trưởng bình quân số lượng người dùng hàng tháng khoảng 14%.

Với thỏa thuận hợp tác với Ant Financial, Wave Money có kế hoạch tận dụng kinh nghiệm của tập đoàn này trong thanh toán điện tử để nâng cao năng lực kỹ thuật số, trải nghiệm người dùng và chất lượng dịch vụ.

Ông Melvyn Pun, Giám đốc điều hành Yoma, nhận định sự hợp tác với Ant Financial sẽ tăng năng lực của Wave Money trong việc đáp ứng nhu cầu của người dùng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh.

Giới chuyên gia cho rằng, động thái Ant Financial rót tiền vào Wave Money sẽ tạo bước đệm tiếp theo để tập đoàn này tiến sâu vào thị trường Đông Nam Á.

Kể từ năm 2019, Ant Financial đã đặt mục tiêu vượt ra toàn cầu, đầu tư vào các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan. Công ty cũng đang làm thủ tục xin cấp phép hoạt động ngân hàng số ở Singapore sau khi có được giấy phép tương tự ở Hồng Kông. Ant Financial cũng đang đẩy mạnh dịch vụ thanh toán trên toàn thế giới để khách du lịch Trung Quốc có thể sử dụng dịch vụ thanh toán của Ant Financial ở nước ngoài.

Tại thị trường Việt Nam, cuối năm 2019, Ant Financial đã âm thầm nắm giữ tối đa 50% cổ phần của eMonkey, được dự đoán sẽ có "ảnh hưởng đáng kể" đến ví điện tử này. Thương vụ trên sẽ cho phép Ant Financial tham gia thị trường thanh toán tại Việt Nam nhờ vào việc eMonkey đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động.

Việc hợp tác với eMonkey tại Việt Nam có thể giúp Ant Financial vừa thiết lập được hệ thống chấp nhận thanh toán cho khách du lịch Trung Quốc tại Việt Nam, vừa cho phép người tiêu dùng tại quốc gia này tiếp cận các dịch vụ của Ant Financial.

Ant Financial đã và đang hợp tác với một số ví điện tử ở Đông Nam Á và việc đầu tư vào eMonkey và Wave Money là động thái tiếp theo để từng bước đưa công ty này thâm nhập và chi phối thị trường thanh toán điện tử trong khu vực này. 

Có thể bạn quan tâm

  • Gom tất cả vào một, thách thức của cuộc đua ví điện tử

    Gom tất cả vào một, thách thức của cuộc đua ví điện tử

    06:28, 16/05/2020

  • Các công ty công nghệ đầu tư mạnh thị trường ví điện tử sau Covid-19

    Các công ty công nghệ đầu tư mạnh thị trường ví điện tử sau Covid-19

    14:39, 11/05/2020

  • Người Việt đang dùng ví điện tử để thanh toán gì?

    Người Việt đang dùng ví điện tử để thanh toán gì?

    05:15, 27/03/2020

  • “Nóng” cuộc đua ví điện tử

    “Nóng” cuộc đua ví điện tử

    03:03, 12/01/2020

Nguyễn Long